Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang ngóng được giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động liên tục hạ nhiệt
Ngày 5-5, chị Kim Anh (Q.7, TP.HCM) gom các nguồn tiền được hơn 500 triệu đồng và đem gửi ở một ngân hàng lớn.
Dù là khách hàng ưu tiên, nhưng lãi suất chỉ còn 7,3%/năm, giảm mạnh so với mức lãi suất 8,5%/năm được ngân hàng này áp dụng cách nay 2-3 tháng. "Tôi giật mình vì lãi suất giảm quá nhanh", chị Kim Anh nói.
Chị Ngọc Phương (Hà Đông, Hà Nội) cũng không tin khi điện thoại báo lãi suất sổ tiết kiệm được tất toán sáng 8-5 còn có 6,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. "Lãi suất tiền gửi giảm mạnh, trong khi đầu tháng trước có ngân hàng vẫn mời chào mức 8,5%/năm" - chị Ngọc Phương chia sẻ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngay sau kỳ nghỉ lễ, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ giảm mạnh so với cách đây một tháng.
Ngân hàng có mức giảm lãi suất tiền gửi sâu nhất là KienLongBank. So với cùng kỳ tháng 4, lãi suất huy động của ngân hàng này giảm tới 1,55%/năm cho kỳ hạn 9 tháng với mức niêm yết 7%/năm. Các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng giảm còn 7,75%/năm.
Chỉ có ABBank vẫn còn niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm mức 9,2%/năm cho kỳ hạn 15 - 60 tháng nếu lấy lãi cuối kỳ. Đa số các ngân hàng có thị phần lớn hơn cũng giảm lãi suất huy động 0,1-0,3% tùy theo từng kỳ hạn.
Chẳng hạn, kỳ hạn 12 tháng gửi online được VPBank niêm yết 8,1%/năm, Techcombank và Sacombank là 7,8%/năm, SHB 7,9%/năm, MB 7,4%/năm...
Bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giữ nguyên lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Kỳ hạn 12 tháng được Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều niêm yết mức 7,2%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 - 5,9%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Huy động vốn nhiều nhưng không cho vay ra được vì lãi cao, doanh nghiệp khó kiếm đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng không dám vay để chi tiêu hay đầu tư. Và đây là một trong những yếu tố tạo sức ép để lãi suất cho vay phải giảm mạnh trong thời gian tới.
"Doanh nghiệp khó khăn, việc hạ lãi suất huy động lẫn cho vay là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà cho cả chính ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng cũng làm đúng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và là cộng sinh với doanh nghiệp", ông Thịnh nói.
Trông lãi vay giảm như "trời hạn trông mưa"
Nhiều doanh nghiệp, người vay vẫn đang mong lãi suất giảm thêm. Anh Quang Thanh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người đang gánh món vay mua nhà hơn 2 tỉ đồng tại một ngân hàng cổ phần với lãi suất 12%/năm, cho biết lãi suất vay ban đầu dưới 10%/năm nhưng bất ngờ tăng mạnh từ cuối tháng 10-2022.
"Ngân hàng cho rằng mức lãi suất này là khá mềm rồi, nhưng tôi vẫn thấy ngộp thở vì mấy năm nay kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giảm lương, hai vợ chồng gồng gánh chi phí sinh hoạt, tiền ăn tiền học của con cộng thêm tiền lãi ngân hàng nên luôn cảm thấy khó thở", anh Quang Thanh nói.
Các doanh nghiệp cũng mong lãi suất hạ như nắng hạn chờ mưa rào. Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn (Q.1), cho biết dù kinh doanh lâu năm, có uy tín với ngân hàng nhưng vẫn đang có các khoản vay với lãi suất khá cao. Một ngân hàng áp lãi suất cho vay 10%/năm.
Một ngân hàng khác vừa thông báo giảm lãi vay 0,5%/năm, xuống còn 8,75%/năm nhưng chỉ áp dụng trong 3 tháng, từ 1-5 đến 31-7. "Tình hình vẫn rất khó khăn, tôi mong muốn ngân hàng nếu được nên giảm lãi suất ít nhất 6 tháng để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh", ông Linh đề nghị.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), dự báo điểm rơi của lãi suất sẽ là quý 2 này, khi mà đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang dừng lại.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng phát tín hiệu về việc ngừng tăng lãi suất. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất.
"Khả năng trong quý 2 này chính sách tiền tệ sẽ dần nới hơn, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ thấp hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và giảm áp lực trả nợ ngân hàng", ông Tùng nhận định và cho rằng việc Chính phủ rất tích cực trong việc thúc đẩy đầu tư công, với các dự án đầu tư đồng loạt được khởi động, sẽ là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế.
Thêm vào đó, theo ông Tùng, hàng loạt thông tư được ban hành trong thời gian gần đây như thông tư 02 và thông tư 03, hướng vào việc giải quyết những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp và người dân, giúp người vay giảm bớt áp lực trả nợ, hỗ trợ phát triển kinh doanh mới, qua đó tạo doanh thu mới cho khách hàng và cho chính ngân hàng.
Tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,66%
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24-4, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,24 triệu tỉ đồng, tăng 2,66% so với cuối năm 2022.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 0,75%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 1,88%, thương mại dịch vụ tăng 0,47% so với cuối năm 2022.
Tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 0,73%, xuất khẩu tăng 3,15%, công nghiệp hỗ trợ tăng 6,08%...
Gỡ nút thắt về vốn
Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về triển khai hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng 2, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 25,83%.
Các ngân hàng về cơ bản đều đáp ứng quy định này, trừ một số tổ chức tín dụng yếu kém, được kiểm soát đặc biệt.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu để giữ ổn định tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc giảm lãi vay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho rằng việc giữ ổn định tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn như Ngân hàng Nhà nước dự kiến là động thái rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, thách thức.
Bởi chính sách này sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn khi cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Từ ngày 1-10 tới, nếu tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lùi về mức 30% sẽ là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng. Các doanh nghiệp, khách hàng cũng sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, chưa kể việc giảm lãi suất cho vay cũng bị ảnh hưởng", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận