
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đánh giá kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ lộ trình bỏ room tín dụng - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm 8-7, ông Phạm Chí Quang, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí về chỉ đạo của Thủ tướng trong việc bỏ hạn mức (room) tín dụng.
Theo ông Quang, NHNN sẽ đánh giá kỹ lưỡng trước khi báo cáo Chính phủ lộ trình bỏ room tín dụng.
Đang tiến tới bỏ room tín dụng
Theo ông Quang, việc điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN từ năm 2012, thời điểm có nhiều khó khăn trong bối cảnh tín dụng có thời điểm tăng trưởng nóng, bình quân là 32%/năm, cá biệt có năm tăng đến 54%, vượt khả năng kiểm soát của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, lãi suất trên thị trường tăng rất cao và rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh.
Để xử lý vấn đề này nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì sự an toàn, không đổ vỡ của hệ thống tổ chức tín dụng, từ năm 2012, NHNN đã điều hành room tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Quang, không có công cụ nào là vĩnh viễn. Và thời gian qua, NHNN đã có lộ trình cải tiến đổi mới công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Cụ thể, trong năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng. Đến năm 2025, NHNN đã dỡ bở việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các nhóm ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh, các định chế của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Như vậy, chỉ còn ngân hàng thương mại trong nước là được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
"Đây là lộ trình tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, những hệ lụy quá khứ, khó khăn của hệ thống tín dụng vẫn còn tồn tại. Nên để bãi bỏ giao room tín dụng, NHNN cần có biện pháp, chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra là làm sao vừa tăng cường tính chủ động của tổ chức tín dụng lại vừa đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh kinh tế, kiểm soát được lạm phát", ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, trường hợp bỏ room tín dụng, nguy cơ lãi suất sẽ tăng. Một trong những biện pháp mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị NHNN phải rất chủ động trong điều hành lãi suất. "Do đó, NHNN sẽ cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động chính sách rất kỹ lưỡng để có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về lộ trình dỡ bỏ room tín dụng trong thời gian tới", ông Quang cho biết thêm.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại
Cũng tại buổi họp báo, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết ngay đầu giờ sáng 8-7, Mỹ công bố mức thuế 25 - 40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1-8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới.
"Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên", ông Hà nói.
Trong khi đó, theo ông Phạm Chí Quang, từ đầu năm đến nay, chính quyền Mỹ thay đổi chính sách nhanh, kể cả chính sách kinh tế, tài khóa và đặc biệt là chính sách tiền tệ. Từ đó dẫn đến biến động của USD cũng rất lớn và đã giảm khoảng 10%, thậm chí có những giai đoạn còn giảm hơn 10%. Sự suy giảm của đồng USD đã khiến nhiều đồng tiền hưởng lợi, nhất là những đồng tiền ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên, VND vẫn mất giá, đến nay giảm khoảng 2,7 - 2,8% so với USD. Để duy trì sức mạnh đồng tiền, theo ông Quang, đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn. Sức hấp dẫn một phần có được thông qua lãi suất. Tuy nhiên thời gian qua, NHNN đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"Để có lãi suất thấp phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có tỉ giá vì khi duy trì mức lãi thấp, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD sẽ bị âm. Như vậy các tổ chức sẽ chuyển đổi đồng tiền khác hấp dẫn hơn để nắm giữ", ông Quang nói và cho biết dù cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng việc khối ngoại rút vốn trên thị trường chứng khoán từ năm 2024 đến nay đã gây sức ép lên thị trường ngoại hối.
"Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, thị trường xuất khẩu lớn, nhất là sang Mỹ, nên chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá, lãi suất thời gian tới khi dòng vốn dịch chuyển giữa các quốc gia", ông Quang nhận định.

Ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,7% trong cơ cấu tín dụng nửa đầu năm nay - Ảnh: Q.Đ.
Hơn 17,2 triệu tỉ đồng đổ vào nền kinh tế
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, ông Phạm Thanh Hà cho biết tính đến 30-6, tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022. Về lãi suất cho vay bình quân (áp dụng cho các khoản vay mới), mức lãi suất cho vay bình quân hiện tại là 6,24%/năm, giảm 0,64% so với cuối năm 2024.
Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53% (trong đó có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư).
Ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có quy mô dư nợ lớn nhất toàn hệ thống chiếm 23,74%. Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%. Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 12,91%.
Một số ngành có tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Trong đó có các lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, như: nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là ngành chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế, lần lượt là 23,16%, 17,51%, tăng 5,31%, tăng 5,71%.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lần lượt là 15,69% và 17,59%.
NHNN khẳng định luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Phạm Chí Quang, tăng trưởng tín dụng có vai trò rất quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay. Tín dụng đến 30-6 đạt gần 10%, mức tăng cao nhất từ 2022, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024.
"Chúng tôi không chủ quan với lạm phát mà theo sát diễn biến để điều hành tín dụng theo mục tiêu đề ra và tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, nợ xấu được kiểm soát, NHNN tiếp tục điều chỉnh dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo góp phần tăng trưởng kinh tế", ông Quang thông tin.
Bỏ room tín dụng là phù hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng việc bỏ room tín dụng là rất phù hợp nhằm tăng tính chủ động cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng lớn đã áp dụng tiêu chuẩn Basell 3. Hơn nữa, năng lực tài chính của các ngân hàng được cải thiện khi vốn điều lệ được nâng lên hằng năm.
"Bên cạnh đó, dựa vào khả năng huy động vốn và nhu cầu vay vốn của thị trường, các ngân hàng sẽ chủ động cho vay.
Tránh trường hợp còn vốn mà không thể cho vay ra được vì bị mắc hạn mức tăng trưởng tín dụng", ông Hùng nói và cho rằng để tự chủ về tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng phải tự xây dựng hệ số an toàn của mình để cho vay ra đảm bảo an toàn của đồng vốn, cho vay thu hồi được nợ.
Ở góc độ cơ quan quản lý, theo ông Hùng, NHNN cần xây dựng bộ tiêu chí về các chỉ số an toàn để quản lý, giám sát tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
"Đơn cử hệ số an toàn với cho vay bất động sản, tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn là bao nhiêu?... Mục tiêu là để đảm bảo an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như an toàn hệ thống", ông Hùng gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận