Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao tặng bằng khen cho Văn phòng báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ và các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phòng chống xâm nhập mặn - Ảnh: SƠN LÂM
Ngày 20-6, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020.
Theo kết quả được báo cáo tại hội nghị, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 có một số đặc điểm nổi bật, khác với quy luật nhiều năm như xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 gần một tháng, thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn từ 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016.
Độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.
Những diễn biến bất thường này góp phần khiến 10/13 tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng. Phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l chiếm 24,5% diện tích toàn vùng, ảnh hưởng rộng hơn 50.300ha so với năm 2016.
Tại hội nghị, nhiều tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại do hạn mặn cũng đã sơ kết lại công tác phòng chống xâm nhập mặn trong mùa khô vừa qua với bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, người chủ trì hội nghị.
Nhìn chung, mùa khô năm 2019-2020 được xác định là có diễn biến xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất lịch sử, tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Đa số ý kiến lãnh đạo các địa phương nhận định việc giảm thiểu thiệt hại xâm nhập mặn vừa qua phần lớn nhờ vào công tác dự báo xâm nhập mặn, nhất là việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng.
Bên cạnh đó là sự chỉ đạo, điều hành tích cực từ các cấp lãnh đạo từtTrung ương đến địa phương, đặc biệt là phương án khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn rất hiệu quả.
Ngoài ra, sự phối hợp truyền thông mạnh mẽ trong việc cảnh báo sớm và thường xuyên về tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn đa dạng trong toàn xã hội cũng góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại cho kinh tế.
Quan trọng nhất là việc các địa phương đã chuẩn bị được kịch bản thiệt hại rất kỹ dựa vào năm 2016, nhờ đó đã chủ động các phương án để giảm thiểu thiệt hại ở mức tốt nhất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các địa phương.
"Các địa phương cần tiếp tục làm báo cáo tổng kết sâu và chi tiết hơn nữa. Đây là nền tảng để chúng ta có thể tiếp tục phát huy, giảm thiểu thiệt hại tốt hơn nữa cho những mùa xâm nhập mặn năm sau".
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai 2 quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án "Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL" và "Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã trao tặng bằng khen đến Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ và nhiều cá nhân, tập thể khác đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận