11/06/2024 09:02 GMT+7

Tăng quét mã, cà thẻ... để giữ khách

BÔNG MAI
và 1 tác giả khác

Không chỉ các siêu thị hoặc cửa hàng lớn, nhiều xe bán tàu hủ dạo, hủ tiếu gõ, tiểu thương chợ nhỏ, người bán hàng rong... ở TP.HCM cũng quét mã QR để khách hàng tiện thanh toán không tiền mặt.

Thanh toán không tiền mặt phổ biến từ nhà hàng lớn đến các quán ăn nhỏ. Ảnh chụp khách hàng quét mã thanh toán ở xe bánh ướt trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thanh toán không tiền mặt phổ biến từ nhà hàng lớn đến các quán ăn nhỏ. Ảnh chụp khách hàng quét mã thanh toán ở xe bánh ướt trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thanh toán không tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều thành phố lớn. Nếu chậm chân, người bán hàng sẽ bị sụt giảm doanh số.

Do đó nhiều tiểu thương, người buôn bán nhỏ đã phải thay đổi, chấp nhận thanh toán không tiền mặt để giữ khách.

Không bán được hàng vì không nhận chuyển khoản

Giữa dòng người đông đúc, chị Hằng (quê Bình Định) chở thúng trái cây trên chiếc xe đạp cũ, dạo quanh khu vực quận 5 (TP.HCM) để bán.

Thấy một nhóm bạn trẻ đang dạo chơi, chị Hằng lập tức tấp lại, mời chào. Tuy nhiên khi một người trong nhóm hỏi có nhận thanh toán bằng chuyển khoản không, chị lắc đầu với vẻ mặt đầy tiếc nuối.

Vào TP.HCM mưu sinh hơn 10 năm nay, trước kia các khách hàng hay thanh toán bằng tiền mặt, nhưng thời gian gần đây dần thay đổi, tác động trực tiếp đến doanh thu.

"Hôm bữa có chị kia lựa sáu trái bưởi, tổng cộng 200.000 đồng. Xong xuôi, chị phát hiện quên đem tiền mặt, mình thì không có tài khoản để nhận tiền chuyển khoản. Bó tay luôn. Uổng gì đâu đấy", chị Hằng chia sẻ.

Chuyên bán hoa tươi, anh Đông (TP Thủ Đức) cho biết mỗi bó hoa dao động từ 30.000 - 100.000 đồng tùy loại. Dạo này việc thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến hơn, khiến anh không khỏi áp lực.

"Có nhiều khách dừng lại, hỏi mình có nhận chuyển khoản không. Nếu nhận, khách mới dựng chân chống và xuống xe để lựa hoa, còn không thì họ cười trừ rồi kéo ga chạy một mạch", anh Đông cho hay.

Khoảng hai năm trở lại đây chị Trần Thúy Trinh (28 tuổi, Bình Thạnh) không còn phải thường xuyên đến cây ATM để rút tiền mặt nữa. Mỗi khi đi ra ngoài, chị Trinh chỉ thường mang từ 50.000 - 100.000 đồng, phần lớn giao dịch đều chuyển khoản online.

Cũng như rất nhiều người quen của mình, chị Trinh chỉ ưu tiên những nơi cho thanh toán không tiền mặt. "Mình thích ăn thơm. Trên đường về có hai xe bán thơm kế nhau, nhưng mình chỉ mua của cô có cho quẹt mã QR để trả tiền. Ở xe bên cạnh phải trả tiền mặt nên mình không mua", chị Trinh chia sẻ.

Tích cực quét mã QR, cà thẻ... để hưởng ưu đãi

Bán cà phê ven đường, lúc trước chưa có tài khoản ngân hàng, anh Thịnh (52 tuổi) đành phải nhờ khách quét mã QR của tiệm bánh mì gần bên để chuyển khoản, sau đó chị bán bánh mì sẽ đưa lại tiền mặt cho anh. Nhưng "nhờ cậy hoài cũng cảm thấy ngại và hơi phiền".

Do đó anh Thịnh đã chia sẻ và được con trai hướng dẫn, lập tài khoản ngân hàng, tích hợp mã thanh toán.

Theo ghi nhận, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống, quán ăn, quán cà phê, siêu thị... đang áp dụng dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 24/7, cho phép sử dụng thẻ hoặc tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đi và nhận tiền chuyển đến ngay lập tức.

Thông qua các phương tiện và kênh giao dịch đa dạng như: thẻ, tài khoản ngân hàng, mã VietQR, số điện thoại, tài khoản ví điện tử, tài khoản Mobile Money.

Đặc điểm của dịch vụ này là chuyển và nhận tiền ngay lập tức, kể cả ngoài giờ hành chính và cuối tuần. Dịch vụ đã kết nối với 58 thành viên gồm các ngân hàng (Vietcombank, HDBank, Techcombank, ACB, BIDV, TPBank, Nam A Bank, SHB, Agribank, Eximbank, VPBank, Cake by VPBank...) và các công ty viễn thông.

Ngoài ra, NAPAS 24/7 còn kiểm tra được thông tin chủ thẻ/tài khoản thụ hưởng trước khi giao dịch, đảm bảo an toàn. Hạn mức tối đa của mỗi giao dịch là dưới 500 triệu đồng, phục vụ tốt nhiều nhu cầu thường ngày.

Đối với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn, quán ăn, cửa hàng thời trang..., bên cạnh việc quét mã QR, khách hàng còn dễ dàng sử dụng thẻ Visa, Mastercard, JCB...

Vào một nhà hàng ở trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (quận 10), chị Thanh Phương và bạn nhanh chóng chọn được các món mì Udon thơm ngon. Sau đó, chị nhanh nhẹn quét thẻ để trả hóa đơn hơn 300.000 đồng. Trước đó chị Phương đã mua hàng ở siêu thị Co.opXtra và cũng quét thẻ.

"Thẻ Visa của mình có hạn mức 50 triệu đồng. Bây giờ đi đâu cũng tích cực dùng để được nâng lên hạn mức cao hơn, nhiều ưu đãi, với có thêm tiền để xoay", chị Phương chia sẻ.

Nhưng luôn cảnh giác với lừa đảo

"Đà tăng trưởng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt qua mã QR và ví điện tử, có thể nhận thấy rõ ở các lĩnh vực như thực phẩm và ăn uống (F&B), bán lẻ và cửa hàng tiện lợi" - Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, chia sẻ sau khi nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt trong năm vừa qua.

Ngoài các dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí..., khách hàng của hãng xăng dầu Petrolimex cũng có thể thanh toán thông qua mã QR với các ví điện tử như Viettel Money, MoMo...

Đặc biệt, hệ thống cửa hàng xăng dầu này còn chấp nhận các hình thức thanh toán hiện đại khác như thẻ ngân hàng nội địa thuộc hệ thống Napas, thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard).

Trong khi giao dịch bằng tiền mặt gặp các rủi ro về mất mát, tiền giả, tốn thời gian thối..., thanh toán không tiền mặt lại mang đến nhiều lợi ích nhưng một số người bán hàng nhỏ lẻ cho biết lâu lâu cũng gặp trường hợp bị lừa.

Do đó để hạn chế nguy cơ bị mất tiền, nhiều người cũng nâng cao cảnh giác khi khách chuyển khoản thanh toán.

"Có hôm khách báo đã chuyển khoản tiền trà sữa rồi, nghĩ số tiền nhỏ không ai đi lừa làm gì, nên mình cũng không kiểm tra.

Tối về mới biết họ chưa chuyển tiền", anh Nguyễn Hữu Tiến (bán trà sữa vỉa hè) kể. Sau này anh rút kinh nghiệm, phải coi tin nhắn điện thoại báo "ting ting" mỗi khi khách chuyển mới thực sự yên tâm.

Ở một số hàng quán nhỏ, nhân viên đưa mã QR là số tài khoản của chủ quán. Do đó sau khi khách chuyển tiền, nhân viên sẽ xin chụp lại hình giao dịch rồi gửi hình và nhắn tin cho chủ xác nhận. Tránh trường hợp bị làm giả biên lai.

Để hạn chế rủi ro, chị Bích Trâm (bán phở, Bình Thạnh) dùng thêm loa thông báo thông minh, kiểm soát giao dịch. Mỗi khi khách hàng chuyển khoản, loa sẽ phát ra âm thanh thông báo đã nhận tiền.

Như vậy, kể cả trong lúc đang làm bận rộn, không cần phải mở điện thoại ra xem, chị vẫn biết được mình đã nhận tiền hay chưa.

Tương lai đầy tiềm năng của ngành bán lẻ

Theo dữ liệu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt trong năm 2023 vừa được công bố, Visa - công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới - cho biết đã ghi nhận "làn sóng tăng trưởng ấn tượng của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, mở ra tương lai đầy tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng bán lẻ".

Theo đó, có tới 88% người được khảo sát cho biết đang áp dụng thanh toán không tiền mặt. Với thời gian trung bình không chi tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng. Nhiều người cũng giảm để tiền mặt trong ví hơn. Cụ thể, có 56% người trả lời rằng đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Các giao dịch không tiếp xúc được tiến hành thông qua thẻ Visa đạt mức tăng đến 53%.

Tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa phát hành tại Việt Nam tăng 19%, cùng với sự gia tăng của giá trị giao dịch xuyên biên giới, cho thấy hoạt động kinh tế và kết nối đang gia tăng trong khu vực. "Visa cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình đổi mới, sáng tạo và nâng cao trải nghiệm thanh toán số của người tiêu dùng Việt Nam" - bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ.

Visa đầu tư 9 tỉ USD để tăng cường an ninh mạng

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến chiêu trò lừa đảo trở nên nguy hiểm hơn bởi chúng có thể dễ dàng tạo giọng nói, giả khuôn mặt người quen, người thân để lừa đảo. Các tổ chức thanh toán đã triển khai các biện pháp nào để phát hiện và ngăn chặn, xử lý tình trạng dùng AI để giả mạo trong giao dịch không tiền mặt?

Theo Visa, AI đã trở thành vũ khí mới mạnh mẽ cho những kẻ lừa đảo, buộc các chính phủ, ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán và các tổ chức thanh toán phải chung tay hợp tác cũng như đầu tư vào công nghệ để ứng phó. Do đó bảo mật luôn là ưu tiên cao nhất của Visa, nhằm bảo vệ người dùng và doanh nghiệp.

Trong hơn 5 năm qua, Visa đã đầu tư 9 tỉ USD trên toàn cầu để tăng cường an ninh mạng. Tại Việt Nam, Visa đã triển khai loạt giải pháp bảo mật thanh toán nhằm chống tội phạm mạng, bảo vệ hệ sinh thái thanh toán cũng như đảm bảo an toàn cho người dùng và doanh nghiệp, bao gồm AI và phân tích dữ liệu.

Cụ thể, Visa tận dụng các giải pháp dựa trên dữ liệu, AI bảo vệ cả giao dịch trực tuyến và giao dịch trực tiếp khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn. Một trong những giải pháp đó là Visa Advanced Authorisation - phân tích hơn 500 yếu tố dữ liệu để xác định chỉ số rủi ro cho mỗi giao dịch. Tính năng này đã giúp các ngân hàng ngăn chặn gian lận trị giá ước tính đến 26 tỉ USD trên toàn cầu trong năm tài chính 2021.

Vào tháng 10-2023, bản kế hoạch trị giá 100 triệu USD tiếp tục được Visa công bố trong nỗ lực đầu tư vào các công ty phát triển AI tạo sinh. Ngoài ra, Visa cũng hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính để chia sẻ thông tin về các mối đe dọa và các phương pháp tốt nhất để phòng chống gian lận.

Sự hợp tác này giúp tạo ra một mạng lưới phòng thủ mạnh mẽ, nơi các bên liên tục cập nhật và nâng cao các biện pháp bảo mật. Trong năm 2023, Visa đã cập nhật lộ trình an ninh thanh toán, đề xuất bộ giải pháp bảo mật hệ sinh thái thanh toán thông qua mạng lưới hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác hàng đầu tại Việt Nam.

Visa cũng đầu tư vào các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dùng về các phương thức gian lận mới nhất và cách bảo vệ bản thân. Người dùng được khuyến khích cập nhật kiến thức về an toàn mạng và thực hành các biện pháp bảo mật cá nhân.

Chương trình Kỹ năng quản lý tài chính là sáng kiến giáo dục tài chính toàn cầu để phát triển kỹ năng quản lý tài chính an toàn và hiệu quả cho người dân. Chương trình này đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2012, hướng tới đối tượng người trẻ tuổi, sinh viên, thành viên hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Visa cũng phân tích dữ liệu và đưa ra các báo cáo cảnh báo người tiêu dùng về rủi ro gian lận như xu hướng gian lận tăng cao trong mùa mua sắm cuối năm và giới thiệu các biện pháp an toàn... nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch không tiền mặt.

Tăng quét mã, cà thẻ... để giữ khách- Ảnh 2.

Tăng an toàn với thanh toán bằng QR độngTăng an toàn với thanh toán bằng QR động

Mã QR động giúp các thao tác thanh toán không tiền mặt diễn ra nhanh chóng, đồng thời giảm thiểu những rủi ro sai sót có thể xảy ra, đặc biệt phòng chống cả chiêu trò lừa đảo bằng mã QR giả.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên