18/10/2012 06:24 GMT+7

Chúng ta thiếu ý thức nghĩ xa

NGUYỄN QUANG DŨNG
NGUYỄN QUANG DŨNG

TT - LTS: Câu chuyện “Nghe có ý thức” (Tuổi Trẻ ngày 9-10) tưởng như chỉ là lời “đánh động” vui vẻ từ một số nhạc sĩ tại Việt Nam nhưng đã nhanh chóng được hưởng ứng, mở ra nhiều suy nghĩ cho người trong cuộc.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.

SjYmcaAs.jpgPhóng to

Các thí sinh Vietnam Idol 2012 hưởng ứng phong trào “Nghe có ý thức” trong đêm gala công bố kết quả tối 12-10 - Ảnh: Gia Tiến

Chiến dịch “Nghe có ý thức” của hai người bạn nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn khởi xướng đang kêu gọi sự tôn trọng bản quyền trong âm nhạc. Ý thức đó phải có, nhưng chỉ từ phía người nghe thì chưa đủ.

Cần nhìn về ý thức của những người làm nghề

Hiện nay có rất nhiều trang web chia sẻ âm nhạc miễn phí cho khán giả tải tự do hoặc có thu tiền bản quyền nhưng không minh bạch, không biết có đến được đúng những người đã tạo ra sản phẩm hay không. Rõ ràng thói quen nghe nhạc miễn phí trên mạng với dung lượng rất thấp, người nghe nhạc từ từ biến mình thành người nghe dễ dãi. Vì với chất lượng đó, họ nghe chỉ đủ để hiểu giai điệu và ca từ - nội dung bài hát chứ không làm sao cảm nhận được cái hay của hòa âm phối khí, những âm thanh tinh tế hay cái hay của kỹ thuật “mix” âm thanh. Khán giả cũng có thể nói: “Ờ thì tôi chỉ cần như thế, không cần gì cao siêu, lắm chuyện phân tích tinh tế. Cũng giống như các anh ra chợ trời mua hàng nhái với hàng chính hãng thì hình dáng và nội dung cũng giống nhau vậy thôi, nhìn xa ai mà biết”. Đấy, hiện nay số đông công chúng ta là thế. Họ vốn hồn nhiên giống như người đi mua hàng thôi.

Ý thức người tiêu dùng luôn cần thiết cho xã hội, vì có thể với mặt hàng này họ là người tiêu dùng, nhưng với mặt hàng khác họ lại là người sản xuất. Như chúng ta thường nói, chỉ khi nào “gặp chuyện” của mình thì mới trách sao người khác không tôn trọng, nhưng hình như chúng ta ít khi tự đặt câu hỏi “mình đã tôn trọng người khác chưa?”. Và cứ luẩn quẩn như thế, chúng ta chỉ quan tâm đến cái lợi của riêng mình, còn cộng đồng và xã hội thì bỏ mặc. Nên có thể rút ra một điều: chúng ta đang thiếu ý thức nghĩ xa.

Nếu muốn đòi hỏi ý thức của người tiêu dùng, cụ thể là ý thức của khán giả nghe nhạc, tôi nghĩ đầu tiên chúng ta cần nhìn về ý thức của những người làm nghề, đó mới là điều quan trọng. Cần phải có ý thức bảo vệ môi trường nghề nghiệp, bảo vệ đồng nghiệp và coi đó cũng là ý thức bảo vệ chính mình.

Tôi làm live show cho ca sĩ cũng nhiều. Điều mà tôi nghe họ hay than là live show ca sĩ ngày càng khó có doanh thu. Làm sao mà có doanh thu được khi họ chạy sô mỗi ngày ở các loại sự kiện miễn phí, các loại quán bar. Khán giả muốn gặp ngôi sao quá dễ! Trong khi trước đây, mỗi năm chỉ có một hoặc hai sô như Làn sóng xanh, Duyên dáng Việt Nam thì mới hội tụ đủ các sao, còn bây giờ sự kiện bình thường cũng có thể mời đạo diễn “xịn” nhất với hàng chục ngôi sao. Khán giả thì được xem miễn phí, có khi không cần phải bước ra khỏi nhà vì hầu như tuần nào truyền hình cũng trực tiếp sự kiện nào đó trên một kênh nào đó với đủ mặt các sao... Vậy có lý do gì để mong chờ live show của ca sĩ?

Vì những cái lợi trước mắt

Trở lại với việc chia sẻ âm nhạc. Tôi nghĩ nếu như các ca sĩ, nhạc sĩ ăn khách hàng đầu Việt Nam cùng ngồi lại với nhau, cùng chống đối hay kêu gọi rút tất cả các sản phẩm đang có trên các trang web chia sẻ không có bản quyền và đề nghị pháp luật ngăn chặn thì chắc sẽ thiết thực hơn. Nhưng điều đó khó. Có rất nhiều ngôi sao tự đưa sản phẩm của mình rồi còn trả thêm tiền hay dùng quan hệ để được tăng view, để đứng thứ hạng cao trên bảng xếp hạng các trang web ấy. Đơn giản họ vẫn nghĩ đến cái lợi trước mắt cho riêng mình, làm sao nhanh nổi tiếng hay giữ vị trí cao, có nhiều sô mỗi ngày.

Chưa ở đâu mà tôi thấy nghệ sĩ lại tự hào khoe là một ngày mình có mấy sô. Chưa ở đâu mà tôi thấy người ta dùng sản phẩm “lậu” một cách ngang nhiên mà không chút ngại ngùng như ở ta. Bởi vì sao? Rõ ràng chúng ta - cả người tiêu dùng và người tạo ra sản phẩm - vẫn loanh quanh với những cái lợi trước mắt cho riêng mình.

“Đoàn kết” - cái từ quá quen nhưng nay dường như chỉ như một từ hơi sáo rỗng, có tính khẩu hiệu thế thôi. Càng ngày nó càng trở nên xa lạ trong môi trường cạnh tranh, bởi vì chúng ta chưa tìm ra được lý do có lợi trong việc bắt tay nhau, đồng lòng làm một việc gì đó lợi ích cho cộng đồng, cho môi trường nghề nghiệp trước để rồi sẽ nhận được lợi cho mình. Có lẽ vì thế mà chưa bao giờ chúng ta có những hiệp hội ca sĩ, hiệp hội ghi âm đúng nghĩa... để bảo vệ quyền lợi chung.

Chiến dịch “Nghe có ý thức” của nhạc sĩ Quốc Trung và nhạc sĩ Huy Tuấn, theo tôi, là cần thiết cho cái thời “loạn lạc” như thế này, nhưng chưa đủ và rồi cũng sẽ tắt lịm như những lời than thân trách phận, nếu như đồng nghiệp của họ không chung tay đủ mạnh để pháp luật can thiệp một cách mạnh mẽ. Ý thức sẽ hình thành khi người ta hiểu rõ tốt - xấu, trắng - đen và chẳng ai muốn mỗi mình trở thành người phạm pháp.

Nghe có ý thức - Nghe trong tuyệt vọng!

Vừa chua xót, vừa tỏ ra bất lực với nạn vi phạm bản quyền, ông Viết Tân - chủ phòng thu Viết Tân studio, nơi đã cho ra đời hàng trăm album và chương trình âm nhạc chất lượng trong gần 20 năm qua - cho biết: “Hơn 280 chương trình ca nhạc của chúng tôi đầu tư, tôi chỉ khởi kiện có hai chương trình giấy trắng mực đen nhất. Người ta xì xào khi thấy nữ ca sĩ Lệ Quyên đâm đơn kiện để đòi 7 tỉ đồng, nhưng thực chất đó chỉ là một con số rất nhỏ so với những gì mà các trang nhạc trái phép thu được. Bản quyền là một thứ xa xỉ mà chúng tôi gần như đã mất trắng 100%. Tôi chắc rằng chỉ trừ những ca sĩ mới nổi, cần phải PR tên tuổi mới đem album đưa tràn lan trên mạng, chứ những ca sĩ, những người đích thực không bao giờ muốn thấy “đứa con” của mình nằm ở đó: ai xem thì xem, còn bao công sức, tiền bạc của họ cứ thế ra sông ra biển...”.

Vậy nên, trong những lần giao dịch gần đây của Viết Tân studio, bên cạnh những điều khoản, hợp đồng còn có thêm logo “Nghe có ý thức” - dù nhỏ nhoi nhưng được đặt một cách trang trọng song hành như một tiếng nói. “Tiếng nói yếu ớt nhưng cứ phải làm, trước là cho mình vui, sau là cho người ta biết mong mỏi, khát khao của những người làm nghề” - ông Viết Tân nói.

Riêng nhạc sĩ Huy Tuấn - người sát cánh cùng nhạc sĩ Quốc Trung trong chiến dịch này - lại cho rằng đây là sự lên tiếng muộn màng, còn cái chính vẫn là nỗi thất vọng đến tuyệt vọng sau bao nhiêu năm mọi việc về bản quyền cũng như những vi phạm bản quyền trên Internet vẫn tràn lan, ngang nhiên mà không có bất cứ biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn. Nhạc sĩ gọi vui đây là công cuộc “trường kỳ kháng chiến, bởi ý thức là thứ không thể thay đổi sớm chiều. Tôi mong đây chỉ là sự khởi đầu để kể từ nay chúng ta bắt đầu nghĩ về nó một cách có ý thức hơn, may chăng sẽ có sự thay đổi dù là nhỏ trong tương lai”.

NGUYỄN QUANG DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên