06/01/2020 08:30 GMT+7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đẩy mạnh tự chủ đại học

NHẬT HUY thực hiện
NHẬT HUY thực hiện

TTO - Theo Luật giáo dục đại học, tới đây sẽ triển khai một cách gấp rút tự chủ đại học nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những đổ vỡ, rối loạn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đẩy mạnh tự chủ đại học - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi giáo viên Trường mầm non Sơn Hà, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa - một trong những trường chịu thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ tháng 8-2019 - Ảnh: XUÂN PHÚ

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ những trao đổi của ông trong lần trả lời phỏng vấn trước: rà soát, cập nhật, hoàn thiện các chính sách về giáo dục - đào tạo và chăm lo, phát triển đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng chia sẻ: "Gần 4 năm của nhiệm kỳ đầu tiên trôi qua, điều khiến tôi yên tâm nhất là đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành được 2 đạo luật quan trọng, đó là Luật giáo dục (sửa đổi) và Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều. 

Tôi cũng nhận thấy tâm thế đổi mới đã và đang lan tỏa tới đội ngũ thầy cô. Nhận thức của xã hội đối với cuộc đổi mới lần này đã khác trước, từng gia đình, cả xã hội đang bắt đầu đồng hành với ngành giáo dục bước vào cuộc đổi mới".

Tháo gỡ điểm nghẽn

* Trả lời báo Tuổi Trẻ năm trước, ông khẳng định hai ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình là hoàn thiện chính sách và phát triển đội ngũ. Trong hai việc này, ông nhấn mạnh tính sống còn của việc thứ nhất, tại sao vậy thưa ông?

- Tôi cho rằng quản lý nhà nước trước hết phải là làm chính sách, nói nôm na là phải tạo "luật chơi"; tiếp đó là hướng dẫn thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm (nếu có). Do vậy, ngay khi nhận nhiệm vụ bộ trưởng, xác định vấn đề cơ chế chính sách là những điểm nghẽn nên tôi đã chỉ đạo công tác pháp chế phải là ưu tiên hàng đầu. 

Trong số hàng trăm văn bản, chính sách pháp luật về giáo dục - đào tạo được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, thay thế gần bốn năm qua, đáng kể nhất phải nói tới là Luật giáo dục (sửa đổi) năm 2019 và Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018. 

Giờ văn bản pháp quy đã chuẩn, năm 2020 sẽ là năm tập trung hướng dẫn thực hiện và tăng cường thanh tra, kiểm tra. Điều đáng nói là việc làm chính sách trong mấy năm qua có những thay đổi căn bản so với trước đây, nhất là có sự tham gia bài bản, từ đầu của các chuyên gia tâm huyết, bên cạnh đội ngũ cán bộ, chuyên viên của bộ và sự tham gia góp ý, hiến kế của toàn xã hội.

* "Sự tham gia bài bản, từ đầu của các chuyên gia", bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn?

- Rất may cho tôi khi lên làm bộ trưởng thì đã có nghị quyết 29 "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". 

Đây là cơ sở để tôi chỉ đạo xây dựng chương trình khoa học giáo dục Việt Nam với 49 đề tài khoa học cấp nhà nước, trong đó có 5-7 đề tài chuyên sâu về chính sách, cơ chế cho giáo dục - đào tạo, thu hút trí tuệ từ các chuyên gia trong nước và thế giới cùng tham gia làm chính sách. Cách làm này không chỉ đảm bảo được chất lượng và tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật, mà quan trọng hơn là ở tính khả thi cao khi áp dụng vào cuộc sống. 

Có thể nói, nếu không có giới tinh hoa tham gia vào việc chuẩn bị luận cứ, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động thì chắc chắn bộ sẽ không thể thành công với 2 bộ luật quan trọng được Quốc hội thông qua năm 2018 và 2019, cũng như nhiều văn bản pháp chế khác.

* Vậy còn ưu tiên thứ hai: chăm lo cho đội ngũ nhà giáo thì sao, thưa ông?

- Tôi tâm niệm mình phải luôn đồng hành cùng thầy cô, thầy cô tâm huyết với nghề, quyết tâm đổi mới thì tôi mới thành công. Không thể nói suông được mà phải bằng hành động cụ thể. Trước hết, tôi yêu cầu rà soát tất cả những gì có thể làm được trong thẩm quyền để cho thầy cô tốt hơn thì làm. 

Trong đó có thể kể đến chỉ thị giảm tải cho thầy cô về sổ sách, các áp lực kỳ thi giáo viên giỏi; khuyến khích các thầy cô thay đổi, xây dựng nhà trường hạnh phúc. Hay là việc chỉ đạo xây dựng thang bảng lương cho giáo viên để trình Chính phủ, đảm bảo quyền lợi cao nhất trong khả năng của Chính phủ. 

Chúng tôi kiên trì, kiên định đề nghị giáo viên có bậc lương khởi điểm cao hơn 1 bậc so với viên chức các ngành khác cùng trình độ đào tạo và cùng thang bảng lương...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ đẩy mạnh tự chủ đại học - Ảnh 2.

Với cơ chế tự chủ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có điều kiện kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cho sinh viên thực hành - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Năm bản lề của đổi mới giáo dục - đào tạo

* Năm 2020 sẽ có gì thay đổi trong chương trình hành động của bộ trưởng?

- Có nhiều việc phải làm trong năm 2020, nhưng tôi ưu tiên hai việc quan trọng nhất, đó là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và đẩy mạnh tự chủ đại học. Về chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sẽ tăng cường chỉ đạo và cùng với các địa phương thực hiện thành công cuộc đổi mới này. 

Rất nhiều việc phải làm, song trọng tâm là chuẩn bị tốt các điều kiện như đội ngũ giáo viên, cơ sở trường lớp và sách giáo khoa. Chương trình đã có, sách giáo khoa đã có nhưng kết quả tổ chức thực hiện thế nào thì tùy thuộc rất nhiều vào các địa phương. 

Nói như thế không có nghĩa là phó mặc cho các địa phương mà bộ sẽ tiếp tục sâu sát đồng hành với các địa phương để cùng tổ chức thực hiện.

Sách giáo khoa và chọn sách giáo khoa luôn là đề tài thời sự, không bao giờ êm được. Tôi dự đoán trong 5 năm tới sách giáo khoa vẫn là chuyện nóng. Phải xác định rõ điều này để có giải pháp và ứng xử phù hợp".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Về tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học, tới đây sẽ triển khai một cách gấp rút nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những đổ vỡ, rối loạn. Một trong những nội dung tôi đặc biệt quan tâm là hội đồng trường, làm sao để hội đồng trường chuyển đổi từ không thực quyền sang thực quyền. 

Tâm điểm nữa của tự chủ đại học là phải nâng chất lượng đội ngũ, tăng cường quản lý chất lượng, chú trọng kiểm định chương trình, chuẩn đầu ra, siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, sửa các quy chế đào tạo, tạo điều kiện tự chủ cho các trường nhưng các trường phải đảm bảo chất lượng, nghĩa là tăng tự chủ nhưng cũng phải đi cùng với tăng trách nhiệm giải trình.

* Bộ trưởng nói siết chất lượng, nghĩa là nhiều trường đại học "èo uột" sẽ bị khai tử?

- Nhiều trường đại học ở nước ta còn có quy mô nhỏ, điều kiện đảm bảo chất lượng rất hạn chế, sống chủ yếu dựa vào học phí. Không ít trường trong số này có nguy cơ không tuyển sinh được. 

Khi được tự chủ, các trường yếu kém đã vi phạm quy chế tuyển sinh, làm liều, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. Vì thế, phải siết chất lượng. Những trường không tuyển sinh được, èo uột, không đảm bảo chất lượng sẽ bị xem xét dừng tuyển sinh hoặc có thể phải giải thể.

Một thời gian dài chúng ta thành lập khá nhiều trường đại học, giờ thì phải sắp xếp, quy hoạch lại để đảm bảo hiệu quả. Năm 2019, chúng tôi đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ 2 đề án: sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học công lập và sắp xếp lại các trường sư phạm. 

Tới đây những trường yếu, đơn ngành sẽ bị xem xét phải sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế theo hướng khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, đồng thời đầu tư mạnh cho các trường tinh hoa, trọng điểm.

* Bộ trưởng hình dung chân dung người Việt trẻ năm 2030 như thế nào?

- Tầm nhìn của giáo dục không chỉ 10 năm mà phải dài hơi hơn. Về chân dung của người Việt trẻ vào năm 2030, tôi có niềm tin họ được thụ hưởng chương trình giáo dục phổ thông mới, đó sẽ là lớp người phát triển toàn diện (đức, trí, thể, mỹ); tự chủ trong sáng tạo, ứng xử; mạnh dạn hơn, tự tin hơn, trách nhiệm hơn, có khát vọng hơn và hội nhập quốc tế.

"Vun cao, lấp trũng"

giáo dục

Sắp tới đây, giáo dục vùng trũng sẽ được quan tâm, đầu tư. Trong ảnh: Học sinh tại điểm trường Tắk Pổ (Quảng Nam) trên đường về nhà sau giờ học - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Xét về mức độ phát triển thì có thể tạm chia thành ba khu vực: trũng, bằng, cao. Thường thì trong kinh doanh, người ta chỉ chú ý tới cái có lợi, mang lại lợi nhuận cao; còn giáo dục thì không, phải chú ý cả ba, và đặc biệt là chỗ trũng, vì quyền của con người là được tiếp cận với giáo dục và ưu việt của chế độ ta là an sinh, trong đó quan trọng là giáo dục. Nhưng nếu chỉ thiên về chỗ trũng, tìm mọi cách để lấp trũng thì không bền vững, không xây dựng được đầu tàu để kéo nền giáo dục đi lên.

Do vậy, trong chính sách phát triển cần phải quan tâm ưu tiên các chính sách đối với vùng trũng, thường là khu vực miền núi, hải đảo, khó khăn. Bộ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc cùng các cơ quan khác của Chính phủ trình Quốc hội đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, tôi đặc biệt quan tâm đến chính sách khuyến khích "vun cao", tức là phát triển được các cơ sở giáo dục chất lượng cao, tiếp cận được chất lượng quốc tế. Đây là "đầu tàu" để kéo chất lượng giáo dục lên. Đối với những vùng không cao, không trũng cũng phải quan tâm vì đây là khu vực lớn, đa phần là nông thôn, phải đảm bảo cơ bản điều kiện giáo dục, tạo điều kiện hình thành những trường chất lượng.

Hiện tỉnh nào cũng có trường chuyên, phải củng cố hệ thống này theo hướng giáo dục toàn diện, là nơi ươm tạo và phát triển năng khiếu, tài năng sớm thành nhân tài chứ không phải chỉ là nơi học để đi thi đỗ đạt các giải quốc gia, quốc tế.

Đẩy mạnh tự chủ để giáo dục đại học phát triển Đẩy mạnh tự chủ để giáo dục đại học phát triển

TTO - Khi được tự chủ, các trường sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích đội ngũ làm việc hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhà trường.

NHẬT HUY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên