03/07/2024 09:32 GMT+7

Phân loại và thu gom rác 6 tháng: Món nợ hàng chục năm

ĐẶNG VY
và 1 tác giả khác

Các nước đã phân loại rác thải sinh hoạt từ hàng chục năm nay. Vì sao chúng ta vẫn còn than khó? Sáu tháng nữa, người dân không phân loại rác sẽ bị phạt tiền. Pháp luật quy định rồi, chuẩn bị gì để nhà nhà đều phân loại rác?

Rác chưa phân loại chất đống tại ngõ 95, phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Rác chưa phân loại chất đống tại ngõ 95, phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Theo nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định sau ngày 31-12-2024, người dân không phân loại rác thải sinh hoạt có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương phải phân loại rác thải sinh hoạt từ 1-1-2025. Đến nay, đã có nơi nào làm tốt việc này?

Phân loại được chứ, nhưng...

Phân loại rác, dễ hay khó? Đó là việc quá dễ, kể cả với trẻ em. Điều này là thực tế ở nhiều nước.

Trẻ em Việt Nam cũng có thể nói được về các loại rác, các em cũng có biết phân loại bỏ rác và bỏ rác đúng nơi, đúng thùng nếu xung quanh em có đủ những thùng cho từng loại rác.

Còn người lớn thì sao? Hầu như nhà ai cũng biết phân loại và để riêng những loại rác có thể tái chế để dành bán ve chai hoặc cho người thu gom rác. Rác mau phân hủy (thường có mùi) để vào túi riêng mang ra trước nhà chờ gom đi.

Nhiều nhà bỏ chung tất cả vào túi rác mang ra trước nhà, những người nhặt ve chai đến lựa rác có thể tái chế gom đi. Bởi vì rác này là thu nhập với họ.

Có thể thấy, ai cũng có thể phân rác sinh hoạt thành hai loại. Nhưng cách phân loại này có thể chưa đúng với quy định về phân loại rác.

Tôi chắc rằng nhiều người sẽ tự hỏi: Vậy phân loại rác sao cho đúng? Có bao nhiêu người biết chắc phân loại rác sao cho đúng, phân làm hai loại hay ba loại, cụ thể ra sao? Cái khó nằm ở chỗ này.

Rác hiện nay phải phân thành mấy nhóm? Các địa phương có quy định thống nhất nhau không? Chỉ riêng khu phố tôi trước đây được yêu cầu phân thành hai loại, bốn năm qua nhà làm nhà chưa làm, giờ lại nghe nói sắp tới rác sẽ phân thành ba loại.

Phân loại rác là việc không khó nhưng lại rất khó làm khi người dân chưa hiểu rõ và cũng thờ ơ, chưa quan tâm việc phải phân loại rác nào với rác nào.

Về việc này, cần có quy định thống nhất cả nước về các loại rác, cần sự tuyên truyền hiệu quả hơn để đến 31-12-2024 nhà nhà có thể sẵn sàng phân loại rác. Điều này đến nay chưa có chuyển biến rõ nét.

Bây giờ không tăng tốc mọi thứ cho việc phân loại rác thì còn chờ đến bao giờ! Việc phân loại rác nên cương quyết làm bắt đầu từ công sở, từ các chung cư, khu đô thị, từ đó lan dần đến những hẻm nhỏ, nơi xa và vùng nông thôn.

Vội vàng lên với chứ!

Người dân sẽ phân loại rác vì không muốn bị phạt tiền. Nhưng việc phân loại rác còn có ý nghĩa lớn cho sự thay đổi môi trường sống, là nguồn lợi từ rác tái chế, cùng thay đổi thói quen xử lý rác.

Nhiều năm trước, các địa phương ở Hà Nội, TP.HCM đã thí điểm phân loại rác. Nay hiệu quả đến đâu hay còn vướng mắc chỗ nào, hướng tháo gỡ ra sao trước 1-1-2025?

Cần có đánh giá lại việc thí điểm phân loại rác để nhân rộng mô hình, rút kinh nghiệm ở những nơi làm chưa tốt. Từ đó có hướng xử lý dứt điểm và tìm giải pháp kiên quyết với việc phân loại rác.

Cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao phân loại rác làm mãi không được, sự trì trệ ở đâu? Đây là việc khó hơn nhiều so với việc quy định và xử phạt hành vi không phân loại rác.

Sáu tháng nữa, thời gian gấp rút lắm rồi nhưng người dân vẫn còn thờ ơ. Sự chuẩn bị phương tiện cho thu gom rác phân loại, công nghệ xử lý rác phân loại sẽ thay đổi như thế nào? Còn quá nhiều việc ngổn ngang trước giờ G.

Làm sao để chạy cho nhanh, cho kịp? Chờ mong thấy Việt Nam xanh, từ việc phân loại rác mỗi ngày ở mỗi nhà, từng cơ quan, chờ quá lâu rồi!

Hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - nơi thí điểm phân loại rác của TP - nay đã không còn thực hiện. Rác chưa phân loại gom vào thùng chờ mang đi - Ảnh: NGỌC QUÝ

Hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - nơi thí điểm phân loại rác của TP - nay đã không còn thực hiện. Rác chưa phân loại gom vào thùng chờ mang đi - Ảnh: NGỌC QUÝ

Những điều cần chuẩn hóa

Trước hết, công dân chúng tôi cần biết rõ để thuộc lòng quy định về phân loại các nhóm rác. Rác sẽ phân làm mấy nhóm?

Việc này cần quy chuẩn cấp quốc gia, các tỉnh thành thống nhất thực hiện. Không nên có quy định riêng, cách là khác. Có như vậy, người dân mới thuộc nằm lòng và nghiêm túc thực hiện.

Thứ hai là phương tiện thu gom rác đã phân loại tại nguồn. Phương tiện nào, xe to hay xe nhỏ tùy thuộc vào điều kiện từng nơi nhưng nhất định phải đảm bảo cho việc để riêng rác đã phân loại.

Khi xe thu gom rác đã đạt chuẩn, người thu gom có thể từ chối rác chưa phân loại. Những loại rác lớn xe không thu gom được cần nơi tập trung hoặc có kế hoạch thu gom định kỳ (có thu phí thỏa thuận).

Việc này cần sự giám sát từ chính quyền địa phương bởi đây là chính sách dân sinh, vì môi trường sống, trách nhiệm không của riêng ai.

Điểm thu gom rác dân lập khu vực đường Tân Phước, quận 10, TP.HCM, sáng 29-6 - Ảnh: TỰ TRUNG

Điểm thu gom rác dân lập khu vực đường Tân Phước, quận 10, TP.HCM, sáng 29-6 - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ sự giám sát của địa phương, mọi lấn cấn giữa người dân và bên thu gom rác sẽ được giải quyết nhanh hơn, đẩy tiến độ phân loại rác tại nguồn chạy nhanh hơn hiện tại.

Điều tôi mong nhất là phải có chuẩn về túi đựng rác. Nên có 3 - 4 màu chuẩn, mỗi màu đựng loại rác theo đúng quy định (nhiều cỡ từ nhỏ đến lớn đáp ứng nhu cầu mỗi nhà). Trên những túi rác có in chữ và hình các loại rác đựng trong túi rác màu đó.

Đây là cách nhắc nhau nhớ bỏ rác đúng loại vào đúng màu túi đựng rác. Người thu gom nhìn thấy cũng dễ dàng để riêng, không phải xé bao, bới rác rồi phân loại như thường thấy.

Việc sản xuất túi đựng rác sẽ không lo đầu ra. Tất nhiên, cần có quy định thống nhất về màu sắc túi đựng với từng loại rác sau phân loại.

Cùng với đó là những thùng đựng rác có nắp với màu sắc tương ứng để nhắc nhau bỏ rác nào vào thùng (màu) nấy. Việc này không mới với các nước nhưng Việt Nam chưa có.

Cần nhân rộng việc thu tiền rác qua app

Theo đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (rác sinh hoạt) tại quận Bình Tân, TP.HCM, các phường trên địa bàn sẽ thu tiền rác qua app.

Người dân sẽ không còn phải đóng tiền rác cho lực lượng thu gom. Các phường sẽ trực tiếp thu nguồn tiền này qua ứng dụng. Sau đó phường sẽ chi trả cho lực lượng thu gom, vận chuyển. Nhiều bạn đọc phản hồi đồng tình ủng hộ cách làm này.

Bạn đọc Kén có ý kiến ủng hộ việc thu tiền qua app và nên nhân rộng, thực hiện toàn TP. Tương tự, bạn đọc Hanh Nguyen cũng cho rằng nên nhân rộng ra nhiều nơi, tránh tình trạng mỗi nơi thu tiền rác một kiểu.

Ở góc nhìn khác, có bạn đọc còn băn khoăn có thể phát sinh bất cập. Tài khoản leth****@gmail.com bình luận: "Tiền rác đến thu hằng tháng, nhiều hộ còn hẹn tới hẹn lui, thu qua app thì khi nào đơn vị thu gom mới nhận được tiền!

Chưa kể đến khó khăn vì nhiều người không quen dùng app. Nếu thu tiền rác qua app nên thu phí vận chuyển thôi, còn tiền rác tự đơn vị thu gom thu để trả cho người trực tiếp thu gom rác".

Độc giả Hanna có ý kiến: "Khu vực tôi sống hiện đang thu tiền rác 65.000 đồng/tháng nhưng có một số hộ chọn cách đóng riêng cho người thu gom không có biên lai chỉ 30.000 đồng/tháng. Việc dùng app, có khó nhưng có cách khắc phục.

Thực tế với tiền điện, nước hiện tại nhiều người cũng không biết dùng app nhưng có thể nhờ đóng giùm, hoặc đến thanh toán tại các điểm thu hộ, không có gì bất cập cả!".

Còn bạn đọc Hùng đề xuất: "Có thể linh động thu tiền mặt cũng được, nhưng vẫn cần cái app để đánh giá, ghi nhận phản ảnh hơn".

Đồng tình, bạn đọc Ng viết: "Việc thu tiền qua app còn nắm bắt được phản ảnh của cư dân xem đơn vị thu gom có làm tốt hay không, có đổ rác đúng lịch hay không. Từ đó, đơn vị thu gom sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ".

Bạn đọc Linh Chi cũng nhận xét qua app thu tiền rác, các cơ quan chức năng và người dân có thể quản lý, giám sát việc thực hiện thu gom rác một cách dễ dàng, minh bạch".

Phân loại và thu gom rác 6 tháng: Món nợ hàng chục năm- Ảnh 10.

Nâng cao nhận thức về phân loại rác thải cho giới trẻNâng cao nhận thức về phân loại rác thải cho giới trẻ

Người Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường, song tỉ lệ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường vẫn chưa cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên