05/12/2023 10:43 GMT+7

Quán cơm chay hùn hạp yêu thương

Có một quán cơm chay nơi góc phố Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã chia sẻ gánh nặng áo cơm cho rất nhiều phận đời cơ cực bằng những suất ăn 0 đồng ấm áp tình người.

Thầy Pháp Minh và các tình nguyện viên chuẩn bị cơm tặng người gặp khó khăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Thầy Pháp Minh và các tình nguyện viên chuẩn bị cơm tặng người gặp khó khăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Quán hoạt động nhờ sự hùn hạp tình thương của nhiều người, người có tiền bỏ tiền, người có công bỏ công.

Họ cùng nhau nấu mỗi ngày hàng trăm suất cơm chay cho người khó, ngày rằm và mùng 1 âm lịch lên đến hơn 1.000 suất.

Các tình nguyện viên ai cũng hết lòng vì bà con nghèo khổ. Giờ cơm được dọn lên, bà con đến đông lắm, mọi người làm cật lực vẫn không kịp việc. Rất thương và trân quý tình cảm ấy nên tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình.

Thượng úy NGUYỄN ANH TUẤN

Đỡ gánh nặng mưu sinh

Sau nửa ngày mòn gót chân rảo khắp con đường dưới mưa tầm tã, bà Trần Thị Thu Sương (57 tuổi) dừng xe đạp trước quán cơm số 210 Lê Văn Hiến. Trên mấy chiếc bàn, những hộp cơm vừa được đưa lên nóng hổi.

Bà Sương cẩn thận phụ xếp bốn hộp vào chiếc túi bóng rồi lấy thêm bốn quả chuối cùng mấy gói canh và cảm ơn trước khi rời đi.

Bà Sương là khách quen quán cơm chay 0 đồng này. Chồng bỏ đi, một mình bà lượm ve chai nuôi ba con, mà đứa đầu bị tâm thần thường xuyên nhập viện.

Mấy mẹ con sống trong căn nhà liền kề được TP cho thuê giá rẻ. Mỗi ngày sau khi lo cho con xong, bà Sương lại lầm lũi khắp đường lục lọi thùng rác để lượm ve chai.

"Mấy hôm ni thằng lớn trở bệnh, nghỉ dài ngày không có tiền ăn cho mấy mẹ con, tui đành phải dứt ra đi lượm. Sáng đi bụng đói, trời mưa nữa nên người cứ lả ra. Trời mưa thì lượm không được nhiều, có khi đi cả ngày kiếm được ba bốn chục ngàn còn khó" - bà Sương tâm sự nếu không có quán cơm cho bốn mẹ con thì mỗi ngày bà phải bỏ ra thêm số tiền lo cơm nước.

Với bà, đó là cả gánh nặng, nhất là mùa mưa gió.

Quán cơm chay nơi tuyến phố này không chỉ giúp những người Đà Nẵng khó khăn mà còn là nơi lui tới của nhiều phận người tứ xứ về đây mưu sinh.

Bà Nguyễn Thị Sáu (65 tuổi, quê Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán vé số dạo. Mỗi ngày đi bán rong ruổi, cứ canh chừng 11h là bà và những người hành nghề vé số khu vực Ngũ Hành Sơn lại ghé quán cơm này.

Phần cơm miễn phí giúp bà dằn bụng để tiếp tục lê bước chân chào mời những tấm vé số đến tận tối muộn.

Cầm hộp cơm nóng hổi, bà Sáu nói rưng rưng: "Biết ơn các nhà hảo tâm. Cơm ngon lắm và các cô chú ở quán cũng dễ thương. Mỗi ngày bán vé số được đôi chục, bớt được phần cơm trưa là đỡ tiền dữ lắm".

Thức ăn được các tình nguyện viên làm rất sạch sẽ, ngon miệng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Thức ăn được các tình nguyện viên làm rất sạch sẽ, ngon miệng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ai có gì hùn nấy

Quán cơm chay 0 đồng này do sư thầy Pháp Minh (chùa Quán Thế Âm) mở. Nhưng sư thầy bảo rằng đây là nơi mọi người "hùn hạp tình yêu thương" mà thành.

Ông kể nhìn những người mưu sinh vé số, ve chai mỗi ngày để kiếm được vài chục ngàn rất khó. Giúp nhiều cho bà con thì chưa thể nhưng suất cơm chục, mười lăm ngàn là có thể làm. Nghĩ vậy, sư thầy mới quyết mở quán cơm chay 0 đồng giúp bà con bớt phần nào gánh nặng.

"Ban đầu tôi bỏ tiền thuê mặt bằng, sắm sửa vật dụng cho quán và nấu những bữa cơm đầu tiên. Thấy việc nghĩa, mọi người bắt đầu hùn lại, người thì bỏ công sức, người thì góp vật dụng, thiết bị, bàn ghế... Người có tiền gửi tiền, người có rau củ quả cũng gọi nhóm tới lấy về cho bà con. Ai có gì hùn nấy", thầy Pháp Minh chia sẻ.

Minh bạch tiền hỗ trợ, sư thầy và các thành viên lập đường link công khai toàn bộ khoản thu chi. Trung bình mỗi ngày từ thứ hai đến thứ bảy, quán nấu hơn 300 suất cơm. 

Riêng ngày rằm và mùng 1 sẽ nấu cả ngàn suất cơm cho bà con khó khăn và lập thêm một điểm phát cơm ở 328 Phạm Cự Lượng (quận Sơn Trà).

Không chỉ các nhà hảo tâm gần xa, nhiều tiểu thương ở những khu chợ trong vùng biết có quán cơm chay 0 đồng đã ngày ngày dành riêng phần rau củ quả gửi về bếp ăn nghĩa tình để mong góp chút yêu thương sẻ chia với những phận người yếu thế.

Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, công tác tại Ban chỉ huy quân sự quận Ngũ Hành Sơn) là một trong những tấm lòng đặc biệt góp phần tạo nên những suất cơm chay nghĩa tình. Từ khi biết quán cơm chay mở gần đơn vị, cứ ngày nghỉ cuối tuần, anh Tuấn lại ghé phụ việc.

Mỗi sáng đi làm, từ nhà đến cơ quan, anh lại ghé các chợ trong vùng vừa mua vừa nhận rau củ quả từ bà con tiểu thương gửi tặng để chở đến quán cơm. Lâu lâu quán thiếu bịch bột nêm, chai nước tương, anh lại nhanh chóng mua đem qua.

Chị Võ Thị Thu Hiền (38 tuổi), nhân viên một spa, mỗi ngày từ sáng sớm đến 14h chị đi chợ rồi phụ việc ở quán cơm, xong việc chị lại tất bật đến chỗ làm. Từ số tiền quyên góp, chị lên thực đơn, cùng mọi người bàn bạc đi chợ mua thực phẩm nấu đủ suất ăn.

"Lắm hôm hụt tiền, mấy chị em cũng bỏ tiền túi ra đi chợ như thường. Nhưng vui và thấy hạnh phúc khi được làm gì đó giúp người khó hơn mình", chị Hiền trải lòng.

Các tình nguyện viên phục vụ trong quán cơm chay này còn có cả sinh viên, người đi làm, hưu trí... Họ đều tâm sự thấy hạnh phúc khi thực hiện công việc yêu thương này.

Tất bật từ nấu nướng, dọn, rửa đến chia cơm, lên món nhưng ai nấy vẫn vui vẻ chào mời khi có khách đến nhận cơm. Suốt buổi từ 7h sáng đến 12h trưa, mọi người luôn tay không nghỉ. Đã quá trưa khi quán hết khách, họ vội ăn chén cơm "vét nồi" rồi cùng nhau dọn rửa đến 14h mới trở về nhà.

Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn đi mua và quyên góp thêm rau củ quả chở đến tặng quán cơm - Ảnh: A.T.

Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn đi mua và quyên góp thêm rau củ quả chở đến tặng quán cơm - Ảnh: A.T.

Lá thư từ "người vô gia cư"

Sư thầy Pháp Minh rung rung xúc động cầm lá thư từ một người ký tên "người vô gia cư" gửi đến quán cơm 0 đồng. "Những ngày qua, nhờ có sự giúp đỡ quý báu tại quán cơm 0 đồng đã giúp gia đình tôi trong lúc khó khăn.

Do hoàn cảnh tôi vào đây xin cơm cho ba mẹ con ăn bữa trưa, để có dư đồng nào lo cho hai con ăn học, hai cháu đang theo học cấp III. Do không có nhà ở nên tiền làm ra chi phí thuê trọ... Tôi luôn biết ơn lòng nhân ái, tốt đẹp của quý anh chị em đã bỏ tiền của, công sức giúp đỡ những người có hoàn cảnh không được như ý".

Thầy Pháp Minh bảo rằng không mong được ai ghi nhận gì từ những việc mình cho đi, chỉ biết mình và các cộng sự đang trao đúng điều mà người khó khăn cần là quá đủ rồi.

Bà Tám mỗi ngày chạy xe máy mười mấy cây số đến giúp làm  đầu bếp  - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Bà Tám mỗi ngày chạy xe máy mười mấy cây số đến giúp làm đầu bếp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Mỗi ngày, ngoài nấu cơm tặng bà con khó khăn, quán cơm 0 đồng này còn cung cấp hàng chục suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nội trú khó khăn tại các khoa hồi sức tích cực và chống độc, nhi tổng hợp, khoa phụ nội của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Chị Trần Thị Hồng Ngân, nhân viên phòng công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tâm sự: "Các khoa này là đặc biệt của bệnh viện. Từ các bệnh nhi bị bại não, những bệnh nhân có gia cảnh khánh kiệt vì bệnh tật, nên mỗi suất cơm đối với họ là sự giúp đỡ không chỉ vật chất và là niềm động viên, khích lệ lớn.

Mong những việc làm ý nghĩa như thế này sẽ được nhân rộng. Nếu có thêm được nhiều quán cơm 0 đồng thì bệnh nhân ở bệnh viện, những người lao động thu nhập thấp sẽ bớt khó khăn hơn".

Chuyện 'đỡ lắm' ở quán cơm Nụ CườiChuyện "đỡ lắm" ở quán cơm Nụ Cười

TT - 11g, quán cơm xã hội Nụ Cười (6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) mới bắt đầu bán phiếu. Nhưng mới hơn 10g, tôi thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, áo quần bạc thếch, đứng trước cửa quán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên