Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại bốn ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm, áp dụng kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Lãi suất các kỳ hạn 6 và 9 tháng về mức 5%/năm.
Còn tại các ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất giảm nhanh. Chỉ trong khoảng một tuần, nhiều ngân hàng giảm lãi suất 0,2%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Đơn cử như Ngân hàng VPBank, hôm 21-7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,6%/năm, giảm 0,5% so với cách đây 1 tháng và 0,2% so với cách đây 3 ngày.
Đối với khách hàng ưu tiên gửi 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, VPBank áp dụng lãi suất huy động là 7,1%/năm. Còn số tiền gửi từ 1 tỉ đến dưới 3 tỉ đồng, lãi suất huy động là 7,2 - 7,3%/năm.
Điều đáng chú ý là ngân hàng này áp dụng mức lãi suất này cho kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng.
Trong khi đó trước đây mức lãi suất cao nhất thường được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 12 - 15 tháng, thậm chí 18 tháng. Mục đích là khuyến khích khách hàng gửi tiền thời gian dài. Tuy nhiên trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm nên các ngân hàng đã linh hoạt kỳ hạn gửi để khách hàng lựa chọn.
Còn với ngân hàng có quy mô nhỏ hơn thì mức lãi suất có nhỉnh hơn. Nhưng lãi suất khoảng 7,5%/năm là rất hiếm hoi và đang trong xu hướng giảm.
Đơn cử Ngân hàng Bắc Á vừa niêm yết biểu lãi suất mới, áp dụng từ ngày 24-7, tức là đầu tuần sau. Theo đó, kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng có mức lãi suất cao nhất là 7,2%/năm. Còn kỳ hạn 6 đến 15 tháng, lãi suất tiền gửi là 7 - 7,15%/năm.
Hôm 20-7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Trong nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5 - 2%/năm, nghiên cứu thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Về tăng trưởng tín dụng, Chính phủ cho rằng xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn. Cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận