Khi nào quân đội Ukraine có thể trả đũa bằng cách tấn công ngược lại các mục tiêu trong lãnh thổ Nga? Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council cho rằng: Đó là khi các đối tác của Ukraine cho phép Kiev làm như vậy.
Phương Tây không muốn Ukraine tấn công lãnh thổ Nga
Tuần trước, Mỹ đã công bố quyết định viện trợ các loại vũ khí có tầm bắn xa hơn cho Ukraine. Kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, đó là lần đầu tiên Mỹ "nâng cự ly" tấn công trong các loại vũ khí Washington cung cấp cho Kiev.
Sự chần chừ của Mỹ được giải thích rất dễ dàng, công khai, và gây tranh cãi.
Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn Ukraine tấn công lãnh thổ Nga vì điều này sẽ đẩy căng thẳng lên cao. Một số ý kiến lập luận rằng việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga sẽ tạo cớ để Tổng thống Nga Vladimir Putin càng đẩy mạnh chiến dịch ở Ukraine.
Một khi người Nga bị tấn công, đó sẽ là lúc sự ủng hộ về ý chí và chính trị dành cho chiến dịch Ukraine của ông Putin tăng cao. Đây cũng là lo ngại chung của phương Tây. Atlantic Council thậm chí nhận định rằng phương Tây đang phải… bảo vệ Nga trước nguy cơ bị Ukraine tấn công vào đất Nga.
Thứ hai, Mỹ không muốn tạo hình ảnh đối đầu trực diện với Nga hoặc dấn quá sâu vào chiến sự. Điều này nghĩa là ít nhất nếu Ukraine tấn công Nga, thì Kiev tốt nhất nên dùng vũ khí của nước khác chứ không phải của Mỹ.
Ukraine đang bắn tín hiệu tấn công lãnh thổ Nga?
Xét hai lý do trên, việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga sẽ là điều "đại kỵ" đối với Mỹ và phương Tây, nhưng khả năng này lại đang dần hiện rõ nếu xét hai diễn biến gần đây nhất. Các quan chức Ukraine đã úp mở ý định tấn công lãnh thổ Nga trong khi đảm bảo không xung đột với hai lý do nêu trên.
Đầu tiên, định nghĩa về cái gọi là "lãnh thổ Nga" đang không có sự thống nhất.
Trong phát biểu trước các tướng lĩnh ngày 7-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chỉ trích việc phương Tây gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, khẳng định Mỹ và đồng minh đang cố kéo dài cuộc xung đột hết sức có thể.
"Nhằm đạt được điều này, họ đã bắt đầu cung cấp vũ khí tấn công hạng nặng, công khai thúc giục Ukraine chiếm lấy lãnh thổ của chúng ta. Trên thực tế, những bước đi này đang kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và có thể dẫn tới một mức độ leo thang căng thẳng không thể đoán được", ông Shoigu nói.
Theo Reuters, "các lãnh thổ Nga" mà ông Shoigu đề cập nhiều khả năng là bốn vùng ở phía đông và nam của Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Đây là chi tiết có thể khiến cục diện xung đột quân sự Ukraine trở nên rắc rối trong thời gian tới. Hiện nay Ukraine nêu rõ quyết tâm tái chiếm các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát. Các quyết định viện trợ quân sự gần đây của phương Tây cho Kiev, bao gồm xe tăng tiên tiến, cũng được cho phục vụ mục tiêu trên.
Nói cách khác, bất đồng trong cách định nghĩa "lãnh thổ Nga" sẽ khiến Ukraine tấn công vào các khu vực sáp nhập mà Nga cho là lãnh thổ vĩnh viễn thuộc về Nga.
Phương Tây không công nhận sự sáp nhập này, do đó không thể bắt bẻ Ukraine. Ngược lại, nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ có thêm lý do chính đáng để tiếp tục leo thang.
Thứ hai, Ukraine có thể dùng các loại vũ khí khác để tấn công lãnh thổ Nga.
Từ đầu chiến sự đến nay, Ukraine luôn bác bỏ ý định tấn công lãnh thổ Nga. Điều này thể hiện qua các phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov.
Tuy vậy, có một sự lưu tâm rất đáng chú ý trong ngôn ngữ của họ: Ukraine sẽ không dùng vũ khí của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Điều này có nghĩa họ có thể tấn công bằng các loại vũ khí khác.
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với Đài CNN ngày 6-2, thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov đã đề cập tới chi tiết này khi hé lộ khả năng tấn công lãnh thổ Nga.
"Về lãnh thổ Nga, không ai cấm chúng tôi phá hủy các mục tiêu bằng vũ khí sản xuất tại Ukraine. Liệu chúng tôi có các loại vũ khí như vậy hay không à? Vâng, chúng tôi có", ông Danilov nói.
Ngoài ra, sự chú ý hiện dồn về lãnh đạo tình báo Ukraine Kyrylo Budanov, người đang được đồn đoán sẽ làm bộ trưởng quốc phòng thay ông Reznikov.
Ông Budanov từng có những phát biểu được báo chí phương Tây nhìn nhận như cách thể hiện ý định tấn công lãnh thổ Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC News hồi tháng 1, ông cho biết "rất vui khi thấy" vụ tấn công trên đất Nga. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ sẽ có thêm các cuộc tấn công như vậy hay không, Budanov đáp: "Tôi nghĩ là có".
Ông Budanov thời điểm ấy được hỏi về vụ tấn công căn cứ không quân Engels, nằm cách biên giới Ukraine khoảng 800km. Ukraine không nhận trách nhiệm vụ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận