Chương trình giải trí truyền hình: bão hòa và những lùm xùm
Những chương trình như Sao Mai điểm hẹn, Bài hát Việt, Thần tượng âm nhạc không còn sức hấp dẫn như dạo mới ra mắt. Bù vào đó là những chương trình mới như Giọng hát Việt, Tìm kiếm tài năng Việt, Thử thách cùng bước nhảy...
Nhưng chuyện gây dư luận lại là những lùm xùm quanh chương trình. Nổi cộm nhất là nghi án “dàn xếp” kết quả của chương trình Giọng hát Việt, khi một đoạn clip tố cáo chương trình này dàn xếp kết quả được tung lên mạng. Cục Nghệ thuật biểu diễn phải có công văn yêu cầu VTV và Công ty Cát Tiên Sa báo cáo vụ việc này.
Clip "Những sự thật đằng sau Giọng hát Việt 2012?" được đăng tải trên YouTube gây xôn xao dự luận - Nguồn: YouTube |
Chương trình Tìm kiếm tài năng Việt trong mùa đầu tiên ra mắt bên cạnh chuyện thu hút sự tham gia của đông đảo khán giả cũng đã lùm xùm chuyện mẹ của một thí sinh nhí phản biện ban giám khảo, kéo theo hàng loạt tranh cãi sau đó.
Bước nhảy hoàn vũ ồn ào với nghi án Minh Hằng đạo ý tưởng. Một chương trình dành cho thiếu nhi như Đồ rê mí cũng làm người lớn lo lắng khi thiếu vắng sự hồn nhiên, trong sáng...
Phóng to |
Minh Hằng đầy gợi cảm trong bellydance (múa Ả Rập) tại cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2012 |
Mời xem thêm hồ sơ Truyền hình thực tế - Từ sàn diễn đến cuộc đời
Điểm sáng của những chương trình truyền hình thực tế năm qua có vẻ thuộc về một chương trình dành cho người cao tuổi là Tiếng hát mãi xanh, và một chương trình dành cho niềm đam mê nhảy, múa: Thử thách cùng bước nhảy... khi cả hai chương trình này rất thu hút khán giả mà không có chiêu trò lộn xộn gì.
Có thể kể thêm một số chuyện lùm xùm khác trong làng giải trí năm 2012 như Cao Thái Sơn bị phạt 4,5 triệu đồng vì hát nhép, Trọng Tấn, Anh Thơ bị cấm biểu diễn một thời gian, câu chuyện ông bầu Phước Sang bị tố quỵt nợ, vụ việc ca sĩ L.T gửi thư tố cáo ông ông bầu V. gạt tiền, gạt tình, chuyện đường dây người mẫu bán dâm giá 2.500 USD và những vụ kiện của “Á hậu xế độ” Tuyết Nhung, diễn viên Ngân Khánh vì những bài viết ám chỉ ở trên các trang mạng. |
Chuyện phản cảm và những món tiền phạt như gãi ngứa
Nóng nhất là câu chuyện Đàm Vĩnh Hưng hôn môi sư thầy trong một một đêm nhạc gây quỹ cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh chữa bệnh đã làm dư luận rất bất bình. Vì chuyện này, Đàm Vĩnh Hưng sau đó đã bị cơ quan chức năng xử phạt 5 triệu đồng, một mức phạt có thể được xem là quá thấp so với những ảnh hưởng mà hành động này gây ra.
Tuy nhiên, vì hành động này, Đàm Vĩnh Hưng đã không được nhận giải thường Làn sóng xanh cho dù ca sĩ này nhận đủ số phiếu bình chọn. Hành động này được đánh giá là hành động quyết liệt của chương trình Làn sóng xanh.
Nóng không kém chính là vấn đề trang phục trong biểu diễn... khi trên các sàn diễn lần lượt xuất hiện những trường hợp lộ hàng được/bị nhiều báo mạng mau chóng phát tán. Đây là chuyện đã từng xuất hiện, năm 2012 không vì thế mà "thuyên giảm".
Tháng 5, ca sĩ Thu Minh vì việc ăn mặc "thiếu vải" trong đêm nhạc Ngàn sao hội tụ đã bị phạt 3,5 triệu đồng. Mức phạt này bị dư luận đánh giá là nhẹ hều khi trước đó đã có nhiều vụ việc tương tự diễn ra, đến mức ông Vương Duy Biên, lúc đó là cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ đã cho rằng: Hoạt động biểu diễn quá nhiều phản cảm.
Cần lưu ý thêm, trong hội nghị giao ban trực tuyến của ngành văn hóa vào ngày 19-10, nửa năm sau khi chỉ thị 65 về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang được ban hành, chính các cơ quan quản lý thừa nhận: Việc quản lý nghệ thuật biểu diễn đang có tình trạng lúng túng kiểm tra, xử phạt dễ dãi.
Để rồi cuối năm lại thấy một vụ việc tương tự: người mẫu Hoàng Yến mặc áo hở ngực trong chương trình Đam mê hội tụ - Hương sắc VN 2012 tối 20-12 tại TP.HCM.
Những bữa tiệc nghệ thuật
Năm qua, với không khí giao lưu văn hóa, khán giả tha hồ được thưởng thức những bữa tiệc hoành tráng mang tầm quốc tế. Có thể liệt kê hàng loạt sự kiện như Festival Huế 2012 (tháng 4), liên hoan âm nhạc bộ gõ quốc tế (tháng 10), liên hoan âm nhạc châu Âu (tháng 11-12), liên hoan phim quốc tế Hà Nội (tháng 11), liên hoan quốc tế phim Nhân học (tháng 11), liên hoan múa rối quốc tế (tháng 9), liên hoan phim Việt – Hàn (tháng 12), đại nhạc hội K-Pop Việt - Hàn (tháng 11), liên hoan phim Đức (tháng 9-10), liên hoan phim hài Nhật Bản (tháng 10-11-12), Tuần lễ văn hóa Tây Ban Nha tại TP.HCM (tháng 11).
Nhưng nóng lên sau những hoạt động này chính là chuyện các fan trẻ với những biểu hiện sùng bái quá sức tưởng tượng dành cho những thần tượng Hàn.
Phóng to |
Quang cảnh đêm bế mạc Festival Huế 2012 - Ảnh tư liệu |
Câu chuyện Nghe có ý thức với việc kêu gọi mọi người hãy dừng lại việc sử dụng những bản ghi không hợp pháp cũng có thể xem là một hoạt động đáng chú ý của làng giải trí Việt 2012. |
Ở mức độ quốc gia là liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại Đồng Nai (tháng 10), liên hoan sân khấu kịch tại Huế (tháng 7), nhưng xem ra cách thức tổ chức vẫn bị đánh giá là đơn điệu, thiếu thu hút.
Cũng cần phải kể đến sự ra đời của những chương trình đầu tư nghiêm túc (và tiền nào của nấy nên giá cũng chẳng mấy rẻ?) như live show Như chờ từng giấc mơ (nhạc sĩ Trần Tiến), chương trình sân khấu Tạ ơn đời (của nghệ sĩ nhân dân Kim Cương), tour miễn phí qua 6 trường đại học của ca sĩ Uyên Linh, tour diễn Và em sẽ hát của Mỹ Linh, live show Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thủy, live show Dương Thụ - những câu chuyện kể của tôi....
Ngoài ra, những chương trình như múa Sương sớm, vũ kịch Kẹp hạt dẻ; hòa nhạc Giai điệu trẻ, các đêm nhạc In the spot light như Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa, Hồng Nhung - Có phải em mùa thu Hà Nội, đêm nhạc của ca sĩ Bằng Kiều sau một thời gian dài xa cách quê hương, hay mới nhất là đêm nhạc Người hát tình ca của ca sĩ Uyên Linh cũng góp cho đời sống giải trí nghệ thuật thêm phần màu sắc.
Cũng có thể kể đến một số hoạt động âm nhạc ngoài trời như chương trình LUALA concert tại Hà Nội, chương trình Tôi yêu sự sẻ chia ở các công viên tại Hà Nội và tại TP.HCM.
Tuy nhiên phần lớn sự kiện văn hóa nói trên đều chủ yếu diễn ra tại các khu trung tâm các thành phố lớn, lại có giá vé khá cao nên khán giả ngoại thành, tỉnh lẻ đành chịu thiệt thòi.
Buồn hơn, khán giả những nơi này còn phải chịu những quả lừa như vụ việc người dân tỉnh Bến Tre phẫn nộ đập phá vì nơi thì đơn vị tổ chức đã ôm tiền bỏ trốn khi chưa diễn tiết mục nào, nơi thì không có ca sĩ như quảng cáo, hay vụ việc quảng cáo “nhái” chương trình Đồ Rê Mí tại Khánh Hòa; hoặc "ăn theo" Đồ Rê Mí tại Bình Dương.
Những hoạt động thiện nguyện
Trong "bức tranh" lắm màu tối của những xìcăngđan, những lùm xùm, cũng sáng lên nhiều câu chuyện đẹp của các nghệ sĩ Việt. Ấy là việc tham gia thiện nguyện cho các chương trình như Hành trình Thiện Nhân – hát cho hành trình trả lại giới tính; Thương, đêm nhạc gây quỹ giúp bệnh nhi ung thư; quyên góp giúp ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, xem phim Hành trình, ủng hộ trẻ em bị bệnh tim; loạt hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện...
Và có thể kể đến việc hơn 260 nghệ sĩ cùng tham gia thực hiện DVD Biển đảo quê hương, mà theo các nghệ sĩ, đây cũng là cách để góp thêm viên đá xây dựng Trường Sa.
Phóng to |
Wanbi Tuấn Anh hát Cám ơn khiến đồng nghiệp và khán giả rơi nước mắt - Ảnh tư liệu |
Mong rằng trong năm 2013 sẽ có thêm nhiều hoạt động thiện nguyện, có thêm nhiều bữa tiệc nghệ thuật, nhiều chương trình truyền hình chất lượng dành cho khán giả cả nước.
Và cũng mong nhà quản lý làm tốt hơn vai trò của mình để những xìcăngđan sẽ không còn đất sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận