Dân Mỹ ở thành phố Columbia, South Carolina biểu tình vì cái chết của người đàn ông da màu dưới tay cảnh sát - Ảnh: NYT
Theo Đài CNN, Tổng thống Donald Trump vừa đăng đàn trên Twitter đòi gắn mác "khủng bố" cho Antifa - tổ chức gồm nhiều nhóm nhỏ mang khuynh hướng chính trị thiên tả hoặc cực tả - vì liên quan đến làn sóng biểu tình bạo lực những ngày qua trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, lập tức các quan chức Mỹ lên tiếng rằng Chính phủ không thể vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp vốn bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí mà chỉ dựa trên một tư tưởng đơn giản.
Luật pháp Mỹ chỉ cho phép gắn mác "khủng bố" lên các tổ chức nước ngoài vì thành viên tham gia các tổ chức đó không được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ.
Antifa (nghĩa là Chống phát xít) hoạt động trên hệ tư tưởng thiên tả, nhưng nó không giống với các giá trị thiên tả của Đảng Dân chủ.
Quan điểm của Antifa khó định nghĩa chính xác, nhưng nhiều thành viên của phong trào ủng hộ tầng lớp dân chúng bị áp bức, phản đối các tập đoàn, tầng lớp tinh hoa vơ vét của cải trong xã hội. Một số áp dụng chiến thuật quá khích và hung hăng để phát đi thông điệp.
Một vấn đề khác, các nhóm tự nhận là Antifa thường là vô định hình, không có cấu trúc chỉ huy chính, chỉ có một số nhóm hoạt động được tổ chức bài bản. Cũng vì điều này mà chính quyền hay gặp khó khi xử lý nạn bạo lực của các nhóm Antifa.
Ông Trump đòi xử lý Antifa ngay sau khi ông và Bộ trưởng Tư pháp William Barr cáo buộc các nhóm cực tả chịu trách nhiệm về nhiều vụ biểu tình bạo lực trên cả nước.
Giới chức liên bang của Mỹ cho biết họ đã để ý đến sự xuất hiện của các nhóm từ bên ngoài, không phải dân địa phương, trong các đợt biểu tình hợp pháp ở Minneapolis và nhiều nơi khác. Những kẻ này đứng sau nhiều vụ đốt phá tài sản và bạo lực.
Hiện một số nhóm cực hữu cũng đã tham gia bạo động mặc dù sự hiện diện chưa nhiều bằng cực tả. Nhà chức trách lo ngại hai phe này sẽ đụng độ trong những ngày tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận