15/09/2023 16:45 GMT+7

Ông Đào Minh Tú: ngân hàng nào không giảm lãi suất thì không doanh nghiệp nào 'chơi' cùng nữa

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trước đây có một số ngân hàng thương mại lừng khừng giảm lãi vay. Song hiện nay, các ngân hàng buộc phải giảm lãi vay nếu không muốn mất khách hàng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 15-9, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long", do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết tăng trưởng tín dụng tính tới thời điểm hiện tại mới đạt 5,56%, so với mức 9,86% cùng kỳ năm ngoái thì mới đạt gần một nửa, điều đó cho thấy việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh "đang có vấn đề phức tạp".

Ông Tú cho biết thực trạng hiện nay doanh nghiệp đang tồn kho hàng hóa, còn ngân hàng đang "tồn kho" tiền. Doanh nghiệp thì cần vay vốn, còn ngân hàng thì không cho vay được, điều đó làm ảnh hưởng vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

"Chính phủ rất quan tâm, quyết liệt làm sao đẩy mạnh tín dụng, tăng cường tín dụng hơn nữa. Lần này chúng tôi chủ trương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, mong muốn có sự phối hợp với chính quyền các địa phương.

Cách nay một tuần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các hiệp hội cùng ngân hàng nhà nước chi nhánh, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng. Việc gỡ này phải gỡ từ hai phía", ông Tú nói.

Về phía doanh nghiệp, cần tạo ra hấp thụ vốn từ doanh nghiệp. Muốn vậy cần có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, ít nhất là nếu không tiêu thụ được thì có lộ trình, cách thức nhằm tạm trữ được một thời gian, sau này bán được hàng hóa, thu hồi được nguồn tiền trả ngân hàng thì ngân hàng vẫn cho vay.

Tiếp đến, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về cơ chế làm sao cho nhiều công trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, nhất là bất động sản tháo gỡ được khó khăn về mặt pháp lý để triển khai dự án, bởi ngân hàng chờ giải ngân nhưng dự án không đủ pháp lý thì không thể giải ngân được.

Ngoài ra, các cấp chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua các quan hệ ngoại giao, quan hệ sứ quán, hợp tác kinh tế. Đồng thời việc này giúp doanh nghiệp có đầu ra thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Về phía ngân hàng, ông Tú cho rằng "rõ ràng muốn tăng tín dụng cao hơn nữa thì ngân hàng phải chủ động".

Ông Tú nói thêm trước đây Ngân hàng Nhà nước rất gay gắt, quyết liệt trong vấn đề hạ lãi suất nhưng nhiều ngân hàng thương mại còn lừng khừng không giảm, ngân hàng chưa thấy được giảm lãi suất là hỗ trợ quan hệ cộng sinh của mình và doanh nghiệp.

"Nhưng trong một, hai tuần vừa qua, không ngân hàng nào dám không giảm lãi suất, bởi nếu không giảm thì không có doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng nữa".

Ông Tú lý giải việc này là do quy định mới cho phép các doanh nghiệp vay ngân hàng này trả ngân hàng kia. Việc này không chỉ làm cho ngân hàng phải hạ lãi suất mà thủ tục cho vay cũng phải cắt bớt đi những thứ rườm rà.

Doanh nghiệp kiến nghị gỡ "nút thắt cổ chai" tín dụng

Nông dân rất cần nguồn vốn tín dụng để sản xuất nhưng đang gặp khó - Ảnh: LÊ THANH

Nông dân rất cần nguồn vốn tín dụng để sản xuất nhưng đang gặp khó - Ảnh: LÊ THANH

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Hạo Nhiên - giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời - cho biết với quy mô 4,3 triệu ha đất canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư là 80.000 tỉ đồng/năm, tương đương mỗi hộ nông dân cần nguồn vốn 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, ngoài Lộc Trời là đơn vị vay (khoảng 10.000 tỉ đồng/năm) rồi hỗ trợ lại cho nông dân thông qua liên kết chuỗi sản xuất, bao tiêu, còn lại nông dân phải tự xoay xở, trong khi họ không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh được hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Vì vậy, ông Nhiên kiến nghị tháo gỡ "nút thắt cổ chai" này bằng việc cho nông dân vay thông qua hợp đồng bao tiêu, hợp đồng đầu ra nông sản "vì đó là nguồn tiền trả cho ngân hàng".

Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể cho vay thông qua quản lý cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, đảm bảo đúng mục đích sử dụng vốn.

Đối với doanh nghiệp, ông Nhiên cho rằng nên tăng thời hạn vay lên 12 tháng, thậm chí là 18 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay, bởi đối với một số doanh nghiệp tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi sản xuất lúa gạo như Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp cần vòng quay của đồng vốn là khoảng 12 tháng trở lên.

Các ngân hàng đang cho vay mua nhà với lãi suất bao nhiêu?Các ngân hàng đang cho vay mua nhà với lãi suất bao nhiêu?

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố bảng lãi suất vay ngân hàng mua nhà trong tháng 7-2023 của 13 ngân hàng, theo đó lãi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động 10,5 - 15,5%/năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên