21/05/2024 11:29 GMT+7

Bác sĩ mở lớp dạy sơ cứu miễn phí giữ 'thời gian vàng'

Chứng kiến không ít trường hợp người dân vì không có hoặc thiếu kiến thức sơ cấp cứu dẫn đến bỏ lỡ "thời gian vàng" điều trị cho người bệnh, một bác sĩ tại Hà Nội đã quyết định mở lớp dạy sơ cấp cứu miễn phí từ nhiều năm nay.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn thực hành sơ cấp cứu căn bản - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn thực hành sơ cấp cứu căn bản - Ảnh: NVCC

Mượn không gian tại những nhà văn hóa của địa phương để mở lớp, vận động bà con đến học sơ cấp cứu miễn phí, đến nay bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (30 tuổi, TP Hà Nội) đã hướng dẫn cho hàng trăm người dân biết cách sơ cấp cứu trong "thời gian vàng" của những tình huống khẩn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chứng kiến nhiều cảnh đau lòng

Năm 2018, bác sĩ Dũng tốt nghiệp chuyên ngành hồi sức cấp cứu - Học viện Quân y, hiện anh đang công tác tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (TP Hà Nội).

Trong suốt thời gian công tác, đã không ít lần anh phải chứng kiến cảnh người dân vì thiếu những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản mà không kịp giành lại được mạng sống người thân của mình từ tay tử thần.

Nhớ lại một ca trực cấp cứu vào đầu năm 2024, bệnh nhân là một ông cụ gần 70 tuổi được xe cứu thương chở đến trong tình trạng toàn thân tím tái, suy hô hấp nặng. Ngay lập tức, bác sĩ Dũng cùng kíp trực nhanh chóng cho ông cụ đặt nội khí quản, tiến hành hút đờm.

Qua khai thác bệnh sử người nhà bệnh nhân cho biết khi đang ăn cơm thì ông bất ngờ khó thở, tím tái, trước đó ông có tiền sử bị tai biến, rối loạn nuốt.

Không nằm ngoài suy đoán, sau một vài thao tác sơ cứu, một dị vật mắc trong họng của ông cụ được lấy ra ngoài. Rất nhanh chóng, ông cụ thở được, da hồng hào trở lại.

"Nếu lúc đó người nhà đưa ông cụ đến bệnh viện chậm thêm vài phút nữa thôi thì khả năng ảnh hưởng đến tính mạng rất cao.

Nhưng ngược lại, chỉ cần một vài thao tác nhỏ thì chính những người trong gia đình cũng có thể đưa ông cụ thoát khỏi nguy hiểm sớm hơn", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy, bác sĩ Dũng kể anh từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không qua khỏi do được đưa đến bệnh viện quá muộn. Đáng nói, thực trạng hiện nay nhiều giáo viên dạy trẻ tự kỷ cũng chưa có cách xử lý đúng khi trẻ đột ngột lên cơn co giật, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Bằng những đau đáu đó, bác sĩ Dũng quyết định mở lớp học sơ cấp cứu dành cho tất cả mọi người, mọi độ tuổi.

Anh đích thân đến từng khu phố nhờ tổ trưởng thông báo, vận động mọi người đến tham gia. Sau đó anh xin mượn không gian nhà văn hóa của địa phương để tổ chức lớp học.

"Hễ ai muốn học và thực sự nhiệt tình đều có thể tham gia", bác sĩ Dũng nói. Vậy là những buổi dạy và học đầu tiên bắt đầu "khởi động" vào năm 2021, đến nay đã hơn ba năm và số lượng học viên đã lên đến vài trăm người.

Bác sĩ Dũng luôn tận tâm với bệnh nhân - Ảnh: NVCC

Bác sĩ Dũng luôn tận tâm với bệnh nhân - Ảnh: NVCC

"Ai cũng có thể cứu người"

Trong khoảng thời gian tầm 3 giờ, mọi người tham gia lớp học sẽ được chia sẻ kiến thức sơ cấp cứu căn bản, hướng dẫn thực hành cứu người trong các tình huống hay gặp trong cuộc sống như nhận biết và xử trí đột quỵ não, sơ cứu người bị rắn cắn, bị phỏng, bị côn trùng đốt, cấp cứu cho người bị co giật..., đặc biệt là kỹ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản.

Qua thực tế giảng dạy từ các buổi học kiến thức và thực hành, bác sĩ Dũng đánh giá kỹ năng sơ cấp cứu của những học viên tham gia lớp học còn rất yếu.

Hơn nữa, đa số người dân không nghĩ rằng bản thân mình cũng có thể cứu người. Trong khi kỹ năng này không cần phải có chuyên môn gì cao siêu cả, chỉ cần chăm chỉ, chú ý là có thể thực hiện được.

"Kỹ năng cấp cứu nào cũng quan trọng, bởi chỉ cần xử lý sai thôi có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi luôn khuyến khích mọi người hỏi thật nhiều trong các buổi học. Chính vì các tình huống trong cuộc sống rất đa dạng nên gói gọn các kiến thức trong một buổi học thì rất khó", bác sĩ Dũng nói.

Nhấn mạnh thêm về vai trò của lớp học, bác sĩ Dũng tâm sự việc nắm được quy tắc cấp cứu sẽ giúp mọi người nhận biết được các tình huống nguy hiểm, cần xử lý ngay, qua đó tiết kiệm thời gian vàng cho người bệnh.

Hơn nữa, những người tham gia các khóa học này sẽ thêm phần tự tin khi đối diện với hoàn cảnh mà trước đó có thể họ đã không giữ được bình tĩnh.

Từng tham gia khóa học sơ cấp cứu của bác sĩ Dũng, bà Nguyễn Thị Quí (60 tuổi, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết nhờ những kiến thức và kỹ năng bác sĩ Dũng hướng dẫn mà bà đã cứu được cháu mình qua cơn động kinh.

Bà kể: "Cháu tôi khi ấy lên cơn co giật, người tím đen. Thay vì run sợ, hoảng loạn thì tôi lại cực kỳ bình tĩnh, tôi đặt cháu nằm nghiêng để cháu dễ thở rồi ngay lập tức gọi xe cấp cứu và tri hô mọi người đến giúp đỡ.

Nhưng lúc bấy giờ tôi lại thấy cháu thở có vẻ khó khăn, nên tôi lấy hết can đảm hô hấp nhân tạo và ép tim cho cháu. Bác sĩ Dũng hướng dẫn thế nào thì tôi nhớ lại rồi làm y như vậy. Sau vài phút thì sắc mặt cháu tôi từ tím tái chuyển sang sáng dần lên".

Bà Quí còn kể khi vào đến bệnh viện thì cháu bà đã gần như hô hấp bình thường. Bác sĩ nói cũng may đã tiến hành sơ cứu kịp thời cho cháu. Lúc bấy giờ bà mới bật khóc, không tin mình vừa cứu được một mạng người.

Kết thúc mỗi buổi học là niềm vui, nụ cười, ánh mắt yêu thương của mọi người dành tặng. Đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục hành trình không biết mỏi mệt này.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng

Hành trình không biết mỏi mệt

Biết được những việc làm của bác sĩ Dũng rất có giá trị và giúp ích cho cộng đồng, vì vậy các thành viên trong gia đình và bạn bè anh luôn ủng hộ. Đây cũng là một trong những lý do để anh tiếp tục theo đuổi và duy trì lớp học sơ cấp cứu miễn phí.

"Tôi biết sức mình có hạn nhưng sẽ cố gắng miễn là mình còn sức khỏe, chỉ mong sao có thêm nhiều đồng nghiệp cùng chung tay, có thêm nhiều người ý thức được tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong việc làm tăng khả năng sống sót, ngăn ngừa khả năng nặng lên của thương tật, góp phần ổn định sức khỏe cho nạn nhân, tránh gây các hậu quả không mong muốn", bác sĩ Dũng cho hay.

Nói về dự định tương lai, anh tâm sự đang cố gắng xây dựng một chương trình ngoại khóa về sơ cấp cứu căn bản dành cho đối tượng là các em học sinh, nhằm trang bị cho các em kỹ năng sơ cấp cứu như một kỹ năng sống thiết yếu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cần thêm nhiều lớp học sơ cấp cứu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 - đánh giá trong những trường hợp khẩn cấp, việc người dân tham gia cấp cứu là cực kỳ quan trọng.

Trong thời gian chờ xe cứu thương đến, nếu người dân có được kỹ năng sơ cứu căn bản thì tỉ lệ duy trì được sự sống cho người bệnh sẽ rất cao. Bởi chính người dân là những người đầu tiên chứng kiến sự việc, nếu mỗi người biết cách sơ cứu sẽ tiết kiệm được thời gian vàng bởi có nhiều trường hợp nếu đợi xe cứu thương đến chắc chắn sẽ không kịp.

"Lực lượng sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Tuy nhiên lực lượng người dân được đào tạo sơ cấp cứu ban đầu ở nước ta vẫn còn rất hạn chế. Các địa phương cần mở rộng thêm nhiều các lớp tập huấn, buổi diễn tập, phổ cập kiến thức sơ cứu trong cộng đồng liên tục để người dân dễ dàng tham gia", ông Long nhận định.

Tình yêu sách của bác sĩ Nguyễn Duy LongTình yêu sách của bác sĩ Nguyễn Duy Long

'Một cuốn sách lặng lẽ trên kệ sách, bắt đầu một hành trình đa truân, tìm đến người quý chuộng và nặng mối nhân duyên mà', đó là một câu trong trang đầu cuốn Về chốn thư hiên của bác sĩ Nguyễn Duy Long (TP Quảng Ngãi) viết về thú chơi sách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên