Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Nâng lên 80% để tạo dư địa cho địa phương đàm phán
Một nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu là tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trong dự thảo, Chính phủ đề nghị "nới" tỉ lệ vốn nhà nước tham gia lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định.
Đồng tình với đề nghị này, đại biểu Lại Văn Hoàn (Thái Bình) nói một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược có tổng mức đầu tư rất lớn, gồm nhiều hợp phần khác nhau, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng đồng thời với kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP.
Do đó, nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỉ trọng cao trong tổng mức đầu tư.
Một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính…, cần được quan tâm bố trí tỉ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.
Đại biểu dẫn chứng thực tế khi triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Dự án này được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành, chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỉ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án.
Quá trình thực hiện dự án bị ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn... dẫn đến chi phí tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do vốn Nhà nước đảm nhận, lên đến 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Như vậy, nếu chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì sẽ không tháo gỡ được tồn tại, vướng mắc của dự án này.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế) cũng kiến nghị nâng tỉ lệ lên 80% vì đây là phần vốn Nhà nước có thể tham gia và tạo dư địa cho địa phương đàm phán với các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy hoàn cảnh có phương án riêng và tỉ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỉ lệ tối đa cho phép.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thì cho rằng không nên quy định cứng tỉ lệ vốn của Nhà nước là 70% mà nên giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo phù hợp với từng dự án thực hiện theo phương thức PPP.
Cần tính toán, cân nhắc
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó, nhạy cảm. Trước đây không quy định tỉ lệ nhưng sau khi có Luật PPP đã đưa ra tỉ lệ 50%.
Ông Dũng nói đến nay quy định này không còn phù hợp và việc nâng tỉ lệ vốn nhà nước là để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Bởi nếu tỉ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, mà tỉ lệ cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP.
Bộ trưởng nói qua tính toán, cân nhắc, nâng tỉ lệ vốn nhà nước lên mức 70-75% là hợp lý, tuy nhiên tùy từng trường hợp dự án cụ thể, người có thẩm quyền sẽ quyết định tỉ lệ.
"Tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỉ lệ vốn tham gia chứ không phải nói như thế sẽ được Nhà nước bố trí vốn như vậy", ông Dũng nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận