18/06/2024 11:38 GMT+7

Cuộc chiến ngăn làn sóng ung thư - Kỳ 1: Kiệt quệ vì điều trị ung thư

X.MAI
và 2 tác giả khác

Người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa. Các bệnh viện điều trị ung thư tuyến cuối ở TP.HCM, Hà Nội… luôn chật kín người chờ đợi khám, điều trị.

Bệnh nhân nghỉ trưa tại nhà lưu trú dành cho người bệnh gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) - Ảnh: D.QUÍ

Bệnh nhân nghỉ trưa tại nhà lưu trú dành cho người bệnh gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) - Ảnh: D.QUÍ

Tuy nhiên, người bệnh này hiện cũng có nhiều cơ hội khả quan với những phương pháp điều trị mới nếu kịp thời.

Thực tế, phần lớn bệnh nhân ung thư (hay được gọi là K) đến các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM, Hà Nội là ở tỉnh và phát hiện bệnh khi đã giai đoạn muộn. Kiệt quệ sức khỏe và tài chính, họ vẫn vượt đường xa điều trị, mong mỏi bệnh được đẩy lùi.

Chi phí lớn, ở nhà lưu trú, ăn cơm từ thiện

Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2 ở TP Thủ Đức) vào 5h sáng, ghi nhận có khá đông bệnh nhân chờ khám bệnh, điều trị hóa trị, xạ trị...

Tại quầy tiếp nhận, các hàng ghế ngồi cố định và cả ghế nhựa tăng cường thêm đều kín người. Nhiều người bệnh và thân nhân phải ngồi bệt trên sàn nhà vì không đủ ghế. Một số bệnh nhân mệt mỏi vì phải di chuyển đường xa suốt đêm.

Chờ tái khám sau khi đã hóa trị sáu toa thuốc để điều trị bệnh K vú giai đoạn 3, chị Phạm Thị Ánh Sáng (44 tuổi, H.Lai Vung, Đồng Tháp) tỏ vẻ lạc quan dù tóc rụng, da mặt thâm sạm... Thời điểm "thập tử nhất sinh" được chị Sáng nhắc đến là khi khối u ở vú phải to bất thường, chảy dịch, rỉ máu chỉ trong thời gian ngắn. Cơ thể suy kiệt, đi không nổi, chị cùng chị ruột thuê nhà gần bệnh viện để tiện đi lại và giảm chi phí từ Đồng Tháp đến TP.HCM.

"Năm 2019, tôi thấy vú phải mình có cục gì nhỏ xíu, không đau nhức nên chủ quan. Thời gian sau, khối u phát triển to, ra dịch. Tôi đến thẳng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 1 khám và kết luận bị K. Tôi suy sụp nhưng vì con nhỏ cứ gọi hỏi thăm sức khỏe mẹ, nghĩ lại mình chết thì ai chăm con nên cố gắng", chị kể.

Theo chị Sáng, gánh nặng điều trị bệnh rất lớn dù có bảo hiểm y tế (BHYT). Để giảm ít chi phí, những ngày hóa trị, chị Sáng và người thân thuê nhà gần bệnh viện với giá 50.000 đồng/ngày và ăn cơm từ thiện.

Sau hóa trị sáu toa thuốc, khối u ngực phải chị Sáng đã gọn lại. Thời gian tới, chị vẫn đi tái khám để xem có phẫu thuật không.

Trong khi đó, dù bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kết luận K vòm hầu giai đoạn 3, nhưng ông L.H.N. (70 tuổi, H.Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) bỏ điều trị, sang uống thuốc nam suốt một năm. Kết quả, bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, ông phải trở lại bệnh viện và bệnh đã chuyển sang giai đoạn 4.

Ông N. đã hoàn tất các đợt hóa trị, song không hiệu quả. Hạch bên cổ trái ông sưng nhức, lâu lâu chảy dịch, nói chuyện hay ăn uống đều khó khăn. Mới đây, ông được chỉ định xạ trị 30 tia trong sáu tuần, mỗi tuần năm tia. "Tôi đã xạ được hai tia. Khi hết liệu trình, bác sĩ sẽ xem xét tình hình bệnh để phẫu thuật hay không", ông cho biết.

Dù có BHYT nhưng hai năm ròng rã điều trị bệnh tật, ông N. đã chi số tiền lớn. Riêng đợt này ông đã đóng 11 triệu đồng và sẽ thêm 10 triệu đồng vào hai tuần tới.

Để tiện điều trị, ông và con trai út cũng thuê phòng gần bệnh viện với giá 150.000 đồng/ngày. Khu vực này có nhiều bệnh nhân K và người thân ở tỉnh tá túc.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) sáng sớm đã có rất đông bệnh nhân chờ khám, điều trị - Ảnh: XUÂN MAI

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) sáng sớm đã có rất đông bệnh nhân chờ khám, điều trị - Ảnh: XUÂN MAI

Nhiều người trong gia đình cùng mắc

Đang điều trị K dạ dày tại Bệnh viện K (Hà Nội), anh M. (34 tuổi, Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại mắc căn bệnh này khi còn quá trẻ. Anh kể cách đây ba tháng, bố anh cũng qua đời vì bệnh này, bác ruột (62 tuổi) cũng được chẩn đoán K dạ dày và đang điều trị tại Bệnh viện K.

"Khi bố phát hiện K thì đã giai đoạn muộn, sức khỏe không cho phép điều trị nên xin về. Sau đó, tôi cũng được bác sĩ tư vấn nên kiểm tra, kết quả khiến tôi bàng hoàng. Giờ đây, gia đình còn mẹ già, vợ và hai con nhỏ. Thực sự không nghĩ rằng bao biến cố lại đến với gia đình trong thời gian ngắn", anh M. bộc bạch.

Để tiện chăm sóc, vợ anh để lại hai con nhỏ cho bà nội lo. Còn chị túc trực, hỗ trợ chồng điều trị tại viện. "Vợ chồng trước đây làm công nhân ở xưởng gần nhà, giờ cả hai phải nghỉ việc, tiền tiết kiệm cũng đổ dồn vào cho anh. Chỉ mong anh cố gắng điều trị tốt để quay về cuộc sống thường ngày", vợ anh M. nói.

Không chỉ gia đình anh M., nhiều gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi chứng kiến nhiều người trong gia đình lần lượt mắc căn bệnh K quái ác. Nhiều người dằn vặt, xót xa khi bệnh tật đổ dồn về "một chỗ".

Tuy nhiên thực tế, các chuyên gia cho hay có 5 - 15% trường hợp ung thư có yếu tố di truyền. Điều quan trọng là cần nhận biết sớm, tầm soát sớm để có thể điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), một số bệnh K liên quan nhiều đến yếu tố di truyền có thể kể đến như vú, buồng trứng, đại trực tràng, nội mạc tử cung, tuyến giáp thể tủy, tụy, tiền liệt tuyến...

Người dân cần được tư vấn di truyền ung thư để đánh giá khả năng mang nguy cơ. "Trường hợp chưa mắc K, gia đình đã có người chẩn đoán ung thư, bác sĩ sẽ phân tích phả hệ, khả năng di truyền, nguy cơ mắc bệnh K, từ đó đưa ra lời khuyên, kế hoạch tầm soát, sàng lọc phù hợp cho từng đối tượng cụ thể", bác sĩ Phương cho hay.

Còn tâm lý "sợ bệnh"

Nhiều bệnh lý K có biểu hiện khá mờ nhạt, trong khi việc tầm soát bệnh hiện chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, vẫn còn một số người bệnh có tâm lý "sợ bệnh". Họ sợ đến bệnh viện sẽ phát hiện ra bệnh, sợ phải điều trị, tốn tiền... dẫn đến bỏ qua giai đoạn điều trị sớm.

Không chỉ vùng sâu vùng xa, ngay tại huyện ngoại thành Hà Nội, bà M. (65 tuổi, H.Ứng Hòa, Hà Nội) nhất quyết không chịu mổ K cổ tử cung bởi quan niệm "ung thư đụng dao kéo sẽ chết". Dù được con cháu và bác sĩ thuyết phục, bà M. vẫn không hợp tác điều trị. Thay vào đó, bà ở nhà trị theo những bài thuốc truyền miệng. Chỉ đến khi khối u lớn, đau bụng dữ dội, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, bà mới chấp nhận phẫu thuật.

Chính vì những quan điểm sai lầm trong điều trị K khiến nhiều người đến viện đã giai đoạn cuối, không chỉ khó khăn trong điều trị mà còn gây tốn kém chi phí, gánh nặng lên hệ thống y tế.

Theo thống kê, Việt Nam có tới 50 - 80% người mắc K đến khám ở giai đoạn muộn, đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân có tỉ lệ tử vong cao.

Trong khi đó, với tiến bộ y học hiện đại, bệnh nhân K nếu được phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả, kéo dài sự sống thêm 5 - 10 - 20 năm, chất lượng cuộc sống nâng cao rõ rệt.

Mỗi năm Việt Nam khoảng 180.400 ca ung thư mới, 120.000 ca tử vong

Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do K. Có 50 - 80% người bệnh mắc bệnh K đến khám ở giai đoạn 3 và 4.

Trung bình độ tuổi mắc K là 55. Trong đó, top 3 căn bệnh ung thư mắc phải ở cả hai giới là vú, gan và phổi. Ở nam giới tỉ lệ mắc cao nhất là K gan, phổi, dạ dày. Còn nữ giới là K vú, phổi, trực tràng.

Ngoài ra, tỉ lệ mắc mới và tử vong do K tiếp tục gia tăng, trong đó có xu hướng trẻ hóa K.

----------------------------

Trong cộng đồng mắc K vú, nhiều người biết cô gái trẻ Đặng Trần Thủy Tiên (sinh năm 2000, Hải Phòng). Giờ đây khi đã vượt qua, Tiên vẫn không thể quên ngày đầu tiên phát hiện bệnh quái ác.

Kỳ tới: Người trẻ mắc K, phải chăng án tử?

Sẽ hình thành mạng lưới phòng chống ung thư vùng Đông Nam BộSẽ hình thành mạng lưới phòng chống ung thư vùng Đông Nam Bộ

Mạng lưới này sẽ chăm sóc người bệnh ung thư từ lúc tầm soát sớm, chẩn đoán, điều trị cho đến chăm sóc giai đoạn cuối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên