Hội thảo tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Thời báo Ngân Hàng tổ chức ngày 25-7.
Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hạ lãi suất
Phát biểu tại hội thảo, các ý kiến từ doanh nghiệp đến chuyên gia kinh tế, ngân hàng đều có chung nhận định tín dụng tăng chậm là do doanh nghiệp xuất khẩu bị cắt giảm đơn hàng. Hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng qua vô cùng khó khăn. Nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu dùng ở cả trong nước và thế giới suy giảm mạnh.
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ nhằm điều tiết thị trường để cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế.
Mặt khác, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỉ giá. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.
"Đặc biệt, về chi phí vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp" - ông Tú nhấn mạnh.
Về vấn đề giảm lãi suất, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhận định có thể còn dư địa giảm lãi suất, vì ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục giảm lãi suất đầu vào.
Thực tế, chưa bao giờ tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trên 6 triệu tỉ đồng. Dù lãi suất huy động giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp.
Ông Tú chia sẻ thêm, giảm lãi suất phải hài hòa chứ không vài bữa nữa sẽ hứng đủ những khó khăn. Như nợ xấu của những năm 2009-2011 đến giờ mới xử lý tạm ổn. Còn nền kinh tế khó khăn như bây giờ thì nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng, đã trên 3%.
Doanh nghiệp và ngân hàng phải ngồi lại
Về giải pháp tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, theo ông Tú, tín dụng 6 tháng đầu năm mới tăng 4,73%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng ý với các ý kiến góp ý tại hội thảo, theo phó thống đốc, tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa… để tạo xuất khẩu, đầu tư, công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Tú cho rằng hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang tồn kho. Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi vay vào mà không cho vay ra được.
Do đó, quan điểm chia sẻ giữa hai bên là ngân hàng thương mại cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấy doanh nghiệp khó khăn ra sao và ngược lại.
Về phía người cho vay, ngân hàng mạnh dạn cho vay. Thẩm quyền cho vay là của ngân hàng thương mại. Hình thức tín chấp hay thế chấp, quản lý dòng tiền… hoàn toàn do ngân hàng thương mại quyết định. Nếu thấy doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch thì mạnh dạn có quyết định cho vay.
Còn đối với phía doanh nghiệp, ông Tú cũng lưu ý nên xem xét lại thay vì vay mấy ngân hàng. Khi có tiền vay được của ngân hàng này lại đem trả cho ngân hàng khác là không nên.
Mặt khác, thiếu vốn phải vay thì đúng nhưng báo cáo dòng tiền phải rõ ràng, minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận