10/04/2025 09:37 GMT+7

Cơn 'địa chấn kinh tế' rung chuyển châu Á

Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với thách thức lớn khi Washington áp dụng thuế quan lên tới 104% đối với Trung Quốc và hàng chục quốc gia khác, đe dọa tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của khu vực.

Cơn 'địa chấn kinh tế' rung chuyển châu Á - Ảnh 1.

Các container tại cảng Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào hôm 8-4, một ngày trước khi đợt thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực - Ảnh: AFP

Các mức thuế đối ứng cao đến choáng ngợp của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có hiệu lực vào lúc 0h01 ngày 9-4 theo giờ Mỹ (11h01 ngày 9-4, theo giờ Việt Nam). 

Mặc dù rạng sáng 10-4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế với hơn 75 nước muốn đàm phán, động thái tăng thuế của ông đã khoét sâu cuộc chiến thương mại toàn cầu do ông khởi xướng, châm ngòi cho làn sóng bán tháo lan rộng trên các thị trường tài chính và đe dọa đảo ngược sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực.

Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng

Các nhà phân tích nhận định ngoài Trung Quốc, không có khu vực nào bị ảnh hưởng nặng nề như Đông Nam Á. Đứng đầu danh sách là Campuchia, Lào, Việt Nam với mức thuế quan cao ngất ngưởng lần lượt là 49%, 48% và 46%. Tiếp theo là Myanmar (44%), Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Brunei và Malaysia (cùng 24%). Philippines chịu mức thuế 17%, còn Singapore là 10%.

Đây là một cú sốc lớn tác động đến khu vực vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Thành tựu phát triển kinh tế được ca ngợi rộng rãi của Đông Nam Á trong nhiều thập niên qua phần lớn được thúc đẩy nhờ thành công trong việc bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu, đặc biệt là vào thị trường Mỹ.

Viện nghiên cứu Chatham House chỉ ra Đông Nam Á đã trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là nơi sản xuất chất bán dẫn cho Intel, giày thể thao cho Nike và điện thoại thông minh cho Samsung, cùng nhiều mặt hàng khác. Quy mô kinh tế ASEAN đang đứng thứ 5 trên thế giới, với dân số 680 triệu người.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu, gồm cả Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, sẽ chứng kiến "mức tăng trưởng thấp hơn đáng kể" do loạt thuế quan ảnh hưởng trên diện rộng của ông Trump.

Các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á cũng chịu mức thuế nhập khẩu cao như Nhật Bản (24%) và Hàn Quốc (26%). Không chỉ các nước tại châu Á - Thái Bình Dương, cả Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu bị đánh thuế 20%.

Tác động của mức thuế quan áp dụng vào ngày 9-4 có thể phải mất một thời gian nữa mới được cảm nhận đầy đủ, vì những hàng hóa đang trên đường vận chuyển trước mốc này sẽ được miễn trừ các mức thuế mới, miễn là chúng cập cảng Mỹ trước ngày 27-5.

Trả đũa hay đàm phán?

Trung Quốc đã chọn cách trả đũa, tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" nếu Washington tiếp tục tung ra các mức thuế cao. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có lẽ cảm thấy cần phải đứng lên chống lại sự bắt nạt từ đối tác thương mại lớn nhất của mình và họ cũng có nhiều phương tiện hơn để gây tổn hại cho Mỹ so với các nước châu Á khác. 

Trong phát biểu ngày 9-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường mối quan hệ chiến lược với các nước láng giềng bằng cách xử lý thỏa đáng các khác biệt và tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng với ý chí kiên định và phương tiện dồi dào, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả và chiến đấu đến cùng nếu Mỹ nhất quyết tiếp tục leo thang các biện pháp hạn chế kinh tế và thương mại. Đáp trả mức thuế 104% của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 84% với hàng hóa Mỹ từ ngày 10-4.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á đến nay vẫn chọn con đường đàm phán thay vì đối đầu, cố gắng duy trì xuất khẩu ở mức tối đa có thể. 

Theo báo Financial Times, lựa chọn này là hoàn toàn hợp lý, bởi lợi thế so sánh của các nước này vẫn phần lớn dựa vào chi phí lao động thấp, nên việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế khác là điều gần như không khả thi vào thời điểm hiện tại.

Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng cuối cùng chính người tiêu dùng Mỹ mới là bên phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc chiến thương mại khi giá cả tăng cao ở đủ loại mặt hàng từ giày thể thao đến rượu vang. Phần lớn người dân Mỹ đang chuẩn bị tinh thần cho việc giá cả hàng hóa sẽ tăng mạnh. 

Theo cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, gần 3/4 người Mỹ (73%) được hỏi cho rằng giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng trong 6 tháng tới.

Cơ hội để TP.HCM tái cấu trúc nền kinh tế

Ngày 9-4, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo về tác động của chính sách thuế quan mới từ Mỹ. Đa số ý kiến tại hội thảo đều nhìn nhận đây vừa là "cú sốc" cho kinh tế thế giới, vừa là cơ hội để thành phố tái cấu trúc nền kinh tế, mở rộng thị trường và phát triển các mặt hàng có giá trị, đặc trưng hơn.

TS Trương Minh Huy Vũ, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã nêu ra ba kịch bản: mức thuế giữ nguyên 46%, giảm xuống 20 - 30%, hoặc giảm còn 10 - 15%. Tương ứng sẽ có các mức tăng trưởng kinh tế khác nhau năm 2025. Ông Vũ cũng đề xuất 7 giải pháp, nhấn mạnh việc đàm phán song phương và kiểm soát gian lận xuất xứ, siết chặt hàng chuyển tải từ các nước thứ ba qua Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cảnh báo hàng hóa từ Trung Quốc và các nước không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam.

Ông đề nghị thành phố kích cầu nội địa, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt và xem du lịch là "cứu cánh". Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cũng đề xuất tăng cường xúc tiến thương mại thực chất để mở rộng thị trường mới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhiều lần nhấn mạnh cần bình tĩnh, coi đây là cơ hội phát triển sản xuất "made by Vietnam" và công nghiệp hỗ trợ. Ông cho biết thành phố sẽ theo dõi sức khỏe doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho hơn 500 dự án, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và doanh nghiệp xuất khẩu.

Châu Á bên ngoài đàm phán, bên trong ứng phó

Cơn 'địa chấn kinh tế' rung chuyển châu Á - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại nhà máy thuộc Công ty Hàng không vũ trụ Hanwha tại Changwon, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS

Khi mức thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực vào sáng 9-4, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk Geun khẳng định tiềm năng hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực đóng tàu là "con bài rất quan trọng" trong quá trình đàm phán giữa Seoul và Washington.

Hàn Quốc theo đuổi giải pháp thương lượng để thuyết phục Washington giảm thuế. Trả lời Đài CNN, Quyền tổng thống Han Duck Soo khẳng định Hàn Quốc sẽ không đi theo hướng trả đũa thuế quan như Trung Quốc.

Là cường quốc trong ngành đóng tàu, Hàn Quốc có thể tận dụng lợi thế này trong đàm phán, đặc biệt khi ông Trump từng bày tỏ lo ngại rằng Mỹ đang tụt lại phía sau trong lĩnh vực mà Trung Quốc được cho là đang thống trị.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô tại Hàn Quốc cũng đứng trước nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng khi Washington áp thuế nhập khẩu 25% lên mặt hàng này.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực, Hàn Quốc đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Họ sẽ tăng hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất ô tô lên 15.000 tỉ won (10,18 tỉ USD) trong năm 2025 - tăng so với mức 13.000 tỉ won đã lên kế hoạch trước đó. Thuế mua ô tô cũng được giảm từ mức 5% hiện tại xuống còn 3,5% cho đến tháng 6-2025.

Cùng tiếp cận giải quyết thuế đối ứng bằng cách đàm phán, Nhật Bản cũng đã cử đại diện đến Mỹ để thảo luận với chính quyền ông Trump. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các đàm phán thương mại với Mỹ có thể bao gồm thảo luận về tỉ giá hối đoái, đặc biệt khi ông Trump cáo buộc Nhật Bản đang theo đuổi chính sách phá giá đồng yen.

Để ứng phó, Bộ Thương mại Nhật Bản đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để phối hợp đối phó với thuế quan của Mỹ. Chính phủ Nhật cũng thiết lập hơn 1.000 bàn tư vấn tại các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trực thuộc chính phủ trên toàn quốc nhằm xử lý các thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến thuế quan.

Đài Loan cũng tiếp cận Washington bằng đề xuất miễn thuế cho hàng hóa Mỹ, kèm theo cam kết sẽ đầu tư và mua nhiều hơn từ Mỹ. Trước khi mức thuế đối ứng 32% của ông Trump lên Đài Loan có hiệu lực, chính quyền hòn đảo này vào tối 8-4 đã tuyên bố kích hoạt quỹ bình ổn chứng khoán trị giá 15 tỉ USD để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo sự ổn định của thị trường.

Cơn 'địa chấn kinh tế' rung chuyển châu Á - Ảnh 3.Sau lệnh áp thuế Trung Quốc 125%, ông Trump nói 'ông Tập Cận Bình là bạn, tôi thích ông ấy'

Khi được báo chí hỏi, ông Trump nói sẵn lòng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên