16/05/2023 09:32 GMT+7

Lãi suất vay ăn mòn doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại TP.HCM cho biết đang rơi vào tình trạng chịu không nổi, thậm chí phải bán công ty. Có rất nhiều nguyên nhân được nêu: lãi suất vay cao, thiếu đơn hàng, chính sách hỗ trợ khó tiếp cận...

Nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí cho biết phải bán nhiều tài sản để giảm nợ vay, tránh nguy cơ vỡ nợ - Ảnh: N.HIỂN

Nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí cho biết phải bán nhiều tài sản để giảm nợ vay, tránh nguy cơ vỡ nợ - Ảnh: N.HIỂN

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đã được phê duyệt hỗ trợ vốn kích cầu, đã vay ngân hàng nhưng đến nay không nhận được hỗ trợ lãi suất khiến họ rơi vào cảnh "dở khóc, dở mếu", phải bán tài sản trả nợ để không bị đưa vào danh sách nợ xấu... 

Nhiều DN, người dân cho biết ngoài việc giảm lãi suất, các ngân hàng cần sớm triển khai chính sách giãn, hoãn nợ trong thực tế.

"Làm ra bao nhiêu là để gồng ngân hàng"

Là nhà cung cấp khuôn cho GM Motor, Tesla và Panasonic..., ông Nguyễn Văn Trí - tổng giám đốc Công ty Lập Phúc - cho biết DN phải bán bớt tài sản để giảm bớt gánh nặng lãi vay ngân hàng. 

Theo ông Trí, Lập Phúc nằm trong top 10 DN lọt vào danh sách được TP.HCM hỗ trợ chính sách kích cầu hỗ trợ lãi suất nên DN này mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà máy tổng mức đầu tư 120 tỉ đồng.

Tuy nhiên đến nay, DN vẫn chưa nhận được hỗ trợ lãi suất, gồng gánh với số tiền trả gốc và lãi mỗi tháng lên tới 1,5 tỉ đồng khiến DN rơi vào tình cảnh khó khăn, không thể tiếp tục cầm cự. "Giờ làm ra bao nhiêu là để gồng ngân hàng", ông Trí nói.

Theo các DN ngành cơ khí, biên lợi nhuận của DN sản xuất cơ khí rất thấp. Doanh thu đơn hàng xuất khẩu triệu đô nhưng lợi nhuận 5 - 8% trong khi lãi vay ngân hàng trên dưới 10% là bài toán khó với DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ. 

Chưa hết, nhiều DN đang bị ngân hàng đánh giá lại tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước nên hạn mức cho vay cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, cạnh tranh với DN công nghiệp hỗ trợ trong nước là các DN đến từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..., được hỗ trợ từ công ty mẹ và được vay vốn với lãi suất rất thấp, chẳng hạn Nhật Bản khoảng 1,5%, Hàn Quốc 2,5%... Do vậy đây là bài toán khó với các DN cơ khí.

Không trụ nổi, một số DN đang đàm phán để bán luôn cho các DN nước ngoài như Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Hệ lụy này được đánh giá từ các yếu tố như: đơn hàng sụt giảm mạnh, khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng khi lãi suất lên cao thời gian qua.

"Khi DN đứt dòng tiền, nguồn hàng không có, nợ vay ngân hàng tiền tỉ nên nhiều anh em phải bán nhà để thoát ngân hàng. DN cơ khí mong manh về nguồn lực tài chính, ít có DN lớn. Vào giai đoạn khó khăn là gồng không nổi", một lãnh đạo công ty cơ khí (quận 12, TP.HCM) nói.

Các doanh nghiệp sản xuất đều mong muốn giảm gánh nặng lãi suất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các doanh nghiệp sản xuất đều mong muốn giảm gánh nặng lãi suất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngóng chính sách hỗ trợ

Theo các DN, dù thuộc lĩnh vực được ưu tiên nhưng việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn khó khăn.

Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, cho biết nhiều DN đã được TP phê duyệt hỗ trợ lãi suất với mức vay vốn từ 10 - 100 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản vay này. 

Chính vì không được hỗ trợ, nhiều DN đang rất khó khăn vì không xoay xở được tiền trả lãi ngân hàng. "Thậm chí có hội viên cho biết đã phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng để DN không bị chuyển sang nhóm nợ xấu", ông Tống nói.

Việc khó tiếp cận vốn vay ưu đãi cũng khiến các đơn vị khác e ngại, không dám đầu tư khiến ngành công nghiệp hỗ trợ, vốn được xem là nền công nghiệp cơ bản của TP, khó phát triển. 

"Các cơ quan ban ngành nhìn nhau, lo lắng thủ tục đúng sai... như hiện nay sẽ khiến nền kinh tế đi xuống. Các giải pháp nêu ra nhiều nhưng chẳng thấy quyết liệt thực hiện nên chưa mang lại hiệu quả. DN buộc phải chờ, co cụm lại", ông Tống cho biết.

Trong thực tế, theo các DN, lãi suất cho vay tuy có hạ nhiệt so với trước nhưng vẫn đứng ở mức khá cao và việc tiếp cận vốn không đơn giản. Nếu cần giải quyết việc gì gấp, DN mới vay chứ để đầu tư sản xuất sẽ rất ít. 

Chẳng hạn một DN cơ khí đầu tư xây dựng nhà máy hơn trăm tỉ đồng tại TP Thủ Đức nhưng dự án vẫn đang dở dang do lãi suất vay quá cao, trong khi đơn hàng cũng gặp khó.

"Khi gói kích cầu được công bố, các DN ngành cơ khí rất hào hứng và hy vọng. Thế nhưng chính sách hỗ trợ vẫn đang nằm trên giấy khiến nhiều DN trong lĩnh vực gặp khó. 

Đơn hàng sụt giảm 30%, DN đang cầm cự để duy trì hoạt động, thế chấp tài sản để trả nợ ngân hàng", lãnh đạo một DN cơ khí tại TP Thủ Đức bức xúc.

Mong giảm lãi suất như "trời hạn trông mưa"

Là một DN lớn chuyên mua bán vật liệu xây dựng ở đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM), ông Mai Văn Thanh cho hay ông muốn "đứt hơi" khi hằng tháng phải xoay tiền để đáo hạn.

Theo ông Thanh, DN có vay 2 tỉ đồng, lãi suất 13%, do tổng công ty cung cấp gạch liên kết với các đại lý đứng ra bảo lãnh.

"Không chỉ chịu sức ép lãi suất cao, dòng tiền phải liên tục và bị phụ thuộc vào dòng tiền bán hàng. Trong trường hợp không bán được hàng như bốn tháng nay, không thanh toán được, chúng tôi phải đi vay "nóng" để thanh toán để không bị rơi vào nhóm nợ xấu.

Do đó chúng tôi tha thiết mong các ngân hàng sớm giảm lãi suất cho vay để các DN có thể duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Thanh nói.

Tương tự, bà H.T.L., giám đốc công ty chuyên về xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng hoàn thiện (quận Bình Thạnh), cũng cho biết đang rất khó khăn trong việc xoay xở tiền để trả nợ hằng tháng cho khoản vay 4,5 tỉ đồng, với lãi suất 14%.

"Tôi thật sự sợ khi nhắc đến hai từ lãi suất. Nếu lo lãi suất thì chậm lương nhân viên, nếu đúng hẹn lương thì chậm lãi suất, sẽ bị vào "danh sách đen". Tôi mong các ngân hàng giảm lãi suất thật sự để chia sẻ cho DN lúc này", bà L. đề nghị.

THẢO THƯƠNG

Doanh nghiệp, người dân mong được giãn nợ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Quỳnh, giám đốc một DN sản xuất thực phẩm, cho biết DN đang có các khoản vay 2,5 tỉ đồng với lãi suất 10,6%/năm. Với một DN quy mô nhỏ và tình hình hàng hóa ế ẩm như hiện nay, việc phải trả lãi suất 10,6% là vượt sức chịu đựng của DN.

Do đó, bà Quỳnh mong muốn ngân hàng thương mại có các chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, tránh tình trạng DN gặp khủng hoảng "kép" về đơn hàng lẫn lãi vay, sau này rất khó để vực dậy.

Ngoài ra, bà Quỳnh cho biết các ngân hàng cũng cần sớm giãn, hoãn nợ cho DN đang gặp khó để chia sẻ phần nào khó khăn với DN như các chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành.

Ông Bùi Quang Anh Vũ, tổng giám đốc Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, cho rằng nếu ngân hàng thương mại giãn, hoãn nợ sẽ tác động rất tích cực đối với DN, giúp giảm áp lực trả nợ cho DN trong bối cảnh lãi suất cao hiện nay.

Theo ông Vũ, điều này sẽ giúp DN có thêm thời gian, có nhiều phương án để trả những khoản vay trước đó. Khi giảm bớt áp lực trả nợ, các DN sẽ có thêm thời gian, thêm nguồn vốn để phát triển dự án và kinh doanh.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành, lãi vay đối với lĩnh vực bất động sản quá cao, lên đến 14% năm ngay đối với nhà ở xã hội khiến cho cả DN lẫn người mua nhà gặp khó.

Do đó, ông Nghĩa cho rằng các ngân hàng thương mại cần có các chính sách tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ DN lẫn người mua nhà.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ TP Thủ Đức, cho biết toàn bộ lương hiện nay đều dồn vào trả lãi cho khoản vay 1,2 tỉ đồng để mua căn hộ tại TP Thủ Đức, với lãi vay lên 11,7%/năm, số tiền phải trả lên đến 14 triệu đồng mỗi tháng.

"Giờ thu nhập của tôi sụt giảm mạnh mà tiền trả ngân hàng lại đội lên nên thực sự rất bức bối trong chi tiêu, người đi vay như tôi chỉ mong sao các ngân hàng có giải pháp hạ lãi suất để người vay dễ thở", ông Tuấn nói.

NGỌC HIỂN

Ngăn "làn sóng" doanh nghiệp bán tài sảnNgăn 'làn sóng' doanh nghiệp bán tài sản

Trong vòng bốn tháng đã có khoảng 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên