
Đà Lạt là đô thị có khí hậu đặc biệt - Ảnh: ĐẠT TEA
Tỉnh Lâm Đồng mới dự kiến hình thành từ sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, mở ra mô hình tỉnh đa vùng - đa văn hóa - đa tiềm năng. Một tỉnh mới hình thành không chỉ rộng nhất cả nước, mà còn "đa vùng, đa sắc" về địa lý - kinh tế - văn hóa.
Vậy khi hai miền khí hậu (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), ba dòng văn hóa (các dân tộc Tây Nguyên, Chăm và Việt), ba bộ máy hành chính nhập lại, điều gì đang chờ đợi?
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Trần Đức Lộc - phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc tỉnh Lâm Đồng.
Việt Nam thu nhỏ trong một Tây Nguyên mở rộng
* Thưa ông, việc hợp nhất ba tỉnh thành một, theo ông có ý nghĩa gì về mặt quy hoạch và phát triển?

Kiến trúc sư Trần Đức Lộc, phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc tỉnh Lâm Đồng.
KTS Trần Đức Lộc: Đây là bước ngoặt, thậm chí là tiền lệ chưa từng có. Về hành chính, chúng ta xóa cấp huyện, gom 124 xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh. Nhưng sâu xa hơn, đây là bài toán tái thiết không gian phát triển quốc gia.
Trước kia, mỗi tỉnh có một chiến lược riêng, định hướng riêng. Nay phải tái định hình toàn bộ: không chỉ vẽ lại bản đồ, mà là "vẽ lại tư duy" phát triển cho một vùng địa lý rộng lớn từ 3 tỉnh cũ hợp nhất lại.
Địa lý Lâm Đồng "mới" trải dài từ cao nguyên 1.600m xuống biển Phú Quý, từ rừng nguyên sinh Tà Đùng đến resort Mũi Né. Địa danh, khí hậu, dân cư, sản vật... không cái gì trùng nhau.
Nghĩa là chúng ta đang có một thực thể mới mang cấu trúc đặc biệt: một "Việt Nam thu nhỏ" trong lòng Tây Nguyên mở rộng.
* Theo ông, yếu tố nào cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn đầu sáp nhập?
- Cơ hội thì rất lớn. Tỉnh mới có diện tích tự nhiên dẫn đầu cả nước (hơn 24.000km²), quỹ đất nông nghiệp hơn 1 triệu héc ta và đa dạng văn hóa từ ba nền tảng các dân tộc Tây Nguyên, Chăm và Việt. Bên cạnh đó là tài nguyên du lịch như Đà Lạt, Tà Đùng, Mũi Né, Phú Quý... có thể tạo nên một thương hiệu địa phương đặc biệt.

Vườn quốc gia Tà Đùng nhìn từ trên cao thuộc công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông - Ảnh: PHẠM QUANG HƯNG
Tuy nhiên thách thức cũng không ít. Các đồ án quy hoạch cũ gần như sẽ không còn hiệu lực do thay đổi mô hình hành chính. Chúng ta không thể dùng bản đồ cũ để vẽ một giấc mơ mới. Sẽ cần lập lại toàn bộ hệ thống quy hoạch xây dựng, từ cấp tỉnh tới từng phân khu, rõ nét đến từng đơn vị hành chính rộng lớn hơn xưa.
Khi xóa cấp huyện, các thiết chế pháp lý như Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và phân hạng đô thị… phải sửa theo. Do vậy các đồ án quy hoạch cấp huyện, cấp thị xã, thị trấn… sẽ không còn hiệu lực. Tỉnh mới cần có ngay những bộ quy hoạch theo quy chuẩn mới - hợp pháp, hợp lý và hợp thực tiễn.
Bản sắc không phải để gom lại, mà để tỏa sáng
* Nhiều người lo việc nhập tỉnh sẽ làm mất đi bản sắc từng vùng. Ông có đồng tình?
- Không! Quy hoạch đúng không bao giờ xóa bản sắc, mà là làm rõ nó. Mỗi vùng trong tỉnh mới - Đà Lạt, Gia Nghĩa, Phan Thiết - đều có văn hóa riêng. Tây Nguyên với cồng chiêng, Bình Thuận với lễ hội Katê, Đà Lạt với di sản Pháp thuộc và dân tộc bản địa K'Ho. Những điều đó phải được tôn trọng và đưa vào không gian sống của cộng đồng, thông qua kiến trúc - đô thị, không chỉ như bảo tàng mà chính là chất liệu sống.

Lễ hội Katê người Chăm ở Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Chúng ta không nên "gom" tất cả vào một đô thị trung tâm duy nhất. Mà chia theo mô hình tiểu khu, ví dụ: đô thị cửa khẩu, đô thị biển, phân vùng di sản, tiểu khu du lịch sinh thái… để mỗi phân vùng, hay tiểu khu có vai trò riêng và cơ hội tỏa sáng.
* Lâm Đồng "mới" sẽ dẫn đầu cả nước về diện tích. Nhưng còn về nội lực thì sao?
- Hơn 24.000km², hơn 3,3 triệu dân, GRDP đứng thứ 8 cả nước. Nhưng giá trị lớn nhất không nằm ở con số, mà là ở sự cộng hưởng.
Đắk Nông có 120km biên giới Campuchia, Bình Thuận có 192km bờ biển, Lâm Đồng có Đà Lạt - đô thị di sản. Nơi đây có thể kết nối cửa khẩu - sân bay - cảng biển - du lịch - nông nghiệp - công nghiệp. Cấu trúc địa hình từ rừng xuống biển, từ cao nguyên đến đảo xa. Đó là nền tảng để phát triển đa ngành, bền vững, thông minh và bản sắc.

Lâm Đồng mới sẽ có cấu trúc địa hình từ rừng xuống biển, từ cao nguyên đến đảo xa - Ảnh: TTO
* Trong bối cảnh đó, ông đề xuất định hướng quy hoạch chung ra sao?
- Trước hết, cần xác định rõ quan điểm: quy hoạch không nhằm đồng nhất hóa bản sắc, mà phải giữ được sự đa dạng. Đà Lạt vẫn phải là Đà Lạt, Phan Thiết vẫn là Phan Thiết, Gia Nghĩa vẫn mang hơi thở Tây Nguyên.
Cấu trúc quy hoạch nên chia thành các tiểu khu chức năng, chẳng hạn như tiểu khu hành chính, du lịch biển, đô thị cửa khẩu, vùng sinh thái, từ đó gắn kết lại thành bức tranh tổng thể của tỉnh…

Nhiều dự án hạ tầng lớn sẽ được triển khai sau sáp nhập các tỉnh để tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển - Ảnh: M.V.
* Về mặt bản sắc kiến trúc - một yếu tố rất quan trọng trong phát triển bền vững - ông nhìn nhận thế nào?
- Kiến trúc là bộ mặt văn hóa. Mỗi vùng miền trong tỉnh mới cần xác định công trình trọng điểm, không gian biểu tượng gắn với văn hóa địa phương. Từ tháp Chăm của Phan Thiết, di tích Bảo Đại tại Đà Lạt, đến các lễ hội Katê, cồng chiêng Tây Nguyên… đều có thể trở thành "chất liệu" tạo nên không gian đô thị mang đậm bản sắc của nơi chốn.
Chúng tôi đề xuất xây dựng đô thị biển Phú Quý theo hướng "Sentosa của Việt Nam", một đặc khu đô thị - kinh tế hiện đại nhưng đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

Chất liệu du lịch của Lâm Đồng mới được cộng hưởng từ "đặc sản" của các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận. Trong ảnh: Núi lửa Nâm Kar - Ảnh: TRẦN AN
Kỳ vọng 20 năm cho Lâm Đồng
Kiến trúc sư Trần Đức Lộc trao đổi thêm về kỳ vọng 20 năm cho Lâm Đồng. Ông nói: "Tôi tin Lâm Đồng mới sẽ không dừng ở một "tỉnh hợp nhất" mà sẽ trở thành một "tỉnh hội tụ" - nơi nhiều miền văn hóa cùng tồn tại, phát triển, đối thoại và lan tỏa. Một thực thể hành chính - kinh tế - văn hóa đặc biệt, dẫn đầu cả nước về mô hình quy hoạch đa vùng - đa ngành - đa bản sắc, tương xứng với thứ hạng quy mô diện tích tự nhiên rộng nhất cả nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận