Đề xuất này là của ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - tại hội thảo gần đây về đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người do Bộ Y tế tổ chức.
Theo ông Phúc, việc đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và CCCD sẽ giúp tiếp cận với mọi công dân đến tuổi trưởng thành. Việc này đã được thực hiện ở nhiều nước.
Người đồng tình, người phản đối
Do đặc thù công việc, chị Mã Thị Yến Nhi (27 tuổi, ngụ TP.HCM) từng chứng kiến nhiều bệnh nhân suy thận mỏi mòn chờ được ghép thận, hay bệnh nhi bị mù chỉ hy vọng được một lần nhìn rõ mặt mẹ cha. Năm 2018, chị Nhi quyết định đăng ký hiến mô, tạng. "Khi tôi dừng lại một cuộc đời này, nhưng những điều ý nghĩa và nhân văn sẽ được tiếp nối cho những cuộc đời khác", chị Nhi chia sẻ nguyện vọng.
Chị Nhi cho biết bản thân mình đồng ý trước đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên CCCD vì giúp hạn chế tình huống lạc mất thẻ hiến tạng. Điều quan trọng nhất là khi có thông tin đã đăng ký hiến tạng trên CCCD, các bác sĩ có thể lấy tạng người chết trong thời điểm tốt nhất, mang lại ý nghĩa nhiều nhất cho người nhận. Nếu phải chờ thêm thời gian xác minh thì nội tạng lúc này chưa chắc còn ghép được.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc hiến tạng là riêng tư, nếu công khai thì không đảm bảo quyền riêng tư của chủ nhân, chị Nhi cho rằng mình không lo ngại điều này vì đây là nghĩa cử cao đẹp và nhân văn nên càng phải được lan tỏa.
Trong sinh nhật 22 tuổi, chị Giang Châu (hiện 26 tuổi, Hà Nội) đã đăng ký hiến tạng. Về đề xuất tích hợp hiến mô, tạng vào CCCD, chị Châu cho rằng việc này sẽ giúp nhiều người biết đến hiến tạng nhiều hơn và có thể dễ dàng đăng ký tham gia.
Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Trường (30 tuổi, Hà Nội) và anh T.T. (TP.HCM) lại cho rằng việc hiến tạng là việc của cá nhân nên phải đảm bảo quyền riêng tư tuyệt đối và không nên tích hợp với những giấy tờ khác.
"Khi thi bằng lái xe hay làm CCCD lại được hỏi về việc hiến tạng, với nhiều người Á Đông thì việc này sẽ có thể là "điềm báo", được coi là chuyện "nhạy cảm", thậm chí có thể gây kỳ thị đối với những người không đăng ký hiến tạng. Tôi nghĩ rằng việc này nên được tách riêng biệt, ai có nguyện vọng có thể đăng ký hiến tạng" - anh Trường nói.
Để thực hiện, không dễ dàng
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng hiến tạng sau khi chết là nghĩa cử cao đẹp nhưng là việc riêng tư và tùy thuộc vào suy nghĩ, tâm lý mỗi giai đoạn của cuộc đời từng người.
Việc ghi thông tin hiến tạng cố định vào thẻ CCCD có thể phù hợp với một số quốc gia phát triển..., nhưng với hoàn cảnh xã hội, phong tục và tập quán Việt Nam hiện tại thì không.
"Thời điểm thi bằng lái xe hoặc làm CCCD thì chúng ta không muốn hiến tạng, nhưng về sau muốn hiến tạng thì phải làm sao? Khi đưa thông tin hiến tạng công khai, có thể xảy ra tranh chấp, xung đột không đáng có. Nói chung hiến tạng vẫn là quyền riêng tư, không thể luật hóa, công khai trong thời điểm hiện nay", bác sĩ Hoài Nam đặt vấn đề.
Bác sĩ Hoài Nam cũng cho rằng việc tích hợp quá nhiều giấy tờ vào CCCD là không cần thiết. Theo đó, chỉ cần tích hợp giấy tờ phù hợp với thông lệ quốc tế, riêng sức khỏe thì cần thông tin về nhóm máu, thẻ BHYT. Nếu lạm dụng, thông tin trong CCCD sẽ dày đặc, dễ gây rối và không cần thiết.
Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để thực hiện tích hợp hiến tạng vào bằng lái xe, CCCD không chỉ đơn giản là việc "tích" vào một câu hỏi "bạn có đồng ý hiến tạng hay không?" mà cần có chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ tư vấn, pháp lý liên quan.
Bác sĩ Cường nêu đến nay việc đăng ký hiến tạng tại tỉnh Phú Thọ cũng chưa được triển khai đầy đủ. "Mới đây, một số bác sĩ tại bệnh viện đã được tập huấn về đăng ký hiến tạng cho người chết não, thế nhưng việc thực hiện cũng không dễ dàng. Hồ sơ đăng ký vẫn phải gửi đến Trung tâm Đăng ký hiến tạng quốc gia để thực hiện.
Chúng ta không thể làm đơn thuần là khi người dân thi bằng lái xe hay làm CCCD sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không để "tích" vào hồ sơ. Để người dân hiểu về hiến tạng cần có đội ngũ có chuyên môn tư vấn, nêu rõ những vấn đề pháp lý sau khi đăng ký hiến tạng. Trong khi đội ngũ có chuyên môn tư vấn về hiến tạng ở các địa phương còn nhiều hạn chế, để thực hiện việc tích hợp này cần có thêm thời gian", bác sĩ Cường nói.
Hơn 63.500
Đây là số trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não trên cả nước tính đến cuối 2022. Đến nay, các bác sĩ trong nước đã ghép được tám loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Trong đó, hơn 6.000 người được ghép thận, tiếp theo là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột.
Nhiều quốc gia "mặc định" mọi công dân hiến tạng sau chết
Hiện có nhiều quốc gia trên thế giới quy định mọi công dân sẽ mặc định hiến tạng sau khi chết, ngoại trừ những người để lại nguyện vọng khác trong di chúc hoặc thân nhân phản đối. Cụ thể như Singapore, Áo, Bỉ, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Iceland.
Tính đến 2018, Tây Ban Nha hiện là quốc gia có tỉ lệ hiến tạng cao nhất thế giới, cứ 1 triệu người dân thì có 35,1 người hiến. Tuy nhiên, trên thực tế, luật hiến tạng "mặc định" kiểu này cũng đã phát sinh những vấn đề rắc rối trong quá trình thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận