04/11/2019 12:57 GMT+7

Vụ 39 người chết ở Anh: Quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tiễn

LÊ KIÊN - TIẾN LONG
LÊ KIÊN - TIẾN LONG

TTO - Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc là hành vi tội phạm, nhưng cũng cho thấy có sự "hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước" - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nói.

Vụ 39 người chết ở Anh: Quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tiễn - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại hội trường Quốc hội sáng 4-11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - đề cập đến vụ 39 người chết trong container ở Anh như một vụ việc làm cả thế giới bàng hoàng.

Ông chia sẻ với gia đình các nạn nhân và căm phẫn trước hành vi của bọn tội phạm buôn bán người. Theo ông Cường, trong vụ việc đau xót này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan của Anh để xử lý.

Đặc biệt, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra đường dây đưa người đi nước ngoài lao động trái phép. Tuy vậy, dành phần lớn thời gian phát biểu để phân tích nguyên nhân, ông Cường đề nghị "đánh giá tình hình một cách nghiêm túc, rút ra bài học để tránh những thảm họa tương tự".

Cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc là hành vi tội phạm của bọn buôn bán người, nhưng từ vụ việc này, ông Cường nhận định có sự "hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước".

"Công tác quản lý nhà nước trong một số vụ việc chưa theo kịp thực tiễn. Mỗi năm chúng ta đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, nhưng con số thực tế lớn hơn nhiều, điều này có nghĩa là số người đi lao động chui rất nhiều.

Trong khi đó, tội phạm mua bán người rất phức tạp, câu kết với nhiều chủ thể, hoạt động đa quốc gia, chúng dụ dỗ, lôi kéo các gia đình khó khăn có nhu cầu đi lao động nước ngoài, đưa họ vào những rủi ro, nguy hiểm không thể lường trước", ông Cường nói.

Hiện trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng theo phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, "công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật còn rất hạn chế. Trách nhiệm này trước hết về chính quyền địa phương ở việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu chưa chặt chẽ. Đồng thời đấu tranh chống loại tội phạm buôn bán người, đưa người đi lao động "chui" còn chưa hiệu quả.

"Phòng ngừa phải là chính, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mua bán người", ông Cường nhấn mạnh.

Trao đổi lại với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (thiếu tướng, giám đốc Công an Nghệ An) cho biết theo điều 349 Bộ luật hình sự, vụ việc 39 người chết này là tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".

Ông Cầu cho biết Công an Nghệ An đã bắt thêm 8 đối tượng liên quan đến vụ việc này để phục vụ điều tra làm rõ vụ việc. 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) bấm nút tranh luận: Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực vào cuộc điều tra, bắt giữ các đối tượng liên quan đến đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép là động thái tích cực.

"Tuy nhiên, trong vụ việc này cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi để những người dân đi nước ngoài theo đường lao động chui hay 'rơi' vào tay của những nhóm buôn người", ông Chiến nói.

Vụ AVG là lần đầu tiên trong lịch sử có người khai nhận hối lộ

Vụ án liên quan hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là lần đầu tiên trong lịch sử có người khai nhận hối lộ - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp - đề cập vấn đề chống tham nhũng trong phát biểu của mình sáng 4-11.

Bà Hoa đánh giá cao việc vừa qua nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, điều tra đưa ra truy tố xét xử, đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng chống tham nhũng và được sự đồng thuận cao trong dân.

"Đáng lưu ý tại một số vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt. Nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý đúng pháp luật, như vụ án liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên đến hàng triệu USD.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tố tụng đã kiên trì các biện pháp đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi", bà Hoa nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nam Định, thực tế vẫn còn nhiều vự mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý các tội về kinh tế như lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...

Bộ trưởng Tô Lâm: Việt Nam mang nhiều mẫu ADN sang Anh vụ 39 người chết Bộ trưởng Tô Lâm: Việt Nam mang nhiều mẫu ADN sang Anh vụ 39 người chết

TTO - Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho biết như vậy bên lề Quốc hội sáng 4-11, khẳng định Việt Nam sẽ làm các thủ tục đưa thi hài các nạn nhân xấu số về Việt Nam một cách nhanh nhất.

LÊ KIÊN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên