24/02/2022 07:57 GMT+7

Tình hình Ukraine: Trừng phạt đe dọa thu hẹp cửa ngoại giao

LAN HƯƠNG
LAN HƯƠNG

TTO - Ngay sau quyết định của Nga công nhận độc lập hai vùng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, Mỹ và các đồng minh lần lượt công bố các lệnh trừng phạt, chủ yếu là trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.

Tình hình Ukraine: Trừng phạt đe dọa thu hẹp cửa ngoại giao - Ảnh 1.

Ngày 23-2, Đức tuyên bố tạm dừng dự án khí đốt Nord Stream 2 với Nga - Ảnh: REUTERS

Tôi không thể nhớ là có ngày nào đất nước chúng tôi sống mà không phải chịu bất cứ hạn chế nào của phương Tây. Chúng tôi đã học cách để làm việc trong những điều kiện như vậy, và không chỉ tồn tại mà còn để phát triển đất nước.

Ông Anatoly Antonov (đại sứ Nga tại Mỹ nói trong thông cáo Đại sứ quán Nga tại Mỹ chia sẻ trên Facebook)

Theo giới quan sát, các lệnh trừng phạt đương nhiên gây sức ép với Nga, nhưng ngược lại, cũng gây ảnh hưởng tiêu cực với bên đưa ra. Và có thể thấy rõ những lệnh trừng phạt càng khiến cơ hội tìm giải pháp ngoại giao trở nên khó khăn hơn và nguy cơ cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ kéo dài.

Nga chưa đáp trả

Các tuyên bố trừng phạt bắt đầu được thông báo chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Putin công nhận các quốc gia ly khai ở miền đông Ukraine.

Hôm 23-2, Thủ tướng Úc Morrison thông báo nước này sẽ áp đặt các lệnh cấm đi lại và trừng phạt tài chính với 8 thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nga. Ông nhấn mạnh đây mới chỉ là các biện pháp bước đầu.

Thủ tướng Canada Trudeau hôm 23-2 cũng công bố toàn bộ người dân sẽ bị cấm giao dịch tài chính với Lugansk, Donetsk và không được mua trái phiếu Chính phủ Nga. Canada cũng sẽ nhắm tới các nghị sĩ Nga, những người đã bỏ phiếu công nhận Lugansk và Donetsk, và hai ngân hàng nhà nước của Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết từ ngày 23-2 Mỹ sẽ trừng phạt Ngân hàng VEB, Ngân hàng Quân đội Nga. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nghị sĩ và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm giới đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga...

Trước những thông báo trừng phạt Mỹ công bố ngày 22-2, trả lời Hãng tin TASS, đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, cho rằng những điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới các thị trường tài chính, năng lượng toàn cầu và chính người dân Mỹ sẽ cảm thấy hậu quả khi giá sinh hoạt tăng vọt.

Nhà ngoại giao này cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga sẽ không giải quyết được vấn đề gì. 

"Thật khó tin khi có ai đó ở Washington hy vọng Nga sẽ điều chỉnh đường lối đối ngoại của mình chỉ vì sự đe dọa của những lệnh hạn chế đó", ông Anatoly Antonov nói.

Hôm 22-2, trả lời báo giới về việc liệu Nga có đưa ra phản ứng đáp trả cụ thể đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh không, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Nga cần phải xem EU có động thái ra sao trước khi có phản ứng cụ thể.

"Cửa" ngoại giao vẫn còn

Theo giới quan sát, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh áp đặt với Nga hiện vẫn ở mức hạn chế. Hiện tại Washington vẫn chưa loại bỏ Nga khỏi hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế SWIFT. Bên cạnh đó, việc tạm dừng dự án Nord Stream 2 với Nga được coi là hành động mang tính biểu tượng vì Nord Stream 2 trên thực tế vẫn chưa đi vào hoạt động.

"Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa thực sự gây ảnh hưởng đến Nga. Đây mới là một bước đi có tính toán chặt chẽ nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của châu Âu", luật sư Olivier Dorgans, chuyên về các biện pháp trừng phạt kinh tế tại Hãng luật toàn cầu Ashurst, nhận định.

Theo Hãng tin Reuters, bà Jen Psaki, người phát ngôn Nhà Trắng, không bác bỏ hoàn toàn khả năng hai bên vẫn sẽ gặp nhau trong tương lai nhưng cho biết Tổng thống Biden sẽ không gặp Tổng thống Putin trừ khi phía Nga rút quân để giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine. 

Bà nói trong họp báo ngày 22-2: "Chúng tôi sẽ không bao giờ đóng sập lại cánh cửa ngoại giao, nhưng ngoại giao không thể thành công trừ khi Nga thay đổi hướng đi".

Trong khi đó, đầu ngày 23-2, phát biểu nhân Ngày bảo vệ Tổ quốc của Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Matxcơva vẫn sẵn sàng cho biện pháp ngoại giao. 

"Đất nước chúng tôi luôn sẵn sàng cho một cuộc đối thoại trực tiếp và trung thực để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho những vấn đề phức tạp nhất", theo Hãng tin TASS. 

Dù vậy, ông Putin khẳng định những lợi ích của Nga và an ninh của người dân nước này là những điều không thể thương lượng.

Việt Nam công bố đường dây nóng bảo hộ công dân

Ngày 23-2, trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước tình hình ở Ukraine hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây liên quan tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để giải quyết các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt tại Ukraine để nắm tình hình bà con, xây dựng kế hoạch sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Theo đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống tại Donetsk và Lugansk, tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định.

Trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị liên hệ với đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo số + 380 (63) 863 8999 hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) theo số +84-981-848-484.

Nga hạ quốc kỳ, sơ tán đại sứ quán tại Ukraine Nga hạ quốc kỳ, sơ tán đại sứ quán tại Ukraine

TTO - Theo Hãng tin AFP, Đại sứ quán Nga ở Kiev cho biết đã bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine, một ngày sau khi Thượng viện Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin sử dụng quân đội ở nước ngoài.

LAN HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên