07/03/2023 08:00 GMT+7

Tiếp sức nhà nông Jrai vững bước trên con đường cải thiện sinh kế

Các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mong muốn được hỗ trợ, giúp sức để vươn lên làm giàu từ chăn nuôi trồng trọt, mong cuộc sống bớt khó khăn, lo cho con cái ăn học tới nơi, tới chốn.

Vợ chồng chị Muêh thay nhau đi làm thuê và trông con nhỏ, chăn nuôi heo sinh sản kiếm thêm thu nhập - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Vợ chồng chị Muêh thay nhau đi làm thuê và trông con nhỏ, chăn nuôi heo sinh sản kiếm thêm thu nhập - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Chật vật với chén cơm manh áo

Dưới cái nắng nóng bỏng rát của những ngày cuối tháng 2, chúng tôi gặp vợ chồng chị Kpă Muêh (39 tuổi) và anh Kpă Nông (38 tuổi) trong căn nhà tuềnh toàng chừng 30m2.

Căn nhà của chị được xây trên mẫu đất nhỏ mẹ ruột cho nằm cuối con ngõ nhỏ ở làng Nú, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đến nay đã xuống cấp, mái tôn rỉ sét, dột nát.

Trong căn nhà nhỏ trống trơn không chút tài sản, chị Muêh cho hay sau 20 năm về chung nhà, vợ chồng chị đã có bốn mặt con. Con đầu vừa lên đường nhập ngũ, các cháu còn lại đang độ tuổi ăn học.

Cuộc sống khó khăn, nhà lại đông con, vợ chồng chị dù cật lực mưu sinh đến mấy vẫn không dư được đồng nào.

Ngoài nuôi heo sinh sản, vợ chồng chị không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm ai thuê gì cũng làm, từ làm cỏ đất trong vườn cà phê, hái tiêu, phụ hồ, bốc vác... Quần quật mà thu nhập chỉ 200.000 đồng/ngày công, số tiền ít ỏi này không đủ để vợ chồng chị trang trải.

"Hai vợ chồng đi làm thuê, làm rẫy không tiền kiếm được chẳng đủ ăn. Nhiều lúc không còn tiền mà con cứ xin tiền đóng học phí, tôi cũng cố gắng vay mượn hàng xóm rồi tích cóp trả dần. Thương con, vất vả thế nào tôi cũng cố gắng cho con đến trường" - chị Muêh bộc bạch.

Vợ chồng chị Min và anh Rlan Vân tìm tòi học hỏi nuôi bò sinh sản và mong muốn mở rộng mô hình này phát triển kinh tế - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Vợ chồng chị Min và anh Rlan Vân tìm tòi học hỏi nuôi bò sinh sản và mong muốn mở rộng mô hình này phát triển kinh tế - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Tương tự những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Chư Sê, vợ chồng chị Siu Min (28 tuổi) và anh Rlan Vân (34 tuổi) ở làng Khối Zét, xã Ia Tiêm cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Dù vợ chồng anh Vân chăm chỉ, cần mẫn làm việc từ sáng đến tối nhưng đến nay vẫn không thoát nỗi nghèo khó.

Ngoài hai con heo và hai con bò sinh sản nuôi nhờ ở chuồng trại cũ nát của mẹ ruột, vợ chồng chị Min trồng thêm ba sào cà phê, một sào lúa. Lúa tự cung tự cấp, cà phê ít nên lợi nhuận chẳng bao nhiêu.

Thu nhập chủ yếu của vợ chồng chị Min phụ thuộc vào việc làm thuê. Ai thuê gì làm đó, từ hái tiêu, chặt mía đến bốc vác chanh dây, trung bình mỗi tháng hai vợ chồng chị thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này không đủ để vợ chồng chị trang trải và lo cho hai người con ăn học.

Đôi vợ chồng trẻ Rơ Mah Sát (27 tuổi) và Kpa Vi ở thôn 1, xã Ia Blang (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cũng vậy, năm 2017 vợ chồng chị Vi được bố mẹ cho mẫu đất nhỏ nên quyết định dựng căn nhà rồi chuyển ra ở riêng.

Căn nhà tuềnh toàng của đôi vợ chồng trẻ Kpa Vi - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Căn nhà tuềnh toàng của đôi vợ chồng trẻ Kpa Vi - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Nói là căn nhà nhưng thực chất như lán rẫy, rộng chừng 20m2, bốn bề được đóng ván gỗ đến nay đã mục nát. Trong nhà không có món đồ nào quý giá hơn các bao lúa vừa thu hoạch và chén bát, xoong nồi nấu ăn qua bữa.

Sau khi chuyển ra ở riêng, vợ chồng chị Vi được gia đình nội ngoại cho gần 500 gốc cà phê và hai sào rưỡi lúa để kiếm kế sinh nhai.

Cuộc sống quá khó khăn, vợ chồng chị được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò và mua thêm 1 con dê, đến nay đã lên 6 con. Vừa qua gom góp vốn liếng cộng với vay vốn 50 triệu đồng, vợ chồng chị đã đầu tư thuê đất trồng tiêu, chanh dây, lúa và mua thêm bò.

Dù chăm chỉ, cật lực mưu sinh như thế nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng chị Kpa Vi vẫn đang còn nhiều khó khăn thiếu thốn bởi chị và con trai thường xuyên đau ốm.

Trong khi các loại cây trồng mới đầu tư chưa có lãi, thu nhập chính dựa vào việc làm thuê của anh Sát. Số tiền công ít ỏi đó không đủ mua thuốc men cho hai mẹ con chị Vi.

Vợ chồng chị Kpa Vi chăm chỉ làm thuê và chăn nuôi dê, bò phát triển kinh tế - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Vợ chồng chị Kpa Vi chăm chỉ làm thuê và chăn nuôi dê, bò phát triển kinh tế - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Nuôi thêm dê, bò để… lo cho con

Dù cần mẫn mưu sinh nhưng khó vẫn hoàn khó, hai vợ chồng chị Min và anh Rlan Vân tích cóp tiền công làm thuê nhiều năm qua mới mua được hai con heo và bò sinh sản (bò lai).

Tuy nhiên, vốn liếng không còn để đầu tư làm chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Vợ chồng chị phải nuôi nhờ chuồng của mẹ ruột.

Khi nhận được khoản vốn 20 triệu đồng từ chương trình "Tiếp sức nhà nông", vợ chồng chị Min mừng rỡ. Chị Min cho hay số tiền này đủ để chị xây dựng chuồng bò, heo kiên cố và mua thêm con giống.

"Ngoài xây dựng chuồng trại kiên cố, nếu còn dư tôi sẽ mua thêm heo để nuôi, còn bò sinh sản hiện có một bò mẹ và một bò con 8 tháng. Đối với loại bò sinh sản này có tuổi từ 8 tháng đến một năm đã có giá 20 - 30 triệu đồng.

Sau 1 năm dự kiến sinh thêm một con bò và đàn heo, gà cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Vợ chồng tôi cố gắng làm thuê và chăn nuôi tốt, mong sau hai năm cuộc sống đỡ khó khăn hơn và đủ khả năng hoàn vốn cho chương trình" - chị Min bộc bạch.

Hầu hết người dân huyện Chư Sê đều sống bằng nghề nông, dù họ cần mẫn, chịu khó đến mấy vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó -Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Hầu hết người dân huyện Chư Sê đều sống bằng nghề nông, dù họ cần mẫn, chịu khó đến mấy vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó -Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Vợ chồng Chị Muêh cũng tương tự, sau khi nhận vốn và được tập huấn về chăn nuôi, chị tự tin cải tạo lại chuồng heo cũ trước đây và mua dê, gà, vịt để chăn nuôi thêm.

"Nhận được khoản vốn tiếp sức nhà nông tôi mua dê, gà, vịt để chăn nuôi. Vợ chồng thay nhau, một người đi làm thuê thì người còn lại ở nhà chăm sóc con nhỏ tiện chăn nuôi kiếm thêm thu nhập. Sau hai năm, hy vọng dê, heo sinh ra thành đàn đông con hơn để có đủ kinh tế lo cho các cháu ăn học, đồng thời hoàn vốn lại cho chương trình" - chị Muêh quyết tâm

Dù gia cảnh khó khăn, nhưng đôi vợ chồng trẻ Kpa Vi cũng quyết chí vươn lên không kém. Ngoài đàn dê, bò và vườn canh tác đã được đầu tư, vợ chồng chị Vi tự tin mở rộng mô hình, mua thêm bò để chăn nuôi.

Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững để lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống, đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật.

"Nhà tôi rất khó khăn, trồng cà phê thu hoạch ít, giá cả rất rẻ, không đủ cho con đi học. Cảm ơn Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam đã hỗ trợ cho nhà tôi. Với số tiền 20 triệu đồng vợ chồng tôi dự định đầu tư mua thêm khoảng hai con bò nữa để nuôi.

Hy vọng sau hai năm, số bò này sinh ra thêm nhiều con nữa, tăng thu nhập hơn, cải thiện được đời sống và lo cho con đi học" - chị Kpa Vi chia sẻ.

Cấp vốn cho 80 hộ dân

Sáng 5-3 vừa qua, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Tiếp sức nhà nông".

Buổi lễ đã cấp vốn cho 80 hộ nông dân ở bốn xã thuộc huyện Chư Sê (Gia Lai), mỗi suất được tài trợ 20 triệu đồng không lãi suất và hoàn lại sau hai năm. Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam là đơn vị tài trợ.

Đồng thời, công ty còn mang đến giải pháp chăn nuôi hiệu quả, và nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng thông qua các buổi tư vấn - tập huấn kỹ thuật… là bước đệm quan trọng giúp người nông dân thay đổi tư duy trong mô hình chăn nuôi tiên tiến, từ đó cải thiện đầu ra và hướng tới phát triển kinh tế vững bền.

Ngoài ra, chương trình cũng tuyên dương và trao phần thưởng và quà tặng cho 80 em học sinh, sinh viên có thành tích học tốt và là con em các hộ nông dân tham gia chương trình với tổng giá trị hơn 80 triệu đồng.

Đàn bò mơ ước từ đồng vốn Tiếp sức nhà nôngĐàn bò mơ ước từ đồng vốn Tiếp sức nhà nông

'Gia đình tôi mơ ước có đàn bò lâu lắm rồi, nhờ đồng vốn Tiếp sức nhà nông ước mơ mới trở thành sự thật' - bà Bùi Thịnh Tiển, một trong 40 hộ nông dân hoàn cảnh khó khăn được chương trình Tiếp sức nhà nông hỗ trợ vay vốn giai đoạn 2022-2024, chia sẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên