23/08/2021 10:58 GMT+7

Tôi đi tiêm vắc xin

TRẦN TRÀ MY
TRẦN TRÀ MY

TTO - Tự thuật của cây bút Trần Trà My, từ việc mong đợi được tiêm vắc xin COVID-19 lẫn phập phồng có đủ sức khỏe để tiêm hay không và cuối cùng là trải nghiệm vượt qua sự khó chịu sau mũi tiêm mong mỏi.

Tôi đi tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Trước khi tôi đi tiêm, anh Hồ Trung Kiên (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 13, quận Tân Bình) tặng ít sữa và thuốc bổ - Ảnh: T.C.

LTS: Trần Trà My, nhà văn sinh năm 1986, bị khuyết tật nặng ở hai chân và cả tay, thuộc nhóm người yếu thế trong đại dịch này. Cô đã tự thuật lại mong đợi được tiêm vắc xin COVID-19 lẫn phập phồng có đủ sức khỏe để tiêm hay không, cuối cùng là trải nghiệm vượt qua sự khó chịu sau mũi tiêm mong mỏi...

Tôi viết bài này để mọi người biết trong xã hội có nhiều người yếu thế đang rất cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn bị khiếm khuyết cơ thể đừng sợ hãi, hãy để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và quyết định tiêm cho mình.

TRẦN TRÀ MY

1. Giữa bão dịch trầm trọng ở TP.HCM, tháng 7 tôi thử đăng ký online tiêm vắc xin. Trong chờ đợi, tôi chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, vitamin C, lá xông, sả khô và cả lá tía tô khô để uống. Mỗi lần thấy họng và mũi hơi khó chịu, tôi lại tự nấu ngay một nồi xông. Cứ vậy tôi loay hoay, chờ đợi một mình trong căn phòng trọ 16m2.

Tôi cố gắng bình tĩnh để chờ ngày được tiêm vắc xin, nhưng đã gần 3 tuần trôi qua vẫn không thấy ai gọi. Hằng ngày, tôi đọc những con số thống kê người nhiễm bệnh, người mất do COVID-19 ngày một tăng. Và điều đáng sợ nhất là khi mất đi phải đem thi thể vào lò hỏa thiêu. 

Tôi không sợ chết bằng nếu như không may mình bị chết cháy hoặc là chết vì bệnh truyền nhiễm. Nó đồng nghĩa với việc toàn bộ nội tạng và cơ thể mình đều không thể hiến tặng cho những người cần đến. Đó là một cái chết chẳng kịp giúp gì thêm cho đời như suy nghĩ của tôi.

Đắn đo rất lâu, tôi quyết định chủ động liên lạc với anh Hồ Trung Kiên, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 13 tôi đang sống ở quận Tân Bình. Anh hỏi tôi có bị dị ứng gì hay có đang sử dụng thuốc gì không. 

Tôi bảo mình thuộc nhóm người dị ứng nhẹ với kháng sinh và dị ứng với các loại thịt đỏ. Còn lại sức khỏe bình thường và không sử dụng bất kỳ loại thuốc gì cả.

Anh bảo vậy hôm sau tôi ra trường mầm non đang có chiến dịch tiêm vắc xin cho cộng đồng, và nhờ một bạn đang làm bên thư viện quận Tân Bình qua đón tôi đi tiêm. Chiều hôm đó, tôi tắm rửa sạch sẽ, ăn một chén cơm đầy và uống sẵn vitamin C. Trước khi ra đường, tôi còn "xí xọn" xịt thêm tí nước hoa, đeo khẩu trang và đeo thêm kính bảo hộ cho an toàn.

Nhưng đến nơi thì cán bộ y tế thấy tình trạng khuyết tật của tôi liền cẩn thận hỏi kỹ thông tin, rồi quyết định làm giấy tờ cho tôi ra trung tâm y tế phường tiêm cho bảo đảm an toàn. Lại nhờ bạn chở đến trung tâm y tế phường, tôi chờ làm thêm thủ tục, đo thân nhiệt. 

Bác sĩ tiếp tục cẩn thận hỏi tôi về tiền sử bệnh tật và có bị dị ứng gì, sau đó đo huyết áp và đo cả lượng đường trong máu. Có lẽ do tôi hơi lo lắng, huyết áp bị hạ thấp nên phải ngồi nghỉ để bác sĩ tiếp tục đo lại. 

Sau đó, tôi lại được đưa qua một phòng của bác sĩ khác để đo thêm nhịp tim và tiếp tục kiểm tra huyết áp. Có lẽ tôi được kiểm tra sức khỏe đặc biệt hơn người bình thường.

Tôi đi tiêm vắc xin - Ảnh 3.

Bác sĩ đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho tôi trước khi tiêm - Ảnh: T.C.

2. Thật may mắn, lần này bác sĩ đã ký giấy cho tiêm và đưa tôi qua một phòng khác. Một nữ nhân viên y tế thấy tôi ngồi xe lăn, liền niềm nở cười như để trấn an cho tôi khỏi sợ, chứ thật ra tôi vốn là đứa chẳng sợ kim tiêm. 

Trong tích tắc đã xong mũi tiêm và trong vài giây ấy tôi bỗng có cảm giác hơi ù tai một xíu. Thoáng chút lo sợ, tôi tự nhủ sao cơ thể mình phản ứng nhanh với vắc xin vậy? Loại vắc xin tôi được tiêm là AstraZeneca mà tôi tìm hiểu thật kỹ trên mạng.

Tôi lại ngồi trong phòng chờ 30 phút để xem cơ thể có xảy ra biến chứng gì không. Và lúc này tôi có thời gian quan sát để bắt chuyện làm quen với "biệt đội áo xanh" - các bạn tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ bịt kín từ đầu đến chân hỗ trợ người dân đến tiêm. 

Các bạn là những sinh viên của Trường đại học Y tế cộng đồng tại Hà Nội tình nguyện vào đây chống dịch. Tự nhiên quan sát họ, tôi lại chạnh lòng nghĩ: "Mình bịt khẩu trang và đeo kính chống giọt bắn chưa đầy một tiếng mà đã khó thở. Huống hồ các bạn phải mặc nguyên bộ đồ bảo hộ như vậy".

Thế mà bạn Cường, người chở giúp tôi đi tiêm, lại hồ hởi bảo: "Chị ơi, thứ bảy này em cũng đi làm tình nguyện viên như các bạn ấy và phải mặc đồ bảo hộ nguyên ngày đó chị". Sau 30 phút, cơ thể tôi vẫn bình thường nên bác sĩ đã cho tôi ra về. 

Trên đường về, tôi tranh thủ chạy qua con hẻm Tân Hải để mua ít trái cây. Vào nhà, tôi vội tắm rửa, thay bộ đồ khác và phập phồng chờ đợi xem cơ thể nó có phản ứng gì không. Tôi vắt hai trái cam uống, pha một gói cháo để ăn. 

Bất ngờ, đang đứng trên bếp, cổ tay tôi nhói lên một cái như bị điện giật và hai bả vai bắt đầu ê ẩm...

4h30, cơ thể tôi bắt đầu ớn lạnh, run cầm cập. Tôi phải đắp hai cái chăn vẫn còn thấy lạnh. Tôi vội ngồi dậy, uống từng ngụm nước lá tía tô ấm. Cơn sốt kéo dài trong một tiếng, cơ thể lại tự hạ nhiệt, nhưng tôi vẫn không thể nào ngủ được. 

Toàn thân bắt đầu đau nhức ở các khớp xương. Cơ thể mệt lả vì kiệt sức. Hai bả vai tôi như thể vừa bị ai đánh. Tôi nằm bẹp đến 8h30, người bạn lại pha một gói cháo, một ly nước gừng và cắt thêm một trái ớt chuông cho tôi ăn sống.

Rất kỳ lạ là tôi vẫn ăn ngon miệng, chứ không phải ngán ăn như những trận sốt cảm bình thường. Ăn xong, tôi uống thêm viên vitamin C và còn ăn thêm ít bánh. Cơ thể vẫn đau nhức đến mức tôi phải bật khóc. 

Nó đau từng cơn trong 30 phút ở từng bộ phận khác nhau. Cảm giác như con virus nó đang chạy khắp cơ thể mình vậy. Cơn sốt nhẹ lại ập đến và đỉnh điểm tôi không thể tự ngồi dậy đi vệ sinh. Đau đến mức tôi thiếp đi trong hai tiếng.

Tôi đi tiêm vắc xin - Ảnh 4.

Mũi tiêm mong mỏi - Ảnh: B.C.

3. Đến 13h chiều mở mắt ra là cơ thể tôi thèm ăn cơm. Tôi xin hàng xóm một chén cơm và tự xào cá hộp với ớt chuông. Tôi ăn một cách ngon lành. Uống thêm một viên hạ sốt. 

Tôi định bụng sẽ đi ngủ tiếp. Nhưng khi tiếng chuông điện thoại reo, tôi chợt nhớ ra hôm nay mình xin 10 phần quà để tặng cho 10 người khó khăn trong khu nhà trọ mình. Cơ thể rã rời nhưng tôi vẫn gắng đợi người giao quà đến.

Nhận hàng xong, tôi gọi mọi người ở trên lầu xuống trao quà và chụp ảnh lại để gửi nhà tài trợ. Cơn sốt lại ập đến và có dấu hiệu khó thở, tôi lại vã mồ hôi. Cố ăn xong cháo và uống lá tía tô thay nước lọc, tôi tự nhủ sẽ không uống thêm bất kỳ viên hạ sốt nào để xem cơ thể phản ứng ra sao. 

Lần này, cơ thể đau nhức ít hơn, nhưng tôi vẫn bị mất ngủ. Ban đêm, tôi uống thêm nước ấm phòng khi mất nước vì sốt.

Sáng hôm sau tôi chỉ còn đau hai bả vai, còn lại đều ổn. Các khớp xương đã giảm đau, thi thoảng tôi chỉ nhức đầu và tim đập hơi nhanh. Chắc có lẽ vắc xin thương nên chỉ hành tôi một cách rất nhẹ nhàng.

Tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người khác, cầu mong mọi người đều được tiêm vắc xin như tôi.

Tôi thèm ăn và khó ngủ sau tiêm

22h đêm đầu tiên sau khi tiêm, tôi lo xa, uống sẵn viên hạ sốt dù chưa thấy có dấu hiệu gì. Tối đó, tôi nhờ một bạn trọ gần phòng qua ngủ chung, đề phòng trường hợp bị gì còn có người cứu.

Kỳ lạ là 12h đêm, cơ thể tôi lại bồn chồn và cứ thèm ăn. Tôi uống thêm sữa, ăn chút trái cây và một cái bánh ngọt. Rồi suốt cả đêm tôi cứ thấy bồn chồn, tim hơi đập nhanh nhưng nhiệt độ vẫn bình thường.

Tôi có cảm giác mình thêm tăng động chứ không hề đau nhức như mọi người vẫn hay chia sẻ. Vẫn cố nhắm mắt nhưng tôi không ngủ được.

Nhật ký đi tiêm vắc xin của tác giả bộ tranh ‘em bé cách ly’ lại gây sốt Nhật ký đi tiêm vắc xin của tác giả bộ tranh ‘em bé cách ly’ lại gây sốt

TTO - Tiếp theo bộ tranh ‘em bé cách ly’ gây xúc động mạnh với cộng đồng gần đây, Nguyễn Vũ Xuân Lan lại vừa ‘gây bão’ với bộ tranh ‘Nhật ký đi tiêm vắc xin’ thật dễ thương, nhận về hơn 55.000 lượt yêu thích chỉ sau 1 ngày.

TRẦN TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên