26/04/2020 09:31 GMT+7

Nhà nông 'chuyển mình' nương theo hạn, mặn

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Về vùng hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long những ngày này được nghe thấy những câu chuyện, dự tính thay đổi giống cây trồng chịu mặn và thói quen trữ nước, tưới tiêu... để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Nhà nông chuyển mình nương theo hạn, mặn - Ảnh 1.

Ông Hồ Văn Khởi - xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - nối ống dẫn từ túi chứa nước ngọt ra vườn để tưới cây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Giữa trưa nắng gắt ngày 24-4, ông Út Khởi (Hồ Văn Khởi) - xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cặm cụi ráp nối các đoạn ống nhựa, tranh thủ bơm nước từ con rạch bên hông nhà vào túi chứa nước lớn trước khi một đợt nước mặn khác xâm nhập vào mương vườn.

Hi vọng với túi chứa nước

Nằm giữa hạ nguồn hai nhánh sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, hơn 6 công đất vườn (6.000m2) của nhà ông Út Khởi bao đời nay được bồi đắp phù sa, cây tươi, trái ngọt quanh năm, huê lợi thu được từ vườn tắc mỗi năm cũng khoảng 100 triệu đồng. 

Ông chưa từng suy nghĩ đến một ngày nào đó phải tìm một giống cây khác chỉ vì đất miền sông nước nhà mình không có nước tưới cây. Nhưng mùa khô 2020, chuyện đã khác xưa.

Giữa vườn tắc lốm đốm những trái bị vàng cuống, ông Út Khởi thở dài: "Tưới nước mặn hổm rày cây trái hư hết, chắc xong vụ này rồi quay lại trồng dừa chứ không có cây nào sống nổi với độ mặn này".

Gia đình ông Út Khởi cũng như những người dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chỉ là một trong những ví dụ điển hình trong số hàng chục triệu nông dân miền Tây đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán trong mùa khô 2020. 

Dọc theo các tuyến đường xung quanh nhà ông, nhiều mảnh vườn trồng chôm chôm, măng cụt xanh tốt trước đây đã bị đốn hạ để chuẩn bị cho một loại cây trồng mới, chịu mặn tốt hơn.

Tân Thiềng là xã nằm khá sâu trong đất liền, cách cửa biển khoảng 40-50km. Những năm trước đây (trừ năm 2016), nước mặn chỉ "ghé thăm" vùng đất này chừng vài ba ngày rồi rút đi. Năm nay, nước mặn xâm nhập từ trước tết rồi "nằm lì" trong các tuyến kênh nội đồng hàng tháng trời. 

Đến nay, độ mặn tuy đã giảm nhưng chưa thể dùng để tưới những loại cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng.

"Cũng may, cách đây mấy hôm trời mưa nên nước lạt bớt, tranh thủ mấy ngày này, lại sẵn có túi trữ nước tưới vừa được tặng, tôi bơm trữ lại đặng tưới lần lần. Kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt cũng có thể tưới được vài ba ngày liên tiếp" - ông Út Khởi nói.

Thay đổi hoặc là mất hết

Những ngày này, đi khắp các tuyến đường, tuyến hẻm tại nhiều địa phương ở miền Tây, đâu đâu cũng xuất hiện những hồ chứa nước được đào tạm tại một khoảnh vườn rồi lót bạt, nhà có điều kiện hơn thì xây hồ chứa bài bản, người có mặt bằng đủ rộng thì dùng túi trữ nước như trường hợp ông Út Khởi.

Ngắm nghía chiếc túi trữ nước do Tập đoàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam kết hợp với Công ty cổ phần Lavifood tặng gia đình ông Út Khởi, ông Tư Ròm - một nhà vườn tại huyện Chợ Lách - gật gù: "Cái túi có lý quá! Mùa mặn có thể trải trên thềm ba hay thậm chí bỏ xuống mương vườn để trữ nước. Bảy khối nước để tưới nhỏ giọt cũng được mấy ngày chứ ít gì. Nếu có điều kiện mua bốn, năm cái túi vậy trữ nước thì còn gì bằng".

Nhà nông chuyển mình nương theo hạn, mặn - Ảnh 2.

Bà Trương Huệ Vân, chủ tịch Tập đoàn phát triển Nông nghiệp Việt Nam, trao tài trợ cho Hội Nông dân tỉnh Bến Tre

Những thay đổi nhỏ trong cách suy nghĩ, trong cách làm của người nông dân miền Tây đang dần hình thành và cho kết quả khả quan.

Cùng quyết tâm thay đổi để thích nghi điều kiện mới, ông Đoàn Văn Tài (thành viên của HTX Tiến Đạt, tỉnh Vĩnh Long) đang thử nghiệm mô hình lúa tím. "Tui chịu nhất là loại lúa này chịu mặn tốt hơn các loại khác. Dù năng suất không cao, chừng 5-6 tấn/ha nhưng bù lại có giá cao, trên dưới 10.000 đồng/kg là xem như có lãi rồi" - anh Tài cho biết.

Ông Phan Văn Mãi - bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết tỉnh đang tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua nhằm dần thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Tỉnh rất mong kết hợp với các viện, trường, doanh nghiệp để có thể giới thiệu giống mới, những mô hình mới có khả năng thích ứng với độ mặn nhằm phát triển kinh tế địa phương" - ông Mãi nói.

Ông Đinh Hùng Dũng, phó tổng giám đốc, đại diện nhà tài trợ Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy cần phải tri ân người nông dân, vì thực tế, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng trọt, người nông dân vẫn kiên trì bám trụ, linh động với nhiều giải pháp để vẫn có thể canh tác trên mảnh đất của chính mình, góp phần cung cấp các loại nông sản cho thị trường".

Tặng giống chịu mặn cho nhà nông

Nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty cổ phần Lavifood triển khai dự án tặng hơn 3.331 túi nước cho 8 tỉnh ảnh hưởng nặng nhất trong đợt này.

Túi nước với độ bền từ 8-10 năm, dùng để chứa nước sinh hoạt và nước tưới. Dự án cũng tài trợ giống lúa tím trồng trên 50ha kết hợp với nuôi cá hoặc tôm theo hướng hữu cơ tại Bến Tre (16ha), Vĩnh Long (17ha) và Sóc Trăng (17ha). Trước mắt, doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm của nông dân. Sau khi dự án có kết quả thành công, mô hình sẽ được nông dân nhân rộng.

Cùng với đó, doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ĐHQG TP.HCM và các chuyên gia... tiếp tục nghiên cứu đưa ra quy trình cụ thể để nông dân sản xuất một cách hiệu quả. Về lâu về dài, ĐBSCL hướng đến canh tác thuận thiên, đạt hữu cơ, không còn ô nhiễm môi trường.

Hạn mặn sông Vàm Cỏ, bán đảo Cà Mau ở mức cao vào giữa tháng 4 Hạn mặn sông Vàm Cỏ, bán đảo Cà Mau ở mức cao vào giữa tháng 4

TTO - Tình trạng hạn mặn tại khu vực sông Cửu Long đang giảm dần, hạ nhiệt, còn khu vực sông Vàm Cỏ và bán đảo Cà Mau sẽ duy trì ở mức cao, đỉnh hạn mặn khu vực này có khả năng đến vào giữa tháng 4 sau đó giảm dần.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên