Người biểu tình ở Manhattan, New York ngày 31-5 phản đối cái chết của George Floyd - người da đen bị một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút và tử vong hôm 25-5 - Ảnh: REUTERS
Ngày 1-6, báo New York Times của Mỹ có bài viết với tiêu đề: "Liệu các cuộc biểu tình sẽ gây ra làn sóng COVID-19 thứ hai?".
Bài báo đặt vấn đề về các cuộc biểu tình rầm rộ những ngày qua ở nhiều thành phố của Mỹ, phản đối cái chết của ông George Floyd, với hàng ngàn người ra khỏi nhà và tập trung đông đúc trên các con đường. Điều này khiến các nhà lãnh đạo, bác sĩ và chuyên gia y tế công lo ngại và cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm COVID-19.
Trong khi khẳng định người dân có quyền bày tỏ quan điểm, nhiều lãnh đạo đã thúc giục người biểu tình đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội để bảo vệ chính họ cũng như để ngăn tình trạng lây lan COVID-19 trong cộng đồng.
Đến nay đã có hơn 100.000 người Mỹ tử vong do COVID-19. Trong đó, người Mỹ da màu chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề, với tỉ lệ nhập viện và tử vong vượt xa người da trắng.
Các cuộc biểu tình bạo lực, từ phóng hỏa cho tới cướp phá, diễn ra trong bối cảnh nhiều bang ở Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại sau nhiều tuần thực hiện lệnh buộc người dân ở lại trong nhà, khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tại Los Angeles - nơi các cuộc biểu tình dẫn tới đóng cửa các địa điểm xét nghiệm COVID-19 cuối tuần trước, thị trưởng Eric Garcetti cảnh báo các cuộc biểu tình trên có thể trở thành "những sự kiện siêu lây nhiễm", dẫn tới làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở Mỹ.
Trong khi đó, thống đốc Larry Hogan của bang Maryland bày tỏ lo ngại bang của ông sẽ chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trong khoảng 2 tuần nữa. Thị trưởng thành phố Atlanta, bà Keisha Lance Bottoms, thì thành thật khuyên người biểu tình: "Nếu các bạn đi ra ngoài tham gia biểu tình tối qua, có lẽ các bạn cần đi xét nghiệm COVID-19 trong tuần này".
Nhà nghiên cứu lịch sử y học Howard Markel đã so sánh các cuộc biểu tình trên với các cuộc tuần hành được tổ chức ở các thành phố của Mỹ - chẳng hạn Philadelphia và Detroit - vào thời điểm diễn ra đại dịch cúm năm 1918, với hậu quả là số ca bệnh gia tăng.
"Đúng là các cuộc biểu tình diễn ra ở ngoài trời, nhưng người biểu tình thật sự đang đứng san sát nhau. Và trong trường hợp này, việc ở ngoài trời không bảo vệ bạn được gì nhiều", ông Howard Markel nói, đề cập đến các ý kiến cho rằng môi trường thông thoáng ngoài trời sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Trong các cuộc biểu tình đòi công lý cho người Mỹ gốc Phi George Floyd, người ta nhận thấy có nhiều người biểu tình đeo khẩu trang, nhưng cũng có nhiều người không che chắn gì.
Việc cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình có thể khiến mọi người ho và tác động đến cả mắt, mũi, miệng, từ đó làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh cho nhau. Việc hô to các khẩu hiệu và la hét khi tham gia biểu tình cũng có thể làm tăng nguy cơ này, theo ông Markel.
Các chuyên gia cũng lo về những người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Giáo sư Ashish Jha đến từ Viện Y tế toàn cầu Harvard kêu gọi người biểu tình hạn chế các hành vi bạo lực, đồng thời thúc giục cảnh sát kiềm chế. Ông lo là việc bắt, đưa đi và giam giữ người biểu tình càng làm tăng nguy cơ lây lan COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận