Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: REUTERS
Nga khẳng định sẵn sàng để Vatican làm trung gian hòa giải cho xung đột tại Ukraine, tuy nhiên lập trường của Ukraine về cuộc xung đột này đã ngăn chặn kịch bản trên.
"Tất nhiên, chúng tôi chào đón thiện chí chính trị ấy (đề nghị làm trung gian của Vatican), nhưng dựa trên tình huống trên thực tế và theo luật pháp mà chúng ta đang có bên phía Ukraine, việc hòa giải ấy không thể đạt được", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 28-11.
Trước đó, trong một bài phỏng vấn với báo Ý La Stampa đăng ngày 18-11, Giáo hoàng Francis cho rằng vẫn có thể tìm kiếm hòa bình giữa Nga và Ukraine, và Vatican sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng để hòa giải, chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Vào tháng 2-2022, Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine và chiến sự đã kéo dài sang tháng thứ 10. Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, hay Trung Quốc cũng từng nói họ muốn làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến này.
Trước đây, Nga từng cáo buộc Ukraine dập tắt triển vọng đàm phán hòa bình bằng cách đưa ra những lập trường Matxcơva không thể chấp nhận.
Theo đó, Ukraine không muốn đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kiev cũng không chấp nhận việc đàm phán khi Nga đã kiểm soát và sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, và Zaporizhzhia.
Giáo hoàng Francis đã nhiều lần đề cập tình hình Ukraine trong các dịp xuất hiện trước công chúng.
Ông cảnh báo cuộc xung đột này có thể dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vốn sẽ gây ra những hậu quả không thể kiểm soát cho toàn thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với La Stampa, Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh các bên đừng quên số phận của người nghèo.
Hồi tháng trước, Giáo hoàng cũng trực tiếp bày tỏ mong muốn Tổng thống Nga Putin hãy ngưng "vòng xoáy bạo lực và chết chóc" ở Ukraine.
Nga bác thông tin rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Cũng trong ngày 28-11, phát ngôn viên Peskov bác bỏ thông tin nói Nga sắp rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, khẳng định "không cần thiết phải tìm kiếm những dấu hiệu không và không thể tồn tại".
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đã bị Nga kiểm soát từ tháng 3 năm nay. Cuộc chiến tại Ukraine khiến các bên lo ngại sẽ gây ra hậu quả hạt nhân, trong khi hai bên nhiều lần tố cáo nhau tấn công vào nhà máy này.
Trước đó lãnh đạo công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Ukraine (Energoatom) bất ngờ khẳng định có dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga sắp rút khỏi nhà máy điện hạt nhân nêu trên. Ý kiến này được cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak lặp lại vào tối 27-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận