Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 5-5, mức giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm sâu nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long.
So với cùng kỳ tháng 4, lãi suất huy động của ngân hàng này giảm tối đa lên tới 1,55%/năm cho kỳ hạn 9 tháng với mức niêm yết 7%/năm. Các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng giảm còn 7,75%/năm.
Mức lãi suất huy động niêm yết cao nhất quanh 8%/năm, được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có thị phần lớn áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Đơn cử VPBank áp dụng kỳ hạn 12 tháng với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm niêm yết cao nhất là 8,1%/năm, giảm 0,1% so với ngay trước kỳ nghỉ lễ. Nhưng so với thời điểm cách đây một tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm 0,5-0,7%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
Ngoài VPBank, đa số các ngân hàng khác có thị phần tương tự đều giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, như MB (7,3%); Techcombank (7,8%); Sacombank (7,6%); SHB (7,9%); ACB (7,75%).
Còn các ngân hàng tư nhân có thị phần nhỏ cũng giảm đáng kể lãi suất huy động so với cách đây một tháng. Trên thị trường, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 9%/năm hầu như là rất hiếm hoi.
Theo Tuổi Trẻ Online, chỉ có ABBank hiện niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm mức 9,2%/năm cho kỳ hạn 15 - 60 tháng nếu lấy lãi cuối kỳ.
Với các ngân hàng nhỏ khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng 8,6%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt niêm yết 8,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng...
Trong khi đó, bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giữ nguyên lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều niêm yết chung mức 7,2%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 - 5,9%/năm.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Lãi suất sẽ giảm tiếp trong những tháng tới.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước thường xuyên dư thừa. Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường.
Cùng với việc giảm lãi suất điều hành hai lần vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết cũng mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Qua đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã hạ nhiệt. Cụ thể, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị triển khai thông tư 02 về giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, được Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 25-4, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết dù mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng đâu đó vẫn có một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường.
Cụ thể, đơn vị có mức lãi suất cho vay bình quân lên đến 14,63%/năm được phó thống đốc nêu đích danh là Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (KienlongBank).
"Hệ số chênh lệch đầu vào - đầu ra lên đến 9,9% thì dù làm ngân hàng đến 30 năm tôi cũng không hiểu được. Tôi đề nghị giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kiên Giang đánh giá bức tranh lãi suất của KienlongBank và có báo cáo giải trình tới Ngân hàng Nhà nước trong tuần sau" - ông Đào Minh Tú chỉ đạo.
Ngoài KienlongBank, phó thống đốc cũng chỉ ra các ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân 12-13% như Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á… và đề nghị cơ quan thanh tra giám sát phải theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận