
Nhiều doanh nghiệp dệt may tìm cách xoay xở, ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ - Ảnh.Q.ĐỊNH
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may không thể tiếp tục vận hành theo mô hình gia công truyền thống. Thay vào đó, cần làm chủ thương hiệu, đăng ký bản quyền, phát triển nhãn hiệu hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và xem đây là một chiến lược quốc gia.
Giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ
Ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), cho biết thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Bất kỳ biến động chính sách nào từ thị trường này đều tác động dây chuyền đến toàn bộ ngành.
Không chỉ đe dọa tốc độ tăng trưởng của ngành, rủi ro này còn gây sức ép lớn lên mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM năm 2025, khi ngành dệt may đang đóng góp gần 20% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Mức thuế đối ứng lên tới 46%, nếu được thực thi, sẽ là cú đòn nặng nề với toàn ngành khi biên lợi nhuận trung bình hiện nay chỉ dao động ở mức 5-12%. Ông Việt ước tính, nếu mức thuế cao được áp dụng, ngành có thể mất 20-30% đơn hàng từ thị trường Mỹ. Kịch bản này sẽ kéo theo làn sóng cắt giảm lao động trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh vệ tinh quanh TP.HCM như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai...
Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế SaigonTex - SaigonFabric 2025 diễn ra ngày 9-4 tại TP.HCM, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - khuyến cáo các doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản, sẵn sàng ứng biến với mọi tình huống, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ.
Theo ông Giang, hệ thống 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực và có thể tăng lên 22 trong thời gian tới. Đây sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để các doanh nghiệp mở rộng thị trường theo hướng bền vững, ít bị chi phối bởi biến động địa chính trị.
Các thị trường trọng điểm như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Belarus và ASEAN và nội địa được Vitas xác định là trụ cột trong chiến lược xuất khẩu năm 2025.
Đặc biệt, thị trường châu Âu đang siết chặt tiêu chuẩn đối với các sản phẩm tái chế và thân thiện với môi trường. Đây vừa là áp lực, vừa là động lực để doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cấp năng lực sản xuất và củng cố liên kết chuỗi.
Theo ông Giang, trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu gần 44 tỉ USD hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu lên 104 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy tiềm năng lớn để tái cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành.
Phải xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam"
Để ứng phó chủ động với các rào cản thương mại, ông Phạm Văn Việt kiến nghị Chính phủ sớm thành lập tổ điều phối liên ngành chuyên trách cho ngành dệt may - tương tự mô hình tổ công tác phòng chống COVID-19 nhằm theo dõi sát diễn biến và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, cần thành lập quỹ chuyển đổi chuỗi cung ứng để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh và tự chủ nguyên liệu.
Đặc biệt, theo ông Việt, việc xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" một cách bài bản và có chiều sâu là chiến lược bắt buộc. TP.HCM nên sớm triển khai trung tâm thời trang - nơi đóng vai trò dẫn dắt sáng tạo, đổi mới và phát triển thương hiệu thời trang Việt.
Cùng với đó, cần xúc tiến đàm phán với phía Mỹ một cơ chế "đối tác tin cậy", cho phép miễn trừ thuế đối với các doanh nghiệp Việt có chuỗi cung ứng minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng việc đầu tư vào tiêu chuẩn ESG và chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng xanh không chỉ là xu thế, mà sẽ trở thành "giấy thông hành" giúp doanh nghiệp giữ chân đối tác lớn, vượt qua các rào cản kỹ thuật và thuế quan ngày càng nghiêm ngặt.
Để trụ vững sau các cú sốc từ bên ngoài và khẳng định vị thế dài hạn, doanh nghiệp dệt may không thể tiếp tục vận hành theo mô hình gia công truyền thống.
Thay vào đó, cần làm chủ thương hiệu, đăng ký bản quyền, phát triển nhãn hiệu hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và xem đây là một chiến lược quốc gia.
"Phải bắt đầu từ gốc rễ. Xây dựng thương hiệu Việt Nam một cách bài bản, có chiến lược dài hạn. Từng bước làm chủ cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Doanh nghiệp Việt buộc phải thay đổi tư duy sản xuất, từ chi phí thấp sang tạo giá trị cao", ông Giang nhấn mạnh.
Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bản quyền, phát triển nhãn hiệu tại các thị trường xuất khẩu chiến lược. Không chỉ hướng tới mục tiêu ngắn hạn, mà phải đặt tầm nhìn xa hơn đến năm 2030, 2035, cần có sự hiện diện ổn định của nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam trên các kệ hàng toàn cầu. Đây không chỉ là khát vọng, mà phải trở thành chiến lược thực tiễn, được hiện thực hóa bằng sự chủ động của chính doanh nghiệp.
Cũng theo ông Giang, ba trụ cột chiến lược mà doanh nghiệp cần giải quyết để không bị bỏ lại phía sau là đa dạng hóa toàn diện, làm chủ công nghệ và thích ứng chính sách thuế quan. Cùng với đó là làm chủ các kênh phân phối hiện đại.
Mua bán trực tuyến xuyên biên giới, thương mại điện tử xuyên lục địa không còn là viễn cảnh tương lai mà là thực tế đang vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu. "Nếu không chủ động, ngành dệt may Việt sẽ bị gạt ra ngoài cuộc chơi" , ông Giang cảnh báo.
Cần tự chủ được nguồn nguyên liệu
"Tự chủ nguồn nguyên liệu" tiếp tục trở thành bài toán then chốt quyết định khả năng thích ứng của ngành dệt may Việt Nam trước biến động thương mại toàn cầu. Theo ông Việt, nếu doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xuất xứ và nguồn gốc hàng hóa, hoàn toàn có thể vượt qua rào cản kỹ thuật và duy trì ổn định tại thị trường Mỹ.
Cũng theo ông Việt, hơn 40% nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng chủ lực như vải dệt kim, denim và sợi kỹ thuật cao. Nguy cơ càng tăng khi chỉ khoảng 15-20% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực truy xuất nguồn gốc toàn chuỗi.
Phần lớn còn lại rất dễ bị quy vào diện "né thuế", dẫn tới việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc điều tra lẩn tránh thuế.
Phương án thay thế nguồn cung từ Trung Quốc bằng các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan hoặc chuyển sang tự chủ sản xuất trong nước vẫn chưa khả thi trong vòng 12-18 tháng tới do năng lực sản xuất sợi và vải kỹ thuật trong nước còn yếu, thiếu vùng nguyên liệu bông - xơ - sợi chiến lược, trong khi khối doanh nghiệp nhỏ lại hạn chế về vốn và khả năng quản trị rủi ro chuỗi cung ứng.
Giá tôm, cá tra giảm sau thông tin về thuế đối ứng

Nhiều người dân ở Cà Mau đua thu hoạch tôm để bán trước thời điểm thuế đối ứng của Mỹ với hàng Việt có hiệu lực - Ảnh: THANH HUYỀN
Ngày 9-4, ông Nguyễn Quang Vinh (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam nhập vào thị trường này, giá cá tra giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với mức giá cuối tháng 3, chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg.
"Nếu bị Mỹ áp thuế cao, doanh nghiệp không mua cá tra để chế biến xuất khẩu sang thị trường này, giá cá sẽ giảm mạnh", ông Vinh nói.
Theo ông Đỗ Lập Nghiệp, phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang), giá cá tra giảm nhẹ sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46%. Nếu mức thuế này vẫn giữ nguyên, doanh nghiệp phải tìm thị trường khác thay thế, dù thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 15% doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này.
Một doanh nghiệp khác cũng bày tỏ lo ngại sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản Việt Nam có thể giảm trong thời gian tới, nhất là đối với sản phẩm cá tra.
Giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg sau thông tin về thuế đối ứng 46%. Lo ngại giá tôm giảm sâu sau khi mức thuế này có hiệu lực, một số hộ nuôi tôm đã thu hoạch tôm ồ ạt để bán tháo cho doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Xuân Diện - chủ tịch HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau) - cho biết trong vòng một tuần trở lại đây, các xã viên đã thu hoạch hơn 30 ao tôm, trong đó có nhiều ao tôm chưa đạt trọng lượng để bán, do lo giá sẽ giảm sâu hơn.
Ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề nghị người nuôi tôm phải hết sức bình tĩnh, không hoang mang và cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động về mức thuế.
Không nên thu hoạch sớm, thu hoạch vội, không bán tháo dẫn tới xáo trộn thị trường. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với ngành chức năng để có những giải pháp cần thiết, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trước tình hình có nhiều biến động khó lường.
Cà Mau có 5 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Mỹ với kim ngạch đạt 12,86 triệu USD, chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận