15/05/2023 22:40 GMT+7

Quyền lực mềm của Giáo hoàng hóa giải được xung đột Nga - Ukraine?

Có thể nói tầm ảnh hưởng lớn lao của Giáo hoàng là một loại quyền lực mềm, thông qua uy tín cá nhân và với tư cách giáo chủ và nguyên thủ của một quốc gia.

Quyền lực mềm của Giáo hoàng hóa giải được xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 1.

Giáo hoàng Francis tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican ngày 13-5 - Ảnh: REUTERS

Lúc 16h chiều 13-5, Giáo hoàng Francis đã tiếp kiến riêng Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky tại Dinh tông tòa trong khoảng 40 phút. 

Theo Vatican News, cuộc nói chuyện tập trung vào tình hình chính trị và nhân đạo tại Ukraine trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn ra khốc liệt. 

Giáo hoàng hai lần gặp Tổng thống Zelensky

Có thể nói đây là một cuộc gặp gỡ giữa một tổng thống thế quyền, và một bên là Giáo hoàng, người vừa là đại diện cho thần quyền và cả thế quyền của Thành quốc Vatican.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm, Tổng thống Zelensky đến Vatican và gặp gỡ với Giáo hoàng. 

Điều này cho thấy Tổng thống Ukraine rất coi trọng vị thế và tiếng nói của người đứng đầu Giáo hội Công giáo trong tiến trình tìm kiếm hòa bình, chấm dứt chiến tranh cho đất nước Ukraine. 

Liệu một nhà lãnh đạo tôn giáo như Giáo hoàng có thể đưa ra những giải pháp chính trị cho những xung đột trên thế giới? Và cách thức mà Vatican xử lý những vấn đề đó như thế nào? Quyền lực và tầm ảnh hưởng chính trị của Giáo hoàng lớn đến mức nào?

Người ta thường hay thấy Giáo hoàng xuất hiện như một vị giáo chủ, một vị lãnh đạo tinh thần của các tín đồ Công giáo trên thế giới tổng cộng khoảng 1,3 tỉ người. 

Ông thường rao giảng về đức tin, dạy cho các tín đồ sống đạo đức, thánh thiện và bác ái theo như Kinh Thánh đã dạy.

Quyền lực mềm của Giáo hoàng hóa giải được xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 3.

Giáo hoàng Francis tiếp phái đoàn Ukraine tại Vatican ngày 13-5 - Ảnh: REUTERS

Thật ra, Giáo hoàng còn là nguyên thủ của Thành quốc Vatican, một nước độc lập nhỏ nhất thế giới với diện tích khoảng 44ha và dân số chưa đến 1.000 người. 

Cũng có thể coi đây là đất nước với thể chế quân chủ chuyên chế duy nhất còn tồn tại trên thế giới, nghĩa là Giáo hoàng có toàn quyền tuyệt đối: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Toàn quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm các chức vụ tại Vatican, cũng như các giám mục trên khắp thế giới.

Vatican có quan hệ ngoại giao rộng lớn

Tuy là một quốc gia nhỏ bé nằm trên một ngọn đồi của thành phố Rome, thế nhưng Vatican lại có mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng lớn nhất thế giới khi có quan hệ ngoại giao chính thức với 183 trong tổng số 195 quốc gia và lãnh thổ, trong khi Trung Quốc chỉ có quan hệ ngoại giao với 169 nước, Mỹ với 168 nước và Pháp với 161 nước.

Bởi thế cho nên, tiếng nói của Giáo hoàng và Vatican có tầm ảnh hưởng toàn cầu. 

Trong bài phát biểu ngày 25-9-2015 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Giáo hoàng Francis từng lên án mạnh mẽ lòng tham không đáy về lợi ích vật chất và năng lượng. Ngài cho rằng điều đó đang tàn phá nguồn tài nguyên của Trái đất và làm gia tăng đói nghèo. 

Người đứng đầu Vatican cũng lên án sự độc quyền và bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, đồng thời phản đối các cuộc chiến tranh và xung đột, đặc biệt là tại Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan và nhiều nơi ở châu Phi.

Giáo hoàng thường xuyên được bình chọn vào danh sách những người có quyền lực và ảnh hưởng nhất hành tinh do tạp chí Time bình chọn. 

Ngay trong năm đầu tiên lên ngôi, năm 2013, Giáo hoàng Francis đã được Time bầu chọn là nhân vật của năm. 

Vị Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict XVI cũng từng ba lần được Time bình chọn vào danh sách Top 100, trong các năm 2007, 2009 và 2011.

Riêng Giáo hoàng thứ 264 John Paul II được Time bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất với nhân loại của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. 

Ông được coi là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự kiện xảy ra với khối Liên Xô và Đông Âu, và từng bị ám sát suýt chết vào năm 1981.

Vậy tầm ảnh hưởng của Giáo hoàng đến những vấn đề chính trị nóng bỏng trên thế giới như thế nào?

Vatican không có bom nguyên tử, cũng chẳng có một quân đội hùng hậu hay vũ khí để mà tài trợ cho bên này chống lại bên kia. 

Những phát biểu của Giáo hoàng thường là để cổ vũ cho hòa bình, lên án chiến tranh, kêu gọi các nước giải quyết xung đột bằng đàm phán và ngoại giao. Thực hiện viện trợ nhân đạo, gởi các đặc phái viên đến Kiev và tạo những kênh liên lạc nhằm tìm ra giải pháp cho xung đột. 

Giáo hoàng đã nhiều lần công khai thể hiện sự quan tâm, nỗi buồn và lời cầu nguyện của ông trước những đau khổ mà người dân Ukraine đang phải gánh chịu bởi chiến tranh. 

Có thể nói tầm ảnh hưởng lớn lao của Giáo hoàng là một loại quyền lực mềm, thông qua uy tín cá nhân và với tư cách giáo chủ và nguyên thủ của một quốc gia.

Chúng ta không biết chính xác toàn bộ nội dung cuộc trao đổi giữa Tổng thống Zelensky và Giáo hoàng. Ngoài những đồn đoán về việc làm rõ tuyên bố của Vatican về "sứ mệnh bí mật" tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, có lẽ ông còn nhắm đến sự ủng hộ tinh thần hơn là những viện trợ về vật chất và vũ khí. 

Tổng thống Ukraine đến Rome, chuẩn bị gặp Giáo hoàng FrancisTổng thống Ukraine đến Rome, chuẩn bị gặp Giáo hoàng Francis

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận đã đến Rome ngày 13-5, sẵn sàng cho cuộc gặp với người đứng đầu Vatican và các lãnh đạo Ý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên