08/11/2023 14:23 GMT+7

Cải thiện sinh kế từ nguồn vốn vay không lãi suất

Làm nông hơn nửa đời người nhưng nhiều hộ nông dân ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vẫn thiếu trước hụt sau. Bởi vậy vốn vay không lãi suất từ chương trình Tiếp sức nhà nông là cơ hội để các hộ nông dân mở rộng chăn nuôi, vượt lên thoát nghèo.

Chồng đi làm mướn, chị Vũ Thị Thơm ở nhà chăm 3 con nhỏ. Tận dụng lúc con ngủ, chị ra cắt cỏ cho dê ăn để cải thiện thu nhập - Ảnh: A LỘC

Chồng đi làm mướn, chị Vũ Thị Thơm ở nhà chăm 3 con nhỏ. Tận dụng lúc con ngủ, chị ra cắt cỏ cho dê ăn để cải thiện thu nhập - Ảnh: A LỘC

Vợ chồng anh Ngô Ngọc Việt và chị Vũ Thị Thơm ở ấp Láng Me 2, xã Xuân Đông là một trong 40 hộ được trao vốn vay từ chương trình. Từ khi biết tin, đôi vợ chồng này đã dự định nuôi thêm dê để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Đổ vốn vay vào chăn nuôi

Chị Thơm kể, khi cưới, ông bà nội cho mảnh đất nhỏ làm nhà, hai vợ chồng mướn đất của người khác làm nuôi 3 con nhỏ. 

Thế nhưng những năm gần đây giá thuê đất tăng cao trong khi giá nông sản bấp bênh, nhiều khi lỗ vốn. Từ đó, vợ chồng anh chị chọn làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy, tiền công chỉ đắp đổi qua ngày.

Đặc biệt hai năm trở lại đây, chị Thơm bầu bì, sinh nở, chăm con… không thể đi làm, năm miệng ăn đều trông chờ vào tiền công làm mướn của chồng. Và chuyện đi chợ thiếu đã trở thành thói quen.

"Họ nói cứ mua rồi ghi sổ, trúng mùa thì trả, không thì gối tiếp mùa sau. Giờ mà đi chợ ngày nào trả tiền ngày đó là không có đâu, thực sự không có", chị Thơm bộc bạch.

Tích cóp nhiều năm, gia đình chị Thơm đầu tư nuôi thêm dê làm sinh kế. Theo chị, nuôi dê chỉ bỏ vốn ban đầu và công cắt cỏ, còn tiền gốc vẫn ở đó. Đến khi dê đẻ bán đi thì sẽ có lời. Song với năm con dê thì phần lãi quá ít, không đủ để gia đình chị thoát nghèo.

Do đó, khi biết được trao vốn không lãi suất, vợ chồng chị rất vui. Nhất là chị Thơm, bởi có thể đỡ đần phần nào cho chồng, cũng như có vốn đầu tư kiếm tiền lo cho các con. 

Chị dự tính: "Con còn nhỏ nên chỉ có thể quanh quẩn ở nhà. Nếu có vốn đầu tư nuôi thêm dê thì quá tốt. Vụ mùa chồng làm, còn mình ở nhà phụ cắt cỏ cho dê ăn. Đến lúc bán dê trả nợ, dư tiền lo cho các con ăn học".

Ngoài mua thêm dê, vợ chồng chị Thơm còn dự định vây rào nuôi thêm ít gà trong những lúc chồng chị không có việc làm. Chị tự nhủ cực một chút nhưng muốn có tiền nuôi con cái ăn học thì phải cố gắng.

Vợ chồng anh Đỗ Quốc Phong và chị Thái Thị Mỹ Phận ráo riết làm chuồng trại, đợi khi có vốn vay sẽ bắt dê giống về nuôi - Ảnh: A LỘC

Vợ chồng anh Đỗ Quốc Phong và chị Thái Thị Mỹ Phận ráo riết làm chuồng trại, đợi khi có vốn vay sẽ bắt dê giống về nuôi - Ảnh: A LỘC

Làm sẵn chuồng chờ nhập con giống

Trong số 40 hộ nhận vốn vay, có lẽ gia đình chị Thái Thị Mỹ Phận ở ấp 2, xã Lâm San là người tính toán "khởi nghiệp" sớm nhất. Bởi dù chưa chính thức nhận tiền nhưng vợ chồng chị đã sớm làm sẵn chuồng trại.

Chị Phận kể trước đây hai vợ chồng làm công nhân ở Khu công nghiệp Sông Mây, đồng lương khá ổn định nhưng "làm đâu xài đó", hầu như không có dư. Do cha mẹ chồng lớn tuổi, chồng là con trai trưởng nên hai vợ chồng rẽ hướng về quê làm nông.

Nhờ có mảnh đất của ông bà, hai vợ chồng trồng cỏ chăn nuôi dê và nuôi thêm gà cải thiện thu nhập. Để giảm giá thành, hai vợ chồng bỏ công cắt cỏ, xin mít của người dân xung quanh về cho dê ăn. Tuy nhiên, giá dê thịt xuống thấp nên việc chăn nuôi gặp không ít sóng gió.

Sau khi nhận vốn vay, nhiều hộ dân chọn đầu tư vào chăn nuôi dê bởi tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận - Ảnh: A LỘC

Sau khi nhận vốn vay, nhiều hộ dân chọn đầu tư vào chăn nuôi dê bởi tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận - Ảnh: A LỘC

Từ lâu, vợ chồng chị Phận đã muốn mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi, song do nguồn vốn eo hẹp nên mãi chưa thực hiện được. Do đó, khi biết được trao vốn không lãi suất, hai vợ chồng rất vui mừng.

Trước ngày trao vốn hai tuần, vợ chồng chị Phận đã chặt cây, lột vỏ, san nền chuồng heo cũ lấy mặt bằng làm chuồng trại mới. Thấy người ta bán chuồng cũ giá rẻ, hai vợ chồng vội vàng mua lại rồi nhờ người chở về. 

Theo tính toán của chị Phận, ngày nhận vốn chuồng sẽ hoàn thành, nhận vốn xong là mua thêm dê đẻ về nuôi.

Nhớ về quãng thời gian khó khăn khi làm công nhân, vợ chồng chị Phận quyết cho con học tới nơi tới chốn để có tương lai tươi sáng hơn cha mẹ. 

Chị Phận chia sẻ: "Phải học chữ mới bớt khổ, chứ đi làm công ty bị phụ thuộc, làm ổn định nhưng làm đâu xài đó không có dư. Chăn nuôi cũng bấp bênh, nhưng lúc này lúc kia, cố gắng sẽ vượt qua được".

2,4 tỉ đồng vốn vay không lãi suất hỗ trợ nông dân khó khăn

Trong năm 2023, báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam trao vốn cho 160 hộ nông dân khó khăn ở các tỉnh Gia Lai, Quảng Trị và Đồng Nai với tổng vốn 3,68 tỉ đồng (bao gồm tiền vốn vay và chi phí hỗ trợ thức ăn chăn nuôi).

Các hộ nông dân được trao vốn là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng có khát vọng vươn lên tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Riêng tại Đồng Nai, chương trình kéo dài hai năm với tổng kinh phí 920 triệu đồng. Trong đó, 800 triệu đồng tiền mặt và 120 triệu đồng là chi phí hỗ trợ thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng tuyên dương, trao phần thưởng và quà tặng cho 40 em học sinh, sinh viên con em các hộ nông dân tham gia chương trình có thành tích học tốt, với tổng giá trị hơn 40 triệu đồng.

Trao "cần câu" tiếp sức 40 hộ nông dân ở Đồng Nai vượt khóTrao 'cần câu' tiếp sức 40 hộ nông dân ở Đồng Nai vượt khó

40 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vừa nhận hỗ trợ vốn vay không lãi suất với tổng số tiền 800 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên