10/03/2020 11:21 GMT+7

Chống hạn phải như chống giặc

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Giống với tinh thần dập dịch COVID-19, việc chống hạn lúc này phải được các địa phương trong vùng xác định, chống hạn phải như chống giặc.

Chống hạn phải như chống giặc - Ảnh 1.

Năm 2020, hạn, xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử - Ảnh: Chí Quốc

Năm 2020 hạn, xâm nhập mặnmiền Tây Nam Bộ được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Điều đáng nói hơn nữa là hạn, mặn tấn công ngay cao điểm chính quyền và người dân vùng đất này đang nỗ lực tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Nếu xem đợt hạn, mặn năm 2016 như là "bản nháp" khi nước mặn lần đầu tiên tiến tới cảng Cái Cui (Cần Thơ) - cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) trên 100km, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long nước mặn mới thập thò vào tới trung tâm tỉnh lỵ thì hạn, mặn năm 2020 tình hình trầm trọng hơn nhiều.

Không chỉ vậy, nhiều địa phương lại còn đối mặt với một vấn đề mới: sụt lún đất.

Tình huống khẩn cấp khiến chủ tịch 5/13 tỉnh trong vùng là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và mới nhất là Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó.

Từ giữa năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn và yêu cầu các địa phương và người dân chủ động, tích cực phòng tránh.

Cũng vào cuối năm ngoái, trong rất nhiều diễn đàn, hội nghị, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp khuyến cáo tới chính quyền và nông dân như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn, sử dụng giống ngắn ngày, đưa vào vận hành hàng loạt công trình thủy lợi điều tiết ngăn mặn..., nhờ vậy có tới 93% diện tích lúa đông xuân của vùng đã tránh hạn và né mặn thành công, chỉ khoảng 39.000ha lúa bị thiệt hại.

Có được kết quả kể trên là đáng ghi nhận nhưng không thể chủ quan, vì hiện vẫn chưa phải cao điểm của hạn năm nay trong khi biến đổi khí hậu, hạn, mặn bất thường. Bởi vậy ngay từ bây giờ, việc chống hạn phải được các địa phương trong vùng xác định với tinh thần như dập dịch COVID-19, chống hạn phải như chống giặc.

Việc cấp bách cần làm ngay trong lúc này là chính quyền các địa phương phải tập trung cấp nước uống, sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước sử dụng; khuyến cáo người dân tranh thủ tối đa diễn biến con nước lớn, ròng để tích trữ nước cứu ruộng vườn.

Về lâu dài cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Trong sản xuất nông nghiệp cần dịch chuyển lịch thời vụ để "né" hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự thích nghi, chuyển đổi thành công.

Cũng cần xem hạn, mặn lịch sử năm nay là "liều thuốc thử" để củng cố tư duy thích ứng của người dân, chính quyền và ngành nông nghiệp; nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó.

Và một điều không thể không đề cập: chủ động thích ứng nhưng không thể lấy tình trạng hạn, mặn khốc liệt của năm nay để vẽ ra hàng loạt dự án rồi ồ ạt đổ tiền vào các công trình đầu tư ngăn mặn, trữ ngọt tốn kém mà hiệu quả thấp.

Thủ tướng đồng ý chi 350 tỉ cho 5 tỉnh miền Tây ứng phó hạn, mặn Thủ tướng đồng ý chi 350 tỉ cho 5 tỉnh miền Tây ứng phó hạn, mặn

TTO - Làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL về hạn hán, xâm nhập mặn chiều 8-3 ở Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên