Theo Hãng tin Reuters, chi tiết về cách Mỹ củng cố liên minh với Hàn Quốc và tăng khả năng "răn đe ở bán đảo Triều Tiên" sẽ được đề cập trong "Tuyên bố Washington".
Hai bên sẽ công bố văn kiện này sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 26-4 (giờ Mỹ).
Tàu ngầm hạt nhân sẽ đến Hàn Quốc
"Tuyên bố Washington" nêu rõ cách Mỹ bảo vệ Hàn Quốc dưới "ô hạt nhân" và mức độ chia sẻ thông tin với Seoul.
Các quan chức Hàn Quốc (không nêu tên) nhấn mạnh không có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc. Seoul cũng sẽ không tự phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng.
Cũng theo "Tuyên bố Washington", liên minh Mỹ - Hàn sẽ thể hiện sức mạnh quân sự rõ ràng hơn trong thời gian tới. Trong đó có việc thường xuyên đưa các khí tài chiến lược đến Hàn Quốc dưới dạng "thăm viếng".
Ngoài tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, Mỹ cũng sẽ đưa máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay đến các cảng Hàn Quốc.
Trong số các loại tàu ngầm quân sự trên thế giới, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo là loại lớn nhất và nguy hiểm nhất do nó có khả năng lặn sâu, hoạt động dài ngày và âm thầm phát động tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Lần cuối cùng tàu ngầm hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc là vào những năm 1980.
Một quan chức Hàn Quốc khẳng định các khí tài chiến lược của Mỹ sẽ không đồn trú tại nước này.
"Chúng tôi đang thông báo trước cho phía Trung Quốc và trình bày rất rõ ràng lý do tại sao chúng tôi thực hiện các bước này", quan chức này nói. Vị này cũng tiết lộ Mỹ "thất vọng" vì Trung Quốc không sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí.
Hiện Trung Quốc và Triều Tiên chưa bình luận gì về các thông tin trên. Bắc Kinh đã từng phản ứng mạnh vào năm 2017 khi Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD đến Hàn Quốc.
Mỹ hiện có khoảng 24.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, chủ yếu là lục quân và không quân. Các tàu khu trục, tàu ngầm và tàu sân bay được Mỹ bố trí tại Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận