Dù độ mặn trên các sông đã giảm nhưng các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần đo độ mặn trước khi sử dụng để tưới cây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ngày 10-6, ông Đặng Hoàng Lam - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bến Tre - cho biết nhìn chung độ mặn trên các nhánh sông chính như sông Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên đang có xu hướng giảm, khả năng nước ngọt (độ mặn nhỏ hơn hoặc bằng 0,5 gam/lít) xuất hiện nhiều hơn trên các sông vào những thời điểm thủy triều rút.
Cụ thể, trên sông Cửa Đại nước ngọt có khả năng xuất hiện lúc triều thấp ở phía thượng nguồn, cách cửa sông 43km. Sông Hàm Luông nước ngọt xuất hiện ở khu vực xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre, cách cửa sông 60km; còn sông Cổ Chiên nước ngọt xuất hiện cách cửa sông khoảng 48km.
"Tuy nhiên, người dân khi lấy nước tưới cần phải do độ mặn, kiểm tra kỹ để tránh gây hại cho cây trồng", ông Lam khuyến cáo.
Cùng ngày, thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết hiện nay do đã bước vào thời kỳ mùa mưa, lượng mưa phân bố ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nên độ mặn trên các tuyến sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Tây và sông Tra đang tiếp tục giảm dần mỗi ngày 0,1-3,1 gam/lít.
Đến thời điểm này, trên sông Vàm Cỏ Đông có độ mặn 1 gam/lít còn cách cửa sông Soài Rạp khoảng 58km, độ mặn 4 gam/lít vẫn còn cách khoảng 40km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1 gam/lít còn cách cửa sông Soài Rạp khoảng 135km, độ mặn 4 gam/lít còn cách khoảng 86km. Trong vài ngày tới, độ mặn sẽ còn tiếp tục giảm dần.
Tuy nhiên, Long An vẫn cảnh báo các địa phương phải thường xuyên và có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Một vườn sầu riêng ở Tiền Giang bị chết, khô cành do tưới trúng nước mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Đồng thời, khuyến cáo người dân tuân thủ lịch xuống giống của địa phương, tranh thủ lấy nước, tích trữ nguồn nước vào ao, đồng ruộng khi có nguồn nước ngọt xuất hiện để chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu 2020. Đặc biệt không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn và nên tính toán sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước.
Ông Hồ Quốc Lực, chủ một trang trại nuôi tôm công nghiệp tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết lượng mưa đầu mùa ở những địa phương ven biển chưa nhiều. Theo ông Lực, bà con nuôi tôm ở Sóc Trăng đang trông mưa từng ngày để giải nhiệt, giảm mặn cho những ao tôm của mình.
"Hạn mặn kéo dài, mưa chưa đáng kể khiến độ mặn còn khá cao, trên 30 phần ngàn, thiếu nước nên tôm chậm lớn", ông Lực cho hay.
Theo ông Lực, so với cùng kỳ năm rồi, để tôm đạt cỡ 40 con/kg, vụ này thời gian nuôi kéo dài hơn 3-4 tuần. "Không chỉ tốn thêm chi phí thức ăn, thuốc thú y… nắng nóng, độ mặn cao còn phát sinh nhiều loại bệnh trên tôm, trong đó có một số bệnh mới", ông Lực cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận