25/04/2023 07:58 GMT+7

Bài kiểm tra cho quan hệ Mỹ - Hàn

Hôm 24-4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol rời Seoul để đến Mỹ cho chuyến thăm chính thức kéo dài sáu ngày, từ 24 tới 29-4.

Tổng thống Biden (trái) và Tổng thống Yoon trong một lần gặp nhau - Ảnh: WHITE HOUSE

Tổng thống Biden (trái) và Tổng thống Yoon trong một lần gặp nhau - Ảnh: WHITE HOUSE

Dự kiến Tổng thống Yoon sẽ có lần gặp gỡ thứ sáu với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau các cuộc gặp ở Seoul, Madrid, London, New York và Phnom Penh. Tuy nhiên, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Yoon tới Mỹ.

Triều Tiên và dấu hỏi về hạt nhân

Ông Yoon cũng là vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ sau ông Lee Myung Bak vào năm 2011. Đây cũng là vị lãnh đạo thứ hai thăm chính thức Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Lấy chủ đề "đồng minh trong hành động, hướng tới tương lai", sự kiện ông Yoon thăm Mỹ trùng kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề Triều Tiên sẽ là trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa hai lãnh đạo.

Trong thời gian qua, Triều Tiên đã tăng cường thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Không chỉ dày đặc hơn về tần suất thử nghiệm, Bình Nhưỡng được cho đã có những tiến bộ lớn trong chương trình vũ khí hạt nhân, vốn bị Hàn Quốc xem là mối đe dọa an ninh chủ yếu.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Yoon sẽ mong muốn phía Mỹ làm rõ cam kết về các biện pháp tăng cường khả năng "răn đe mở rộng" dành cho Hàn Quốc.

Về cơ bản, "răn đe mở rộng" được hiểu là cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc trước nguy cơ Triều Tiên tấn công hạt nhân.

Nhưng vấn đề đáng lo hiện nay là liệu Hàn Quốc có thể trông cậy vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ, hay chính họ phải tự phát triển vũ khí hạt nhân. Theo Hãng tin Reuters, thậm chí cả những thành viên cấp cao trong đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon cũng kêu gọi tự phát triển hạt nhân.

Trong khi đó, khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu chính sách Asan cho thấy 54% người được hỏi nói rằng họ không tin Mỹ sẵn sàng mạo hiểm để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc. Có 64% người tham gia khảo sát ủng hộ Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi 33% phản đối.

Việc niềm tin từ dư luận Hàn Quốc dành cho Mỹ giảm sút ít nhiều liên quan tới một số diễn biến an ninh khác. Tổng thống Yoon chịu áp lực phải tìm kiếm câu trả lời rõ ràng từ Mỹ về nghi án Mỹ nghe lén quan chức Hàn Quốc.

Ngoài ra, tài liệu mật rò rỉ suốt cả tháng qua cũng đề cập việc Mỹ gây sức ép lên Hàn Quốc nhằm buộc Seoul phải tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, thậm chí kêu gọi gửi vũ khí sát thương - điều Hàn Quốc không muốn làm hoặc ít nhất không muốn công khai.

Hài hòa lợi ích

Điểm nhấn thứ hai trong chuyến đi của ông Yoon là phái đoàn tháp tùng gồm các công ty lớn của Hàn Quốc. Seoul sẽ đặt mục tiêu tìm kiếm sự hài hòa về lợi ích với Mỹ, nhằm đảm bảo vẫn là đồng minh sát cánh trong nhiều vấn đề nhưng không tổn hại tới việc làm ăn của các "chaebol" (tập đoàn lớn của Hàn Quốc).

Đây tiếp tục là một rắc rối không dễ giải quyết. Các công ty Hàn Quốc đang gặp khó vì những chính sách mới của chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden, bao gồm Đạo luật Chip và Khoa học (CHIPS and Science Act) và Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act).

Cả hai luật này đều nhằm bảo trợ công ty Mỹ hoặc ở Mỹ, bị châu Âu và các nước đối tác của Mỹ xem như một hành động bảo hộ.

Ví dụ, Đạo luật Chip và Khoa học sẽ trợ cấp cho các nhà sản xuất chip điện tử với điều kiện các công ty này giảm hoặc không sản xuất một số dòng chip tiên tiến ở Trung Quốc.

Nói cách khác, việc phải "chọn phe" trong đầu tư sẽ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất sản phẩm chất bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc đang có nhà máy tại Trung Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix.

Một số chính trị gia Hàn Quốc đã chỉ trích Mỹ, cho đó là biểu hiện phản bội tinh thần của liên minh. Trao đổi với phóng viên nước ngoài ở Seoul, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc Lee Jae Myung nói: "Chúng tôi phải bảo vệ ngành công nghiệp Hàn Quốc trước các hành động bảo hộ và phân biệt chống lại các nhà sản xuất chip Hàn Quốc. Đây là huyết mạch trong nền kinh tế của chúng tôi".

Nikkei Asian Review dẫn lời ông Patrick Cronin, chủ tịch Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), cho rằng ông Yoon và ông Biden sẽ tìm cách "hài hòa chính sách công nghệ và thương mại, cùng việc bảo vệ chuỗi cung ứng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai".

"Không đồng minh nào có lợi ích y hệt nhau... Tuy nhiên, hai chính phủ có thể đưa các công ty công nghệ lớn trở nên ít lệ thuộc vào Trung Quốc và hội nhập tốt hơn với các quốc gia đồng chí hướng, và họ có thể nhất trí về các tiêu chuẩn giảm thiểu rủi ro về cưỡng ép kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng, bảo vệ dữ liệu và vẫn tiếp tục thành công trong kinh doanh", ông Cronin nói.

122 & 30

Cùng đi với Tổng thống Yoon tới Mỹ lần này là phái đoàn doanh nghiệp gồm 122 người, bao gồm giám đốc các tập đoàn lớn như Lee Jae Yong của Samsung Electronics, Chey Tae Won của SK Group và Euisun Chung của Hyundai Motor Group, cũng như lãnh đạo từ sáu hiệp hội doanh nghiệp lớn.

Ngày 25-4, ông Yoon tham dự buổi lễ chứng kiến các công ty công nghệ Mỹ công bố kế hoạch đầu tư ở Hàn Quốc và tham dự buổi thảo luận bàn tròn có sự tham gia của 30 tổng giám đốc (CEO) của các công ty Mỹ và Hàn - bao gồm Samsung, SK, Hyundai, Qualcomm, Lam Research và Boeing.

Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ giữa nhiều đe dọaTổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ giữa nhiều đe dọa

Ba ngày trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công du Mỹ từ ngày 24 đến 29-4, bán đảo Triều Tiên đột ngột căng thẳng thêm một lần nữa với một tuyên bố đanh thép của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên