TP.HCM đang hướng đến là một thành phố đẳng cấp quốc tế với tiêu chí "hiện đại, văn minh, nghĩa tình" và đang tiếp tục xây tổ để đón "đại bàng" cũng như đón 8 triệu khách du lịch quốc tế thì không nên có hàng nghìn xe rác thô sơ với hình ảnh phản cảm như thế.
Hơn nữa loại xe này không an toàn, xe quá cũ nát, không gương chiếu hậu, không còi, không đèn xi nhan, chưa kể người gom rác còn cơi nới thùng xe, chất rác cao ngất ngưởng quá tải trọng, rồi treo móc quanh xe rất nhiều bao tải chứa đồ ve chai... khiến người lái không quan sát được phía sau, rất nguy hiểm cho người ngồi trên xe rác và người đi đường.
Để hỗ trợ các đơn vị thu gom trong việc chuyển đổi phương tiện, từ năm 2018 quỹ bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đã triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn chuyển đổi phương tiện.
Nhưng từ đó đến nay chủ trương này chưa thực hiện được, mà một trong những nguyên nhân là người thu gom rác không đủ tài chính để mua một chiếc xe tải nhỏ chở rác loại 500kg có giá hơn 400 triệu đồng, trong khi sắm một chiếc xe rác tự chế chỉ khoảng 20 triệu đồng.
Người thu gom rác cũng đưa ra cái lý của mình là nếu không dùng loại xe tải này thì rất khó vào các hẻm nhỏ để thu gom rác.
Hơn thế nữa muốn chạy xe tải hạng nhẹ thì người lái phải có bằng B2, trong khi những người thu gom rác hầu như không ai có bằng lái xe.
Nhưng nhận thấy tình hình không thể kéo dài thêm được nữa, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa chính thức kiến nghị không để tình trạng xe rác thô sơ chạy trên đường phố.
Tuy nhiên để hiện thực hóa chủ trương này, một văn bản hành chính là không đủ mà cần có những chính sách cụ thể.
Trước tiên quan trọng nhất là cơ quan công quyền phải đặt hàng để các công ty sản xuất như Samco, Trường Hải chế tạo một loại xe phù hợp với hoàn cảnh của TP.HCM: nhỏ gọn để có thể đi vào các hẻm, nhưng phải chứa được nhiều rác cho một lần lấy, tức là phải có bộ phận nén rác để nhỏ khối tích lại, có ngăn chứa nước rỉ rác riêng; kín đáo không phát mùi hôi khi di chuyển.
Về mặt tài chính cũng cần đa dạng các nguồn. Các hợp tác xã, doanh nghiệp môi trường, công ty công ích có thể mua xe và giao cho các cá nhân sử dụng rồi chia lợi nhuận theo tỉ lệ giống như một số công ty taxi, Grab đang áp dụng hiện nay.
Các nhà máy đốt rác, các công ty xử lý rác thải có thể hỗ trợ người dân mua xe chở rác như một phần trong chi phí đầu vào, bởi nếu không có rác thì các nhà máy đốt rác, các bãi chôn lấp rác sẽ gặp khó khăn.
Ngoài ra thành phố cần có các giải pháp thông qua các quỹ hỗ trợ về tài chính để người dân có thể mua xe hoặc cho vay với lãi suất rất thấp, được mua trả góp.
Tóm lại cần phải có động lực tài chính đủ mạnh mới xoay chuyển được tình hình, không nên khoán trắng, đẩy cái khó về phía người thu gom rác vì nếu không có giải pháp quyết liệt thì tình hình cứ lình xình mãi, năm nào cũng nhắc đến rồi đâu lại hoàn đấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận