04/03/2023 05:59 GMT+7

Căn cước công dân gắn chip được đề xuất chỉnh sửa

Theo dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi, nhiều thông tin trên mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip được đề xuất sửa như "quê quán" thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" sửa thành "nơi cư trú"…

Căn cước công dân gắn chip được đề xuất chỉnh sửa - Ảnh 1.

Theo dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi, nhiều thông tin trên mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip được Bộ Công an đề xuất sửa đổi - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi sẽ kết thúc lấy ý kiến đóng góp vào cuối tuần sau.

Thông tin nào trên căn cước công dân được đề xuất thay đổi?

Dự thảo lần này đề ra nhiều quy định về căn cước công dân, đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ.

Những thông tin tại mặt trước của thẻ sẽ thay đổi so với mẫu cũ gồm: số căn cước công dân sẽ được đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như trước đây), đổi "quê quán" thành "nơi đăng ký khai sinh", và thông tin "nơi thường trú" được đổi thành "nơi cư trú".

Mặt sau của thẻ, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải). Đồng thời đổi chữ ký của người cấp thẻ theo luật hiện hành là cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thành "Nơi cấp: Bộ Công an".

Một trong những nội dung đáng chú ý khác của dự thảo là Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi. 

Độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân có sự thay đổi theo, gồm 14, 25, 40 và 60 tuổi thay vì 25, 40 và 60 như hiện nay.

Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất và thực hiện thay đổi quy cách của thẻ căn cước công dân.

Trước đó, CMND 12 số được thay thế bởi căn cước công dân mã vạch. Tiếp đó, căn cước công dân mã vạch được thay thế bởi căn cước công dân gắn chip.

Đến nay, căn cước công dân gắn chip được giữ nguyên nhưng có thể lại có một số thay đổi như đề xuất trong dự thảo luật đang được lấy ý kiến đóng góp.

Có cần làm lại căn cước công dân theo mẫu mới?

Theo giải thích từ đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an), đề xuất điều chỉnh, thay đổi này nhằm tăng tính tiện ích của thẻ căn cước công dân, đồng thời phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi và bổ sung tại dự thảo luật.

Cụ thể, thông tin về nơi cấp sẽ thống nhất là Bộ Công an.

Cũng theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin "nơi thường trú" được đề xuất đổi thành "nơi cư trú" bởi lẽ khái niệm về nơi cư trú sẽ mang tính chung, rộng hơn.

Những thẻ căn cước công dân đã được cấp có phải làm lại theo mẫu mới không? Đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư khẳng định những thẻ căn cước công dân đã cấp vẫn có giá trị đến khi phải đổi thẻ theo quy định.

Theo đề xuất trong dự thảo, chứng minh nhân dân (9 số và 12 số) chỉ có giá trị sử dụng đến hết năm 2024.

Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất tích hợp vào căn cước công dân một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân .

Những dữ liệu này gồm: thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...

Việc này giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Sẽ tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân?Sẽ tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân?

"Người dân có thể đăng ký tặng mô, tạng khi thi bằng lái xe hoặc làm căn cước công dân. Việc tích hợp đăng ký hiến tạng bằng cách thức này sẽ giúp mọi công dân khi đến tuổi trưởng thành đều được tiếp cận với việc hiến tạng".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên