09/01/2020 09:00 GMT+7

Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh: Washington, Tehran có đường lùi

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nguy cơ chiến tranh tại Trung Đông rõ rệt hơn sau khi Iran tấn công hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq. Nhưng có vẻ cả Tehran lẫn Washington đều chừa đường đối thoại.

Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh: Washington, Tehran có đường lùi - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei - Ảnh: TL

Truyền hình quốc gia Iran ngày 8-1 thông báo quân đội Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã nã hàng chục tên lửa vào các căn cứ quân sự ở Iraq, và giết chết 80 người Mỹ. Phía Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó xác nhận hai căn cứ Ain al-Asad và các địa điểm ở tỉnh Erbil của Iraq.

Chúng tôi lên án hành động tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq. Chúng tôi phản đối việc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, và hành động biến Iraq thành chiến trường cho các bên tham chiến.

Tổng thống Iraq Barham Saleh tuyên bố ngày 8-1.

Hai mục tiêu của Iran

Vụ tấn công lần này của Iran về lý thuyết là màn trả thù Tehran dành cho Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích giết chết thiếu tướng Iran Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds và được cho là nhân vật quyền lực thứ hai của Iran chỉ sau đại giáo chủ Ali Khamenei.

Nhưng trong khi nhiều người xem Iran có "hành động chiến tranh", có vẻ Tehran đang chủ đích đưa ra những thông điệp chừng mực. Khoảng một ngày trước khi quyết định tấn công, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khi trả lời phỏng vấn Đài CNN (Mỹ) đã khẳng định "chúng tôi sẽ phản ứng đúng luật, chúng tôi không vô pháp như Tổng thống Trump". 

Sau khi tấn công, một lần nữa ông Zarif nhắc lại tính hợp pháp của cuộc nã tên lửa này: "Iran thực hiện những biện pháp tương xứng trong phòng vệ, dưới điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó nhắm tới căn cứ vũ trang của những kẻ hèn nhát, nơi đã khởi động cho các cuộc tấn công công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi".

Thực tế phản ứng của Iran là điều không bất ngờ. Giới phân tích cho rằng Tehran, qua hành động yêu cầu quân đội Iraq né trước các địa điểm tấn công nơi có lính Mỹ đóng quân, đã muốn truyền tải thông điệp rằng họ chỉ muốn tấn công Mỹ. Thứ hai, đợt tấn công này được nhận xét có tính toán, vừa phải, không gây thiệt hại lớn tới người Mỹ mà vẫn đảm bảo danh dự cho giới lãnh đạo Iran - những người đã tuyên bố trả thù.

Iran không hề che giấu việc chuẩn bị tấn công Mỹ. Nó gợi ra một khả năng khác về chuyện có chăng Iran đang "ra đòn gió" để cảnh báo Mỹ trước những nguy cơ xa hơn. Phóng viên chuyên trách Tehran của Đài NBC này cho biết hôm 8-1, sau khi Iran tấn công căn cứ có lính Mỹ: "Iran nói nếu Mỹ không trả đũa cho đợt nã tên lửa mới đây, thì Tehran sẽ ngừng tấn công. Nhưng nếu Mỹ tấn công, Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ".

Kiểu chừa đường lùi của Iran không phải bây giờ mới xuất hiện. Trước đó, sau khi tuyên bố không tuân thủ các ràng buộc trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) nữa, giới lãnh đạo Iran vẫn kèm theo một vế tương tự: nếu Mỹ ngừng trừng phạt kinh tế, Iran sẽ lại tuân thủ JCPOA. Cho đến nay, chưa có một quyết định rút khỏi JCPOA trực tiếp nào từ Iran.

Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh: Washington, Tehran có đường lùi - Ảnh 3.

Tổng hợp: HOÀNG DUY LONG - DUY LINH - Đồ họa: TUẤN ANH

Bản chất vẫn là thỏa thuận hạt nhân

Theo thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Tổng thống Trump không muốn thay đổi chính quyền Iran, mà chỉ muốn chính quyền Iran thay đổi cách hành xử trong ba lĩnh vực: chương trình tên lửa đạn đạo, việc bảo trợ cho khủng bố và một phiên bản mới của thỏa thuận hạt nhân hợp lý hơn trong việc ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Lẫn trong số rất nhiều mối lo ngại về chiến tranh, báo Washington Post ngày 8-1 cũng phân tích rằng, thực tế cả Mỹ lẫn Iran đều không xem đây là màn giao tranh sống còn. Thay vào đó, mục đích Mỹ giết Soleimani, và mục đích Iran tấn công trả đũa, đều xoay quanh mục tiêu sâu xa hơn. Mục tiêu ấy không gì khác xoay quanh vấn đề hạt nhân Iran, cụ thể là việc Iran có phát triển vũ khí hạt nhân hay không.

Mỹ đã giết tướng Soleimani khiến căng thẳng leo thang, nhưng luôn khẳng định không muốn chiến tranh. Ông Trump cũng có một dòng tweet ít được chú ý: "Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân". Đó chính là thông điệp phía sau toàn bộ những sự kiện này. 

Điểm đáng lo ngại cho leo thang quân sự giữa Mỹ và Iran là việc Mỹ chính thức tấn công trên lãnh thổ Iran. Nếu điều này xảy ra, một lần nữa có thể thấy mục tiêu vẫn là cơ sở hạt nhân của Iran, vốn được giấu kín dưới hầm và không thể bị tên lửa của Mỹ hủy hoại, trừ phi lính Mỹ trực tiếp đổ bộ.

Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh: Washington, Tehran có đường lùi - Ảnh 4.

Tổng hợp: HOÀNG DUY LONG - DUY LINH - Đồ họa: TUẤN ANH

Quốc tế phản ứng

Giới lãnh đạo chính trị thế giới đang kêu gọi Mỹ và Iran kiềm chế mọi bước tiến có thể làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, ngày 8-1 tuyên bố cả 2 bên cần ngừng việc triển khai vũ khí để có thể đối thoại. "Việc sử dụng vũ khí phải dừng lại ngay bây giờ để dành không gian cho cuộc đối thoại. Tất cả chúng ta có nghĩa vụ phải làm mọi thứ để mở đường cho các cuộc đàm phán" - bà Ursula von der Leyen nói.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng chỉ trích việc Iran tấn công các cơ sở quân sự tại Iraq, nơi tập trung quân lính Mỹ, Anh và nhiều nước khác. "Chúng tôi yêu cầu Iran không lặp lại các cuộc tấn công liều lĩnh và nguy hiểm này, thay vào đó tìm cách nhanh chóng giảm nhiệt tình hình" - ông Raab kêu gọi.

Ông Trump muốn Iran thay đổi để hợp tác

trump phat bieu

Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng lúc 23h20 giờ Việt Nam ngày 8-1 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Trump đã đưa ra những thông điệp quan trọng về Iran trong bài phát biểu trưa 8-1 giờ Mỹ, tức tầm 23h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Ông Trump khẳng định "Mỹ sẽ ngay lập tức áp lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung lên chính quyền Iran", và cho biết Nhà Trắng đang tiếp tục xem xét các khả năng đáp trả khác đối với hành động tấn công bằng tên lửa của Iran vừa qua.

Tuy nhiên trong bài phát biểu ngắn gọn này, ông Trump đã làm đúng như giới quan sát đã đoán trước: chừa ra một khuôn khổ hợp tác cho Mỹ và Iran. Cụ thể, Tổng thống Mỹ xác nhận không có người Mỹ nào bị thương trong vụ tấn công của Iran. Điều này trùng với tin rò rỉ về việc Iran cố tình không đả thương người Mỹ trong đợt tấn công vừa qua.

Cũng vì vậy, ông Trump không đề cập tới chuyện tấn công trả đũa Iran, đúng như cách Tehran ra điều kiện để chấm dứt chuyện dùng vũ lực. Và theo lời tổng thống Mỹ, sắp tới đây Mỹ đang yêu cầu Iran thay đổi cách hành xử, chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân mới và hợp tác với Mỹ trong việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thêm "tay chơi" để hạ nhiệt căng thẳng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-1, tiến sĩ Tytti Erästö - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hòa bình Thụy Điển (SIPRI, trụ sở ở Stockholm) - cho rằng từ đầu, ý định của ông Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dựa trên toan tính rằng càng gây áp lực thì càng có một thỏa thuận tốt hơn.

Bà Erästö, người đang nghiên cứu về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và giải trừ hạt nhân và là một chuyên gia về Trung Đông, lại cho rằng chiến lược tăng áp lực của chính quyền Mỹ đã dẫn tới việc xói mòn thỏa thuận hạt nhân Iran và khiến căng thẳng leo thang, với rất ít khả năng đối thoại khả thi lúc này. Tuy nhiên thêm "tay chơi", tình hình có thể hạ nhiệt.

Theo tiến sĩ Erästö, sắp tới tình hình sẽ có sự tham gia hòa giải của châu Âu. Các cường quốc lục địa già như Anh, Pháp và Đức là bên rất hi vọng vào thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Châu Âu có thể cố gắng duy trì nỗ lực trung gian giữa Mỹ và Iran. Pháp thực tế đã cố vào năm ngoái nhưng không thành công. Châu Âu nên tiếp tục nỗ lực giữ cam kết thỏa thuận hạt nhân, ví dụ tạo ra cơ chế giao dịch riêng INSTEX rất ý nghĩa với Iran, ít nhất xét về việc đảm bảo viện trợ nhân đạo cho những tổn thất gây ra bắt nguồn từ lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ áp vào Iran" - bà nói. (NHẬT ĐĂNG ghi)

Mỹ: Iraq đã báo trước vụ bắn phá của Iran Mỹ: Iraq đã báo trước vụ bắn phá của Iran

TTO - Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ chính quyền Iraq đã báo trước cho Mỹ ý định tấn công của Iran, cho phép Washington có thời gian sơ tán các binh sĩ và đảm bảo an toàn trong suốt thời gian diễn ra vụ bắn phá.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên