Kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021, Taliban đã phải vật lộn để ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan - còn được biết đến với các từ viết tắt ISIS-K, ISKP và ISK - là chi nhánh chính thức của phong trào Nhà nước Hồi giáo hoạt động ở Afghanistan.
Tổ chức này được lãnh đạo trung ương của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria công nhận.
Làn sóng ám sát quan chức Taliban
Giờ đây, một làn sóng ám sát mới nhằm vào các quan chức hàng đầu của Taliban, đã làm rung chuyển nhiều khu vực trên khắp đất nước Afghanistan.
Vào ngày 9-3‐2023, nhóm ISIS-K đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết giết Mohammad Dawood Muzammil, thống đốc Taliban của tỉnh Balkh ở miền bắc Afghanistan, cùng với hai người khác.
Một ngày trước đó, nhóm thực hiện một vụ ám sát người đứng đầu cơ quan cấp nước ở tỉnh Herat phía tây Afghanistan.
Và gần đây nhất ngày 15-3, nhóm này thực hiện một cuộc tấn công thất bại vào một quận trưởng của Taliban ở tỉnh Nangarhar, miền đông, một thành trì cũ của IS-K.
ISIS-K thường thành công trong việc giết các quan chức chính phủ và quân đội, những người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật xã hội dân sự khác của Afghanistan.
Nhóm này cũng chịu trách nhiệm về vụ đánh bom khiến 13 quân nhân Mỹ và nhiều người Afghanistan thiệt mạng vào tháng 8-2021, sau sự sụp đổ của chính phủ cũ và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Sự trỗi dậy của ISIS-K
Các cuộc tấn công gần đây chỉ là một số ít trong chuỗi dài các cuộc tấn công ở Afghanistan của nhóm này kể từ khi thành lập vào năm 2015.
Mặc dù cả hai đều là tổ chức Hồi giáo, ISIS-K và Taliban là những đối thủ chiến lược. Các vụ ám sát có chủ đích nhằm vào các quan chức chính trị và an ninh của Taliban, ở nhiều cấp bậc và cấp độ, là một dấu hiệu hồi sinh của ISIS-K .
Các vụ ám sát là một trụ cột cơ bản trong học thuyết nổi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo, được các chi nhánh áp dụng và phục vụ nhiều mục đích.
Đầu tiên, hành động ám sát là một cách để trả đũa những tổn thất nặng nề mà họ gánh chịu. Mặt khác, các vụ ám sát giúp loại bỏ các nhà lãnh đạo chủ chốt trong hàng ngũ của kẻ thù, cũng như ảnh hưởng của nước ngoài. Ngoài ra, việc ám sát cũng nhằm "nâng cao tinh thần của các chiến binh, ngăn chặn sự đào thoát và tăng cường tuyển mộ".
Cuối cùng, các cuộc tấn công lớn báo hiệu cho ban lãnh đạo cốt lõi của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria rằng chi nhánh của ISIS-K ở Afghanistan xứng đáng được tiếp tục hỗ trợ và đầu tư.
Sau cuộc tấn công vào sân bay Kabul tháng 8-2021, ISIS-K đã nhận được các khoản thanh toán bằng tiền mặt mới từ các thủ lĩnh hàng đầu của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Hậu quả nào đối với Mỹ?
Mức độ thành công của ISIS-K trong việc xây dựng lại lực lượng nổi dậy, sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố.
Quan trọng nhất là khả năng tiếp tục tận dụng sự hợp tác với các nhóm Thánh chiến khác trong khu vực, giúp ISIS-K duy trì khả năng bạo lực.
Với cáo buộc Taliban bội giáo vì đã chấp nhận đầu tư nước ngoài và viện trợ nhân đạo từ các chính phủ “ngoại đạo” hoặc kẻ thù - bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác - giúp phân biệt "thương hiệu" của ISIS-K với các đối thủ của nó.
Một khi cuộc nổi dậy của ISIS-K được củng cố ở Afghanistan, sẽ gây hậu quả trực tiếp đối với các lợi ích an ninh của Mỹ và phương Tây.
Một báo cáo tình báo Mỹ vào tháng 2-2023 đã cảnh báo về mong muốn tấn công phương Tây của ISIS-K.
Và vào ngày 16-3, chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm CENTCOM (Mỹ), tướng Michael Kurilla đã công bố ISIS-K sẽ có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan trong vòng chưa đầy 6 tháng tới.
Cho dù đánh giá này có chính xác hay không, nhưng những vụ ám sát gần đây của ISIS-K là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng ở Afghanistan, cũng như Mỹ và phương Tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận