16/12/2021 07:57 GMT+7

Chỉ cần một chút cảm thông

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TTO - Tại nơi làm căn cước công dân gắn chip, ông hưu trí chừng 70 tuổi đang đề nghị anh công an điều chỉnh nơi đăng ký khai sinh ghi trên tờ số định danh. Anh công an nghe xong, yêu cầu ông hưu trí nọ về mang giấy khai sinh ra đối chiếu.

Ông này cho biết giấy khai sinh không còn, nơi đăng ký khai sinh lại ở tận ngoài Bắc.

Nơi ấy lại không phải là quê hương, chỉ là chỗ cha mẹ đi sơ tán hồi chống Pháp. Giờ đâu ai biết đến ông ta, đó là chưa kể mấy chục năm trôi qua đất trời xoay vần, chắc hẳn hồ sơ lưu trữ chẳng còn. Anh công an chỉ dẫn: "Bác cần đi làm lại giấy khai sinh". Ông hưu trí phân bua: "Tôi chừng này tuổi còn làm khai sinh gì nữa? Chú mà không giải quyết thì tôi chịu thua thôi".

Anh công an có vẻ ái ngại, lưỡng lự một chút rồi bảo ông hưu trí về lấy các loại giấy tờ như lý lịch hay thẻ BHXH hoặc thứ nào đó có ghi nơi sinh, đem lên đây để có cơ sở xác minh. Nửa giờ sau, ông hưu trí đem đủ loại giấy tờ lên trình cho anh công an. Xem xong, anh công an nói: "Cháu linh động làm cho bác. Tuổi bác mà chạy đi chạy lại xin làm giấy khai sinh thì khổ lắm".

Mọi chuyện giải quyết êm đẹp, khiến tôi nhớ lại sự việc của tôi cách nay mấy chục năm. Hôm đó, tôi đi nhập hộ khẩu. Người trước tôi là một anh chàng mới học ở Liên Xô (cũ) về. Coi qua giấy tờ, anh công an hỏi: "Giấy tờ nhà đâu?". Anh chàng nọ cho biết không mang theo. Anh công an khẳng định phải có giấy tờ nhà mới nhập khẩu được.

Tới lượt tôi, anh công an cũng hỏi tương tự. Tôi trình bày gia đình tôi ở nhà lấn chiếm trên kênh Nhiêu Lộc từ hồi trước năm 1975 nên không có giấy tờ nhà. Anh công an liếc nhìn tôi rồi lặng lẽ làm thủ tục nhập khẩu, không đòi hỏi điều kiện nào nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thầm cảm ơn.

Thế đấy, đâu cần phải to tát, một sự cảm thông nhẹ nhàng là có thể tháo gỡ hợp tình hợp lý những vấn đề tưởng như khó vượt qua nổi, đồng thời tạo nên ấn tượng tốt đẹp không phai mờ trong trí nhớ người dân. 

Luật lệ luôn tìm tới đích hoàn hảo, nhưng hiện thực lại có khác biệt. Nếu người thừa hành vô tình hay cố ý để cho các quy định vây hãm tứ phía thì sẽ quay cuồng trong tù túng, gây ra những mối quan hệ đầy mệt nhọc, thậm chí cường quyền, đánh mất niềm tin.

Cuộc sống bao giờ chẳng có những trắc trở, đôi khi không khắc phục nổi, phải biết chấp nhận những thiếu sót có thể bỏ qua. Nếu cứ cứng nhắc sẽ không thể đối nhân xử thế một cách thỏa đáng. Công bộc của dân cũng vậy, cần thực thi nhiệm vụ trên tinh thần năng động để hướng tới các biện pháp mở khi có vướng mắc. 

Đặc biệt là rất nên vận dụng linh hoạt quy luật 7-3 mà người đời hay nói: 7 phần rõ ràng, 3 phần ngầm hiểu. Còn như khăng khăng giữ nguyên tắc, đòi hỏi mọi thứ phải cụ thể chắc nịch, phải bất di bất dịch thì rất dễ biến nền hành chính thành một thứ... hành dân.

Con người là cốt lõi của nền hành chính. Thủ tục nhiêu khê hay giản đơn đều do con người định đoạt. Công bộc của dân mà biết chia sẻ và bao dung, dù chỉ là điều nho nhỏ như câu chuyện nêu trên, thì vẫn có thể góp phần tạo ra một nền hành chính được tôn trọng bởi tinh thần phụng sự. Đúng như một nhà thơ Liên Xô (cũ) từng nói: "Chìa khóa nhỏ mở được chiếc tủ lớn".

Vì sao nhiều người phải khai lại thông tin cấp căn cước công dân gắn chip? Vì sao nhiều người phải khai lại thông tin cấp căn cước công dân gắn chip?

TTO - Dù đã làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip nhiều tháng trước, đến nay nhiều người dân ở Hà Nội bất ngờ khi phải đến công an sở tại khai lại thông tin vì bị sai lệch.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên