06/11/2023 18:58 GMT+7

Mua bò trước, nhận vốn vay trả lại sau

Gia đình chị Đào Thị Hương (35 tuổi, ngụ ấp 2, xã Lâm San) là một trong những hộ nông dân tiêu biểu được trao vốn vay không lãi suất trong ngày 5-11 tại Trung tâm Chính trị huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai).

Ông Phùng Bửu Quang, giám đốc điều hành Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam chi nhánh Đồng Nai (bìa trái), trao vốn cho nông dân khó khăn - Ảnh: AN BÌNH

Ông Phùng Bửu Quang, giám đốc điều hành Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam chi nhánh Đồng Nai (bìa trái), trao vốn cho nông dân khó khăn - Ảnh: AN BÌNH

Ngày nhận vốn vay, ngay từ sáng sớm chị khấp khởi cùng con gái đến nơi tổ chức chương trình Tiếp sức nhà nông do Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam phối hợp Hội Nông dân và Tỉnh Đoàn Đồng Nai tổ chức.

Đợt này, Ban tổ chức đã trao vốn vay không lãi suất cho 40 hộ nông dân ở hai xã Xuân Đông và Lâm San (huyện Cẩm Mỹ). Các hộ dân này có hoàn cảnh khó khăn nhưng có khát vọng vươn lên tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Theo đó, chương trình kéo dài hai năm với tổng kinh phí 920 triệu đồng. Trong đó, 800 triệu đồng tiền mặt và 120 triệu đồng là chi phí hỗ trợ thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân.

Mua thiếu cặp bò về nuôi

Chị Hương kể sau khi lập gia đình, mẹ chị cho một sào đất đủ để cất căn nhà lụp xụp, sau đó được chính quyền xây cho căn nhà tình thương. Hầu như mọi vật dụng trong nhà đều là đồ cũ được người khác cho lại. Phần đất còn lại vợ chồng chị trồng hồ tiêu và cỏ cho dê ăn.

Không có đất canh tác, chị Hương phải đi làm thuê làm mướn, chồng chị đi làm phụ hồ nuôi hai con nhỏ. Tuy nhiên, mấy năm dịch công việc không có, chồng chị về làm mướn cùng vợ. Việc làm theo vụ mùa, ngày đi làm ít hơn ngày nghỉ nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.

Năm 2019, tiêu được mùa, gia đình chị đầu tư mua cặp dê về nuôi gây giống, đó cũng là toàn bộ tài sản và hy vọng của gia đình. Tuy nhiên sau đó giá tiêu hạ, vườn tiêu chết dần chết mòn khiến cuộc sống càng thêm khốn khó, thường xuyên phải vay mượn để chi tiêu hằng ngày và nuôi con ăn học.

Chị Đào Thị Hương bật mí mua hai con bò về nuôi trước khi nhận vốn vay. Trong ảnh: Chị Đào Thị Hương và con gái giao lưu tại chương trình - Ảnh: AN BÌNH

Chị Đào Thị Hương bật mí mua hai con bò về nuôi trước khi nhận vốn vay. Trong ảnh: Chị Đào Thị Hương và con gái giao lưu tại chương trình - Ảnh: AN BÌNH

"Đôi khi không còn một ngàn trong túi phải đi vay hàng xóm. Nhưng chỉ vay đủ tiền trang trải ít ngày thôi chứ không dám vay nhiều. Vay nhiều gặp lúc không có việc làm sợ không trả được", chị Hương bộc bạch.

Nhà xa, mỗi ngày hai cữ đưa đón con đến trường nhưng vợ chồng chị Hương vẫn quyết tâm cho con đi học. Chị lý giải nhà ai cũng khó khăn nhưng phải vươn lên, cho con đi học mới mong thay đổi cuộc sống, thoát nghèo.

Nói về việc sử dụng nguồn vốn không lãi suất, chị Hương "bật mí" dù chưa có tiền trong tay nhưng đã mua thiếu cặp bò về nuôi. "Nghe tin có nguồn vốn mừng quá gọi điện khoe với thằng em hàng xóm. Ai ngờ nó bảo bán cho cặp bò, vậy là chở về nuôi luôn, lúc nào nhận vốn trả lại sau", chị Hương vui vẻ nói.

Đồng thời, chị hy vọng cặp bò này sẽ giúp cuộc sống gia đình được cải thiện, "khó khăn mình cũng phải cố gắng vươn lên, vì tương lai con của mình".

Bà Đào Thị Cam vui mừng nhận vốn vay không lãi suất tại chương trình Tiếp sức nhà nông - Ảnh: AN BÌNH

Bà Đào Thị Cam vui mừng nhận vốn vay không lãi suất tại chương trình Tiếp sức nhà nông - Ảnh: AN BÌNH

Cố gắng vì tương lai cháu ngoại

Tại buổi trao vốn, khuôn mặt bà Đào Thị Cam luôn tràn ngập nụ cười. Ở tuổi lục tuần, trong khi bạn bè đã nghỉ ngơi thì bà vẫn một nắng hai sương làm thuê ngoài đồng, kiếm tiền nuôi hai cháu ngoại ăn học. Bởi vậy, đồng vốn không lãi suất càng có ý nghĩa hơn với bà.

Bà kể con gái lớn gần 40 tuổi, có hai đứa con nhưng gia đình dang dở, lại mắc bệnh nên không làm việc nặng được. Do đó, hai đứa cháu được gởi cho bà ngoại ở quê chăm sóc.

Kế sinh nhai lâu nay của bà là chăn nuôi heo, nhưng những năm gầy đây hai con nái đẻ của bà Cam đã già, lứa được không bù lứa mất. Vì vậy bà nuôi thêm heo thịt, tận dụng vườn rau lang, cây chuối sau vườn để giảm bớt tiền mua cám cho heo ăn.

Bà nói rất muốn đổi con giống, mở rộng chuồng trại để có thêm thu nhập nhưng ngặt nỗi không có vốn, vay bên ngoài lãi suất cao sợ không trả được. Để có tiền nuôi cháu ăn học, bà đành phải đi làm thuê, dù ở xa cũng không bỏ.

"Ý nguyện của tôi vẫn phải chăn nuôi bởi các ngành khác đâu có biết. Giờ già rồi, ở nhà nuôi heo, trồng rau lang thì được chứ làm thuê hạn chế lắm, nhất là nắng nôi cũng không có sức khỏe. Ngặt nỗi đồng vốn không có, vay bên ngoài thì lãi suất quá cao không dám vay", bà Cam nói.

Cầm trong tay nguồn vốn không lãi suất từ chương trình Tiếp sức nhà nông, bà Cam cười tươi rói. Bà nói một đời cơ cực nên không muốn cháu ngoại cũng vất vả như mình. Do vậy bà rất trông chờ nguồn vốn này để mở rộng chăn nuôi, cải thiện thu nhập nhằm có điều kiện lo cho hai cháu học đến nơi đến chốn.

Trao vốn kèm kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân Quảng TrịTrao vốn kèm kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân Quảng Trị

40 hộ nông dân tại tỉnh Quảng Trị vừa được tiếp sức bằng khoản vay hỗ trợ không lãi suất 20 triệu đồng/hộ để phát triển chăn nuôi sản xuất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên