Hiện nay trên các tuyến đường ở TP.HCM không khó bắt gặp những chiếc xe thô sơ, cũ kỹ gom rác chở đầy ắp các loại rác thải giữa dòng xe đông đúc. Thỉnh thoảng chiếc xe rác lạch cạch chạy ngang qua, người đi đường bỗng giật mình hoặc lấy tay che mũi vì mùi hôi từ rác bốc lên.
Những chiếc xe rác "nhiều không"
Từ khoảng 16h chiều đến 9h sáng hôm sau là lúc các xe gom rác hoạt động rầm rộ nhất. Đỉnh điểm là lúc tờ mờ sáng, xe gom rác, xe ép rác chạy vù vù trên các tuyến đường, tuyến hẻm của thành phố.
Những chiếc xe rác chất cao vút, xung quanh thùng treo thêm những chiếc bao tải. Thậm chí có xe còn "cõng" theo một thùng rác. Nhiều xe cũ nát, không có gương chiếu hậu, nếu có cũng không thể quan sát vì thùng xe phía sau che khuất, trong khi lái xe không đội nón bảo hiểm.
Những chiếc xe quá khổ quá tải cứ vậy lao vun vút khiến người đi đường e ngại.
Thỉnh thoảng bắt gặp xe rác đang chạy, một người đứng trên thùng xe loay hoay phân loại rác. Chỉ cần một cú đánh lái hoặc thắng gấp là người đứng trên thùng có thể rơi xuống đường.
Anh Vũ Thanh (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) kể sáng sớm đi làm trên đường Phạm Văn Đồng, thỉnh thoảng anh lại dừng chờ đèn đỏ cạnh một chiếc xe chở đầy rác, rỉ nước bốc mùi hôi hoặc mỗi lần đi sau những chiếc xe này đều phải tìm cách vượt lên thật nhanh, nếu không phải "chịu trận".
"Công việc của những người thu gom rác rất đáng được tôn trọng, nhưng những chiếc xe gom rác đã quá cũ kỹ và không còn phù hợp với thành phố. Mong sao các kỹ sư có thể thiết kế ra một loại xe hiện đại hơn để thay thế" - anh Thanh nói.
Chị Kiều Trang (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) thì ví các xe gom rác giống như chiếc xe "nhiều không": không đèn, không an toàn… Nhiều lúc đang chạy đột ngột rẽ mà không thấy đèn xi nhan ở đâu, tài xế ngồi trước cũng mất hút bởi thùng xe đựng rác che khuất.
Người gom rác nói gì?
Chị H.A., làm việc cho một đường dây thu gom rác, chia sẻ lương tháng của chị được 6 triệu đồng và được công ty cấp cho một thùng loại nhỏ. Chị H.A. tự sắm xe máy, rồi mang tới tiệm sửa xe chế ra một điểm gắn với thùng của công ty.
Công việc mỗi ngày của chị H.A. bắt đầu từ lúc 1h sáng. Đầu tiên chạy xe máy tới điểm tập kết xe thùng, rồi kéo xe thùng này đi tới các con đường nhỏ, hẻm nhỏ trong khu vực mình được giao để gom rác.
Sau khi đầy xe thì chạy tới vị trí xe ép rác đang đậu để chuyển hết rác lên cho xe ép, rồi tiếp tục kéo thùng đi gom rác ở nơi khác.
Mỗi đêm chị lấy khoảng 5 xe rác, công việc kết thúc lúc 9h sáng. Chị chạy xe về nghỉ ngơi rồi tìm thêm công việc khác để làm vào buổi chiều.
"Có những con hẻm chỉ vừa lọt một chiếc xe như thế này, nếu thay xe lớn hơn thì không thể nào chạy được. Mà đâu phải xe nào tôi cũng lái được, tôi phụ nữ mà giờ đưa mấy chiếc xe tải nhỏ nhỏ là thua, chỉ có cách nghỉ việc", chị H.A. nói.
Trong khi đó, anh T.S. cho biết không nhận xe của công ty mà tự sắm cho mình một chiếc giá gần 20 triệu. Do xe công ty cấp thùng nhỏ, lấy nhanh đầy, phải chạy nhiều vòng nên anh S. đóng chiếc xe thùng lớn hơn. Một đêm anh chạy 3 chuyến là hết.
Theo anh S., chiếc xe của anh mới đóng được 2 năm, còn mới và có thể dùng thêm nhiều năm nữa. Nếu giờ bỏ chiếc xe này chuyển qua một xe khác thì hơi tiếc, mà mua xe đẹp hơn thì làm gì đủ tiền.
"Đường dây rác của tôi có vài chiếc xe tải nhỏ mà cũng không chạy vào hẻm được, toàn đậu đầu hẻm rồi vào trong kéo rác ra. Xe đó công ty mua, chứ vài trăm triệu một chiếc sao tôi mua nổi, mà lái chiếc đó phải có bằng ô tô" - anh S. chia sẻ.
Anh T.V.T., một người gom rác ở Thủ Đức, cho biết xe thùng anh dùng cũng tự đóng hết 18 triệu. Anh làm công việc này đã hơn 10 năm, ban đầu dùng xe công ty cấp nhưng theo thời gian thùng xe mục nát nên anh phải đóng lại thùng mới. Mỗi đêm anh chạy 4 chuyến, mỗi tháng được nhận 8 triệu.
Anh T. cho biết mỗi xe gom rác đều có bao tải treo quanh thùng để dựng ve chai, vừa gom rác vừa nhặt ve chai kiếm thêm. Một đêm kiếm được khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
Do công việc thu gom này được khoán nên có người đi cả hai vợ chồng, có người rủ thêm bà con làm chung. Làm nhanh xong sớm để về đi làm việc khác, chứ tháng có mấy triệu không đủ sống.
"Giờ bỏ hết xe lôi để chuyển qua xe khác thì rất khó cho chúng tôi. Tôi nghe nói mua một chiếc nhỏ nhỏ cũng hết vài trăm triệu mà lương tháng của tôi có vài triệu sao mua nổi. Nếu chủ đường dây rác hoặc Nhà nước có hỗ trợ thì may ra mới mua được" - anh T. tâm sự.
Theo tìm hiểu từ một công ty chuyên bán xe chở rác trên thị trường, một chiếc xe tải nhỏ chở rác loại 500kg có giá hơn 400 triệu đồng.
Nhân viên công ty cho biết muốn lái xe này phải có bằng B2 trở lên và chạy vào hẻm thì phải hẻm ô tô, hẻm thông vì xe này thiết kế như một chiếc xe tải, rất khó quay đầu trong các hẻm nhỏ.
TP.HCM đã có những biện pháp chuyển đổi hài hòa
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết xe rác thô sơ chạy trên đường có thể gây ra cản trở giao thông do hầu hết tự chế, không đạt chuẩn.
Từ năm 2010, TP.HCM đã có chủ trương hạn chế xe cơ giới và xe thô sơ ba bốn bánh trên địa bàn để cải thiện giao thông. Các đơn vị cũng có chính sách để chuyển đổi xe cho người dân. Dự kiến sau năm 2025 sẽ chấm dứt hoạt động hoàn toàn đối với những xe này.
Tuy nhiên thời gian qua nhiều trường hợp vẫn tiếp tục sử dụng xe thô sơ, tự chế, không được kiểm định… đi lại, vận chuyển gây nguy cơ va chạm với xe khác trên đường.
Trước thực tế này, sở có công văn kiến nghị UBND các quận huyện, TP Thủ Đức tuyệt đối không để tình trạng phổ biến hiện nay của các đơn vị thu gom rác là sử dụng xe máy để thồ, kéo các xe rác, thùng rác chạy trên đường.
Đối với trường hợp vi phạm, lực lượng công an tiến hành tuần tra, kiểm tra và xử phạt xe mù, xe mờ tự chế, thô sơ…
Trả lời thắc mắc của người dân về việc nếu cấm loại xe nói trên thì việc vận chuyển rác từ hẻm nhỏ, khu dân cư xa trung tâm có gặp khó khăn, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu có hướng giải quyết hài hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận