10/01/2020 11:19 GMT+7

Lợi ích từ hòa bình

JONATHAN FULTON (phó GS khoa học chính trị tại ĐH Zayed, Abu Dhabi, UAE) - NHẬT ĐĂNG ghi
JONATHAN FULTON (phó GS khoa học chính trị tại ĐH Zayed, Abu Dhabi, UAE) - NHẬT ĐĂNG ghi

TTO - Vụ không kích của Mỹ giết chết tướng Iran Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã khiến diễn biến căng thẳng tại Trung Đông leo thang mức độ mới.

Kết quả là Iran đáp trả với màn tấn công vào các căn cứ ở Iraq nơi có lính Mỹ hiện diện.

Nhưng tôi đồ rằng các đồng minh của Mỹ từ châu Âu, Trung Đông cho tới châu Á đều sẽ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng hết mức có thể. 

Mối đe dọa từ một cuộc xung đột bùng phát giữa Mỹ và Iran sẽ gây hậu quả tồi tệ cho phần còn lại của vùng Vịnh, vốn sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, và khi ấy sẽ quay trở lại làm tổn thương nền kinh tế Mỹ ngay thời điểm Tổng thống Donald Trump đang sẵn sàng cho cuộc tổng tuyển cử.

Chính vì vậy, tôi vẫn cho rằng chiến tranh rất khó xảy ra vào thời điểm này. Đơn giản, như đã nói, không ai muốn thấy một cuộc chiến tại vùng Vịnh. Và có vẻ cả Mỹ lẫn Iran cũng không. 

Sau những tuyên bố khiến tình hình hạ nhiệt vừa qua của Mỹ, tôi cho rằng sắp tới những quốc gia có lợi ích ở Trung Đông như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp và Anh sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc cố gắng tìm ra giải pháp hòa hợp cho Iran và Mỹ. Vì tất cả những nước này đều có cái để mất nếu tình hình leo thang.

Có thể lấy Trung Quốc làm ví dụ điển hình. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung là tâm điểm địa chính trị và kinh tế toàn cầu, Washington rất quan tâm tới phản ứng của Bắc Kinh trong căng thẳng Iran.

Mối quan hệ Trung Quốc - Iran đã thu hút rất nhiều sự chú ý gần đây. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến thăm Bắc Kinh bốn lần vào năm 2019 và đã quay lại vào ngày 31-12 sau chuyến đi ngắn đến Matxcơva. 

Cả hai sự kiện này diễn ra trong bối cảnh cuộc tập trận hải quân ba nước Trung Quốc, Nga và Iran tại khu vực vịnh Oman và phía bắc Ấn Độ Dương. 

Cái chết của ông Soleimani được cho là thời cơ để Trung Quốc đẩy mạnh sự quan tâm về chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Nhưng không, dường như Trung Quốc và Iran đang lệch pha. Iran đã đánh giá cao cuộc tập trận trên, đề cập tới "một tam giác quyền lực mới trên biển", trong khi các quan chức Trung Quốc lại nói về cuộc tập trận theo cách ít hoành tráng hơn khi mô tả đó là "một cuộc hợp tác quân sự bình thường".

Đối với Bắc Kinh, sự ổn định của vùng Vịnh mới là lợi ích. Năng lượng dĩ nhiên rất quan trọng khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, còn các nước vùng Vịnh là nhà cung cấp lớn cho Trung Quốc. 

Bản thân Trung Quốc cũng đầu tư lớn vào Trung Đông với 123 tỉ USD giá trị đầu tư và hợp đồng xây dựng kể từ năm 2013, chưa kể có một cộng đồng Trung Quốc rất lớn ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), những người sẽ bị ảnh hưởng nếu có xung đột.

Nói tóm lại, Trung Quốc sẽ chọn cách tiếp cận cân bằng trong khu vực Trung Đông và xem hòa bình, ổn định là ưu tiên. 

Cách ứng xử của Trung Quốc phản ánh xu thế hiện nay trên thế giới, khi chiến tranh chỉ là ảo ảnh, lợi ích thực tế từ hòa bình mới là điều được đặt lên hàng đầu.

Anh giữ cam kết hạt nhân cùng Iran, Hungary muốn châu Âu Anh giữ cam kết hạt nhân cùng Iran, Hungary muốn châu Âu 'về phe' Mỹ

TTO - Theo Reuters ngày 9-1, trong khi Thủ tướng Anh nhấn mạnh cam kết trong thỏa thuận hạt nhân cùng Iran, Thủ tướng Hungary kêu gọi châu Âu đứng về phía Washington trong căng thẳng Mỹ - Iran.

JONATHAN FULTON (phó GS khoa học chính trị tại ĐH Zayed, Abu Dhabi, UAE) - NHẬT ĐĂNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên