Trong bối cảnh các cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu và các cuộc tấn công liên tục của Nga vào thủ đô Kiev được đánh giá là "dữ dội nhất", "chưa từng có" trong mấy ngày qua, câu hỏi đặt ra là liệu vẫn chưa quá muộn để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine?
Về phía Ukraine, được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây bằng rất nhiều khí tài hiện đại, có vẻ như họ chưa sẵn sàng ngồi vào đàm phán trong thời điểm này, mà quyết tâm phản công giành lại các vùng đang bị chiếm đóng.
Cách đây không lâu, ngày 11-5, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC) Oleksiy Danilov đã tuyên bố nước này sẽ không đàm phán với Nga nếu đàm phán không được thực hiện "theo điều kiện của Ukraine".
Mặc dù ông cũng thừa nhận trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia là Kiev đang phải chịu áp lực lớn nhằm khởi động tại tiến trình đàm phán hòa bình, ông nói: "Tôi muốn các bạn nhận ra rằng họ gây leo thang căng thẳng để khiến chúng ta ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Nga.
Không ai bán rẻ lợi ích quốc gia của chúng ta, bất kể có bao nhiêu đại diện của các quốc gia khác, những người can dự vào tình huống này, muốn điều đó xảy ra".
Và cùng ngày hôm đó khi trả lời phỏng vấn Đài BBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội nước này đang tập trung để chuẩn bị cho cuộc phản công nhằm vào lực lượng Nga.
Ông nhấn mạnh: "Với (những gì chúng tôi có), chúng tôi có thể tiến lên phía trước và thành công".
Yêu cầu của Nga từng tăng lên theo diễn tiến chiến sự
Còn nhớ, khi cuộc chiến mới xảy ra và vào những vòng đàm phán đầu tiên, Ukraine lúc đó còn yếu thế và để đổi lấy hòa bình, họ dường như đã muốn nhượng bộ hai điều kiện quan trọng của Nga là phi hạt nhân hóa và trung lập (vòng đàm phán thứ tư, ngày 18-3-2022).
Thế nhưng, vào ngày 30-9-2022 sau khi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia chính thức sáp nhập vào Nga thì ngày 4-10-2022 Tổng thống Zelensky đã kích hoạt một sắc lệnh của Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng (NSDC) Ukraine nhằm loại trừ mọi khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó thì phía Nga, ở những vòng đàm phán đầu tiên (diễn ra từ ngày 28-2-2022 tại thành phố Gomel ở đông nam Belarus) đã yêu cầu Ukraine cam kết tuyên bố đứng ngoài liên minh ở cấp nghị viện và tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này, đồng thời yêu cầu Ukraine công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk và từ bỏ yêu sách đòi lại bán đảo Crimea.
Thế nhưng, sau khi đàm phán thất bại, cuộc chiến leo thang và Nga đã chiếm được khoảng 17% diện tích Ukraine, ngày 29-3-2023, trả lời phỏng vấn trên trang tin tiếng Nga RTVI, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đưa ra danh sách gồm 10 điểm mà Chính phủ Ukraine cần làm để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
- Các lực lượng quân sự của Ukraine phải ngừng chiến đấu và phương Tây phải ngừng mọi hoạt động cung cấp vũ khí cho Kiev.
- Đảm bảo tình trạng trung lập và không liên kết của Ukraine, từ chối gia nhập NATO và EU.
- Xác nhận tình trạng phi hạt nhân của Ukraine.
- Sự công nhận của Kiev và cộng đồng quốc tế về "thực tế lãnh thổ mới".
- "Phi quân sự hóa" và "phi hạt nhân hóa" Ukraine.
- Bảo vệ tiếng Nga, quyền của các công dân nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số ở Ukraine.
- Đảm bảo di chuyển tự do qua biên giới với Nga.
- Ukraine và phương Tây hủy bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga và rút lại các yêu sách, chấm dứt các vụ truy tố chống lại Nga, các cá nhân và pháp nhân của Nga.
- Khôi phục khuôn khổ pháp lý về quan hệ của Ukraine với Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
- Phục hồi - bằng tiền của phương Tây - cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine bị lực lượng vũ trang Ukraine phá hủy kể từ năm 2014.
Như vậy, ngoài một số yêu sách mấu chốt mà Nga đã đưa ra từ đầu cuộc chiến như trung lập, phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa, cam kết không gia nhập các liên minh EU và NATO, có một đòi hỏi khác đã được bổ sung vào tháng 10-2022 và xuất hiện trong yêu sách, đó là yêu cầu Ukraine công nhận "thực tế lãnh thổ mới".
Điều này được hiểu là có liên quan tới vụ Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia).
Bảo vệ tiếng Nga, quyền của các công dân nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số ở Ukraine cũng là một yêu cầu mới mà Matxcơva đưa ra với Kiev.
Yêu cầu mới đã giản lược
Quay trở lại với những động thái gần đây từ phía Nga, khi quân đội Ukraine rục rịch phản công, theo Hãng tin TASS, hôm 27-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đã nêu các điều kiện để đạt thỏa thuận với Ukraine, chấm dứt xung đột hiện nay.
Ông Galuzin nói: "Matxcơva tin chắc rằng một giải pháp hòa bình sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu các lực lượng vũ trang Ukraine ngừng chiến sự và các chuyến hàng vũ khí của phương Tây dừng lại".
Ông cũng nhấn mạnh, để đạt được một nền hòa bình lâu dài, Ukraine "phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết" và "từ chối gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU)".
Theo thứ trưởng ngoại giao Nga, Kiev nên công nhận "thực tế lãnh thổ mới" và phải cam kết tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga ở trong nước và các nhóm thiểu số khác.
Như vậy, "tối hậu thư" mới nhất lần này của Nga đã khá giản lược. Vậy giả sử như có một lý do nào đó mà Ukraine chịu ngồi vào bàn đàm phán lúc này, liệu những yêu sách trên có thể dễ dàng giải quyết?
Tính khả thi ra sao?
Điểm đầu tiên là Ukraine ngừng chiến sự và phương Tây ngưng cung cấp vũ khí. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu Mỹ và phương Tây cảm thấy mệt mỏi và tốn kém với cuộc chiến này, họ "quay xe" không cấp tiền bạc và vũ khí cho Kiev nữa.
Ukraine trở lại tình trạng trung lập, không liên kết, từ chối gia nhập EU và NATO. Vấn đề này đã được đưa ra và thảo luận khá thuận lợi ở những vòng đàm phán đầu tiên vào năm 2022, đây là điều mà Tổng thống Zelensky có thể đáp ứng được.
Đây cũng là yêu sách tiên quyết, mấu chốt và lý do chính mà Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt". Yêu sách này sẽ dễ thực hiện hơn nếu EU và NATO "chốt" luôn không cho Ukraine gia nhập.
Yêu sách về "thực tế lãnh thổ mới" liên quan tới vụ Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) và trước đó là Crimea (2014) sẽ là bước đàm phán có tính chất quyết định, khó khăn, khó nhằn và đắng cay nhất.
Nghĩa là nếu muốn có hòa bình thông qua đàm phán, Ukraine phải chấp nhận mất ít nhất một hai phần trong 5 vùng lãnh thổ trên.
Hiểu theo một cách nào đó, có thể nói Tổng thống Zenlensky phải ngậm đắng nuốt cay mà "trao đi" một phần đất đai.
Đây là điều khó chấp nhận với người dân Ukraine, và nó cũng đồng nghĩa với việc ông Zelensky đồng ý từ bỏ vai trò "anh hùng" trong con mắt của nhiều người bấy lâu nay.
Điều cuối cùng trong yêu sách là Ukraine cam kết tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga và các nhóm thiểu số khác của nước này.
Nếu những điều kiện trên đã được giải quyết thì đây là việc quá nhỏ, mà cũng là hợp lý cho một đất nước có nhiều chủng tộc để họ có thể sống chung với nhau trong hòa bình, hòa hợp.
Dĩ nhiên là không thể có một thỏa thuận nào gọi là công bằng, hoàn hảo cho cả đôi bên, cũng không thể chỉ có chuyện sòng phẳng tay đôi giữa Nga và Ukraine mà không bị ảnh hưởng bởi những "toan tính" của các thế lực cường quốc bên ngoài.
Vấn đề chính ở đây là hai bên có dám lùi một bước để xem lại những yêu sách của đối phương, tìm phương án hòa bình bằng cách chấp nhận một giải pháp khả dĩ nào đó, có lợi, hoặc chấp nhận được cho cả hai bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận