Lẽ tự nhiên, tình cảm tương ngộ hay những niềm thương nhớ luôn phát sinh trong những người "cùng hội cùng thuyền".
Và rồi, trên xe điện và metro, ở đâu cũng thế, khách lên xe hay xuống tàu không chỉ tuân theo những quy định lữ hành mà còn thụ hưởng nhiều kỷ niệm vui buồn.
Lâu dần, những phương tiện giao thông đông người vừa thúc đẩy ứng xử giao tiếp văn minh vừa nảy nở "giao tình" thân mật giữa những thị dân trong đời sống tân tiến.
Hoài niệm xe lửa nhỏ và xe điện
Thi sĩ dân gian Nguyễn Liên Phong vào năm 1909 đã miêu tả đường sắt đô thị đầu tiên ở Sài Gòn bằng những câu thơ chơn chất: "Xe lửa nhỏ đi luông tuồng, chỗ người đông đảo rung chuông liền liền" (sách Nam Kỳ nhơn vật phong tục diễn ca).
Sang đến năm 1918, sau khi xe lửa nhỏ đổi thành xe điện, một tác giả khác trong sách Địa dư diễn ca thốt lên lời khen chân thành: "Kìa nhà xe điện thần cơ, tự nhiên xe chạy chẳng nhờ sức ai!".
Ông còn khắc ghi vẻ tươm tất, chính quy của đoàn xe mới lạ: "Sài Gòn xe khí chỉnh tề, bốn đường thẳng rãng, bốn bề đi xa". Rung động của các nhà thơ hẳn cũng là rung động của dân chúng vào buổi đầu được làm chủ một loại hình xe cộ nhanh chóng và lịch sự.
Rất tiếc, những chiếc "thần cơ" hay "xe khí" rung chuông leng keng chạy suốt Sài Gòn năm xưa đã biến mất vào cuối thập niên 1950, khi nhiều doanh nghiệp Pháp ngậm ngùi ra đi sau hiệp định Genève. Tuy vậy, dấu tích của chúng vẫn còn trong hoài niệm của một số người dân Sài Gòn lão niên.
Cựu nhà báo Võ Văn Điểm, ngoài 80, kể với người viết: "Năm 1949, tôi lên 8 tuổi, nhà ở gần trạm Arras (Cống Quỳnh) thường thấy xe điện qua lại Sài Gòn và Chợ Lớn. Bọn trẻ xóm tôi có cái thú đem nút khoén (nắp nhôm chai nước ngọt) đặt hàng dài trên đường ray cho xe điện cán lên. Thế là cái nút khoén dẹp lép, phẳng lì, lấp lánh đẹp lắm, dùng để chơi bán hàng hay đổi chác vật dụng, giống như tiền vậy!".
Ông Điểm không quên những buổi "tối tối bọn trẻ thích ra đường nhìn cái cần điện xẹt xẹt trên nóc xe không thôi cũng thấy vui!". Trong khi ấy, là đồng niên và đồng môn với ông Điểm, nhà sử học Lê Nguyễn vẫn nhớ như in thuở bé ông được bà ngoại cho đi xe điện từ trạm Bến Thành vào Chợ Lớn.
Ông hồi tưởng: "Xe rất đông người, không đủ ghế nên tôi ngồi xổm dưới sàn. Xe chạy trên đường ray mà rất êm, giống như xe hơi trên mặt lộ". Với ông, hai cái "ăng ten" trên nóc xe nối với cần dẫn điện trên cao, trông rất lạ lùng.
Cả hai ông lão đều mong khi Sài Gòn có metro thì tại các ga, nhất là trong các ga ngầm, nên dành nhiều bức tường làm bích họa hay có hình phóng lớn cho thấy cảnh xe điện và người đi xe điện ngày xưa như thế nào.
Quả thật, không đâu xa, tôi từng chứng kiến tại các ga metro ở Hong Kong và Singapore đều có nhiều tranh ảnh trang trí, gợi nhớ lịch sử giao thông và lịch sử thành phố.
Tại Boston, cái nôi metro đầu tiên của nước Mỹ -1897, trong nhà ga chính South Station, người ta trưng bày hình ảnh các đoàn tàu xưa cùng các giấy cổ phần của Công ty Metro một cách đầy tự hào!
Còn tại Berlin, người Đức phục dựng phòng bán vé có từ thế kỷ 19 trong ga metro gần cổng Brandenbourg. Ngẫm nghĩ vinh danh thành tựu quá khứ cũng là một cách tri ân để tiếp nối công sức của các thế hệ tiền nhân trong kiến tạo đô thị và đất nước!
Văn hóa đi lại từ nhà ra phố
Nhiếp ảnh gia Pháp Eli Lotar nổi tiếng, đến Sài Gòn năm 1938, để lại một phóng sự ảnh quý giá. Trong đấy tôi chú ý bức ảnh chụp cảnh người dân đứng đợi ở một trạm xe điện.
Nhìn kỹ ta sẽ nhận ra hành khách ăn mặc từ bình dân đến sang trọng đều xếp hàng hai bên đường ray rất trật tự. Không những thế người dân còn giữ khoảng cách an toàn, bàn chân đặt đúng vạch, không ai chồm ra hay chen lấn. Tôi mong hình ảnh nghiêm túc của người xưa sẽ được đặt ở các trạm metro như một hình mẫu gần gũi cho người nay học hỏi.
Trong tiểu thuyết Dây oan của cụ Hồ Biểu Chánh viết năm 1935, xuất hiện một chuyện tình nảy sinh trên xe điện từ chợ Bến Thành đi Gò Vấp. Nhà văn kể vào giờ đi làm trên xe rất đông người nhưng có chàng trai thấy cô gái phải đứng, lập tức ngả nón chào và nhường ghế.
Cứ vậy, qua vài lần gặp nhau trên xe điện, từ một ứng xử lịch lãm, cả hai bén duyên nhau và nên vợ nên chồng. Đọc truyện, tôi lại nhớ thời tiểu học những năm 1960, thầy cô trong trường thường dạy học trò ra đường phải biết chào hỏi, lên xe phải biết nhường chỗ cho phụ nữ và người già.
Phải chăng những cử chỉ tử tế như thế cần được vun trồng từ sớm ở nhà trường và tiếp tục quảng bá bằng nhiều hình thức trong xã hội chứ không riêng tiểu thuyết?
Năm 1994, lần đầu đi MRT tức metro ở Singapore, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các ghế sát bên cửa vào toa xe luôn có hàng chữ ghi ghế ưu tiên cho người già, người khuyết tật và phụ nữ mang bầu.
Khi ấy MRT vừa mới vận hành được một năm, trong xe có đủ các sticker cảnh báo phạt nặng nếu ăn uống, hút thuốc, mang vật liệu dễ cháy và kể cả… sầu riêng. Đầu những năm 2000, để tránh cảnh khách vào đứng choán lối đi của khách ra, tại các điểm dừng tàu MRT đã thấy các vạch trên nền quy định xếp hàng đúng cách.
Ở nước ta, Hà Nội đã vận hành metro từ năm 2021, TP.HCM mới khởi sự metro năm nay. Trong 10-15 năm nữa, cả hai đô thị lớn sẽ có thêm nhiều tuyến metro mới.
Cùng lúc Bình Dương và các đô thị lớn mạnh khác cũng sẽ xây dựng metro. Người dân sẽ nhận ra metro không phải là phương tiện đi lại thông thường hay những bến xe thô lậu.
Hoạt động metro ở nhiều nước và Việt Nam đã và đang trở thành một "sàn giao dịch nhân văn" đặc biệt. Tại đây ngoài chiếc vé và sự an toàn, các công ty điều hành metro còn "bán ra" cho hàng triệu người lối sống tuân thủ kỷ cương giao thông đại chúng.
Ngược lại, hành khách là người "mua vào" và trao đổi những hành động văn minh cùng tình cảm nhân ái trong giao tiếp và dịch chuyển.
Hiện tại, cả hai phía chúng ta đều phải tập dần để có được nề nếp và thói quen hay đẹp, như người xưa từng thể hiện khi trải nghiệm các phát minh "thần cơ" ở các thế kỷ trước!
Nhiều lần quan sát, tôi thấy chỉ có du khách (trong đó thật mắc cỡ vẫn có tôi!) quen đứng sai vạch vì ở xứ mình chưa có quy định hoặc chưa hình thành thói quen tương tự.
Những năm gần đây tại các ga MRT và trên các toa xe luôn có nhiều hình thức truyền thông hướng dẫn và nhắc nhở hành khách thực hành "Commuting Culture" - tạm dịch là văn hóa đi lại từ nhà ra phố.
************
Ky tới: Dư địa mới chào đón sáng tạo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận