TTO - Chỉ cao hơn 1m3, đi lại nói năng rất khó khăn, cô gái khuyết tật đã quyết rời quê nghèo Quảng Trị một mình vào TP.HCM để “tự đứng bằng đôi chân” của mình.
TTO - Ba tháng tuổi tôi đã một mình nằm ở nhà xác suốt 8 tiếng đồng hồ, thành ra tôi vẫn hay nói vui rằng bé tí đã nằm nhà xác rồi nên giờ chả có gì làm tôi sợ hãi cả!
Ba mẹ tôi cưới nhau năm 1981, ít lâu sau ba tôi đi bộ đội biên giới Việt - Lào. Mãi đến giữa năm 1985, ba tôi mới trở về quê.
Ngày mẹ tôi mang thai là ngày mà cả gia đình nội ai cũng vui mừng vì ba tôi là con trai trưởng.
Mẹ bảo lúc mang thai tôi, chỉ cần ngửi thấy mùi tanh của cá thịt là đã buồn nôn. Vậy nên trong suốt thai kỳ mẹ tôi gần như ăn chay. Bởi vậy tới tận bây giờ gần như 80% thực phẩm tôi nạp vào cơ thể là rau củ quả và các loại hạt.
Thậm chí tôi còn có tâm niệm một ngày nào đó đủ duyên, tự khắc tôi sẽ không ăn cá và các loại hải sản để chuyển qua ăn chay trường.
Trong suốt thai kỳ, mẹ liên tục ốm nghén, tôi gần như "quấy" mẹ suốt 9 tháng 10 ngày.
Thật ra sau này học về thai giáo, tôi hiểu ra một điều rằng không phải tự nhiên mà thai nhi liên tục "quấy" mẹ, bởi nó cảm nhận được những dấu hiệu bất ổn từ môi trường bên ngoài. Nhưng ba tôi bảo lúc trong bụng mẹ, tôi đã không hề quẫy đạp như các bào thai khác. Và cái "quấy" của tôi làm cho mẹ liên tục ốm nghén mà thôi.
Tất nhiên vào những năm đất nước còn nghèo khó, y tế thiếu thốn, làm sao người mẹ có thể hiểu được "những tín hiệu" phát ra từ đứa con trong bụng mình? Bởi từ lúc mang thai mẹ tôi đã đi buôn thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Loại chất này cực kỳ độc hại cho người sử dụng và tối kỵ với phụ nữ mang thai, thế nhưng hằng ngày mẹ tôi vẫn phải ngửi chúng rồi mới đem đi bán cho người sử dụng. Mẹ kể mỗi lần ngửi thuốc xong là người cứ thấy chóng mặt, buồn nôn.
Tôi ra đời cũng khỏe mạnh và đầy đủ tay chân như bao trẻ khác. Là cháu đầu tiên nên từ nhỏ tôi đã được hai bên nội ngoại cưng chiều.
Ban đầu, nốt ruồi son trên bàn chân phải tôi bé bằng hạt đậu đỏ, nhưng rồi nó dần to ra. Mọi người cứ nghĩ đó chỉ là cái bớt mà thôi. Nhưng nó ngày một to ra thì nỗi lo sợ của ba mẹ tôi ngày một tăng theo.
Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, ba mẹ vẫn muốn đưa tôi vào Bệnh viện trung ương Huế để mổ. Bởi họ sợ nếu không giải phẫu cắt bỏ, tôi sẽ có nguy cơ chết nếu ai đó vô tình chạm vào cái bớt kia, làm những mạch máu rất dễ vỡ ra và khó cầm máu kịp.
Ba tháng tuổi tôi đã lên bàn mổ. Êkip hôm đó chỉ hai bác sĩ chính và thực tập. Cái thời điều kiện y tế chỉ có một cái bình oxy thay cho máy oxy, chỉ cần người cầm bình oxy sơ suất có thể làm nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.
Bác sĩ ra thông báo cho ba mẹ tôi đang ngồi ở ngoài rằng tôi đã chết, và họ làm thủ tục chuyển tôi vào nhà xác để sau này mổ tử thi chứ tuyệt đối không cho mang thi thể về nhà.
Thời đó điện thoại chưa thông dụng, ba tôi nhờ người gọi về báo tin rằng tôi đã chết và gia đình chuẩn bị lo hậu sự!
...17h chiều cùng ngày, tự nhiên trong nhà xác phát tiếng khóc ré lên, ba tôi đạp cửa xông vào bế tôi ra khỏi đó.
Kết quả, não tôi bị thiếu oxy, đã tổn thương nặng về hệ thần kinh vận động và hệ thần kinh giọng nói, còn tất cả cơ quan khác vẫn bình thường. Bởi lẽ nếu não tôi bị chết đi một số chức năng nữa thì chắc chắn tôi sẽ không thể có được như ngày hôm nay.
Tôi là một đứa trẻ có mùi mồ hôi rất kinh khủng, thậm chí lên 7 tuổi tôi vẫn phải ăn cơm bằng cách để người khác nhai hộ (thời đó không có máy xay sinh tố) rồi cho vào miệng tôi mới có thể nuốt được.
Cơ thể tôi mềm như cọng bún, miệng lúc nào cũng chảy nước miếng và đến 9 tuổi ba tôi đã tự trang bị nhiều dụng cụ phục hồi chức năng để bắt tôi tập đi. Hình như lúc tôi 7 tuổi còn ở quê, ba đã tự chế một chiếc khung xe bằng mây để tôi có thể đẩy đi quanh sân nhà.
Bản thân tôi nhận thấy cơ thể mình tự phục hồi qua mỗi năm.
Cán bộ phục hồi chức năng ở xã Cam An (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã giới thiệu gia đình tôi cho những đoàn tập huấn trong nước lẫn quốc tế. Và 7 tuổi, tôi đã được làm "người mẫu ảnh" cho trang bìa của cuốn cẩm nang về hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Tuy giọng nói ú ớ nhưng 4 hay 5 tuổi tôi đã biết xem đồng hồ. Mẹ tôi chỉ dạy có một lần tôi đã nhớ. Còn những bài thơ, ca dao hay bài hát thiếu nhi do mẹ hay cô ruột tôi dạy, tôi đều ghi nhớ rất nhanh.
Từ nhỏ, tôi như cuốn "notes" của gia đình vì tôi có trí nhớ đặc biệt để nhắc việc cho từng người, dù lúc đó tôi chỉ nằm một chỗ và mỗi lần nhà có đám giỗ thì mọi người sẽ thay phiên nhau bế tôi đi chơi khắp xóm.
5 tuổi tôi chỉ nói được ú ớ, nhưng đã có biệt danh "mụ tám mươi" bởi khả năng nhận biết ngôn ngữ và óc quan sát của tôi cực tốt dù không hề được đi học mẫu giáo. Ở nhà chỉ có mẹ và cô tôi dạy những điều cơ bản như phân biệt màu sắc, đồ vật, thứ ngày, thời gian, nhận biết các con số...
6 tuổi, tôi đã học thuộc hết bộ đồ chơi lắp ghép chữ cái do ba tôi mua về. Nhà tôi lúc đó ba chị em san sát nhau ra đời. Ba tôi đã xin vào lái xe ở Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, nên mỗi khi đi công tác ba đều tranh thủ mua đồ chơi cho chúng tôi.
Thậm chí, tôi và em gái mình vẫn còn chơi đồ hàng cho đến năm 15, 16 tuổi thì bị mẹ tôi dẹp bỏ do chúng tôi không chịu sắp xếp gọn gàng, chứ nếu không chắc hai chị em tôi vẫn chơi đến già...
TTO - Tôi còn nhớ nhà tôi từ quê Cam Lộ lên thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vào năm 1992 hay 1993 gì đó. Và trong khu tập thể của xí nghiệp bia cũ nhà tôi vừa đông con lại vừa nghèo nhất.
Nguyên cái dãy khu tập thể gồm 10 nhà thì ai cũng sinh 1-2 con, riêng nhà tôi đã có ba đứa con. Lúc bấy giờ chỉ có ba tôi là lao động chính, mẹ phải ở nhà giữ ba đứa nhỏ.
Đúng là từ nhỏ tôi đã bị ám ảnh cái nghèo, ám ảnh cảnh đông con, ám ảnh cảnh toàn phải đi xin vật dụng cũ và ám ảnh những bữa cơm chỉ có rau muống, đậu hũ, bí đao. Đó là những món mà nhà tôi thay phiên nhau để ăn, đến mức có người hàng xóm ngạc nhiên hỏi sao nhà tôi ăn vậy không ngán?
Lúc mẹ tôi vỡ kế hoạch mang thai đứa thứ tư, cái nghèo ám ảnh đến nỗi tôi đã tự hứa với lòng mình sau này lớn lên phải kiếm thật nhiều tiền để có thể mua sắm những vật dụng cho ba mẹ, chứ quyết không đi xin ai cả.
Tuy bị khuyết tật nhưng từ nhỏ đầu óc tôi đã rất nhạy bén với thế giới xung quanh, luôn mơ mộng và cũng là "sư tổ" của những câu hỏi. Ngồi một chỗ và thế giới bên ngoài của tôi chỉ là cái tivi 14 inch cũ kỹ, nhưng mỗi lần tivi chiếu cái gì là thể nào tôi cũng quay sang hỏi người bên cạnh.
Càng không biết đọc tôi càng hỏi nhiều hơn. Thậm chí em giở sách giáo khoa ra tôi cũng phải hỏi. Mỗi lần thấy ba mẹ dạy em gái tôi học thể nào tôi cũng kiếm tờ giấy và cây bút để ngồi kế bên cố nguệch ngoạc.
Lúc đó tôi chả biết viết hay biết vẽ gì đâu, nhưng trẻ con đứa nào chả thích bắt chước, nhất là đứa bé sở hữu "bộ não rất hiếu động" như tôi.
Lúc tôi lên 10 tuổi em gái tôi đã học lớp 3, đứa em trai thứ ba vào lớp 1, còn đứa út mới được 1 tuổi. Cái nghèo càng nhân lên khi có thêm đứa con đi học.
Tôi nhớ có lần mấy chị em tôi ngồi quanh ba chơi, ba đã hỏi mấy chị em tôi rằng: "Nhà mình một ngày ăn hết 10.000 đồng thì 30 ngày sẽ ăn hết mấy?". Suy nghĩ một hồi, chỉ có tôi là đứa trả lời 300.000 đồng.
Đó là số tiền lương ba tôi nhận hằng tháng từ công việc tài xế và có lẽ tương ứng với 3 triệu đồng cho thời điểm này.
Tôi không hiểu sao lúc đó tôi đã tính toán được dù ngay cả việc cộng, trừ, nhân, chia tôi vẫn chưa hề biết. Nhưng tôi vẫn ý thức được mỗi ngày gia đình tôi chỉ được phép tiêu 10.000 đồng cho sáu người ăn cả ba bữa sáng, trưa, chiều.
Hằng đêm thấy ba mẹ tôi thay phiên nhau dạy hai đứa em học, tự dưng nỗi "uất ức" của tôi càng nhân lên.
Tôi thấy những đứa trẻ quanh mình và hai em ngày ngày được đi học, về đến nhà được học bài, được đọc truyện tranh, được đọc báo dành cho thiếu nhi. Và tôi hay nghe ba tôi dạy các em rằng: "Ấu bất học. Lão hà vi". Tức nếu nhỏ không chịu học thì lớn lên sẽ đi ăn mày.
Tôi bị ám ảnh câu nói đó và bắt đầu mơ hồ nhận ra sự khác biệt của mình với mọi người xung quanh cũng như lo sợ tương lai của mình.
Tôi bắt đầu khao khát biết chữ và xin ba mẹ cho tôi được đi học như các em. Ngày nào tôi cũng năn nỉ để được đến trường học. Nhưng mẹ tôi không hề biết đi xe máy, ba tôi lại thường xuyên đi công tác.
Và khổ nỗi các trường học dành cho trẻ khuyết tật đặc biệt như tôi thì tôi lại quyết tâm không học. Còn những trường bình thường chả ai dám nhận đứa trẻ có thể trạng yếu ớt và dị dạng như tôi khi đi lại khó khăn với chiếc xe đẩy và giọng nói chỉ là những âm ú ớ không rõ tiếng.
Không được đi học tôi nhờ em tôi dạy chữ. Tay tôi yếu, người cũng yếu đến mức mọi sinh hoạt tắm rửa, ăn uống, mặc áo quần, vệ sinh cá nhân đều do mẹ và em gái tôi giúp làm cho đến tận năm tôi 16 tuổi gia đình mới tập cho tôi sự tự lập.
Hằng đêm ba đứa trẻ ngồi vào bàn học, và em gái tôi đã trở thành "cô giáo" để dạy cho một thằng em trai đang học lớp 1 và một người chị khuyết tật suốt ngày chỉ biết ú ớ hỏi đủ thứ trên đời.
Gọi là viết chữ cho oai chứ thật ra con chữ của tôi chẳng khác nào giun bò, chưa kể tôi là đứa trẻ sở hữu "bộ não tăng động", thành ra học trước quên sau và thường xuyên bị con em... gõ đầu vì cái tội tăng động và chữ xấu.
Ở nhà trong bốn bức tường nên chúng tôi chỉ chơi đồ hàng, xem tivi và chơi trò dạy học. Ba tôi tự làm bàn ghế, kiếm bảng đen, phấn trắng cho em gái tôi làm đạo cụ để đóng vai cô giáo. Nhà tôi có hẳn cái sân rộng nên những ngày nghỉ lễ hoặc mùa hè là tụi con nít trong xóm tụ lại để chơi trò dạy học lẫn nhau.
Qua những "buổi học" như vậy và hằng đêm học bài cùng hai đứa em tôi dần biết chữ. Tôi có thể đọc vanh vách các dòng chữ chạy trên tivi và ở sách giáo khoa mà không cần phải nhờ ai đọc hộ nữa.
Từ khi tôi biết đọc, biết viết ba tôi lại phải tốn rất nhiều tiền để mua sách báo cho tôi đọc. Đi đâu xa ba cũng mua sách về cho tôi, đi đến nhà ai thấy sách báo cũ đều xin về để tôi đọc, và tới tuổi tôi dậy thì ba phải đặt thêm báo Áo Trắng, Hoa Học Trò, Mực Tím...
Có lẽ với gia đình tôi khi đó, chỉ cần cho tôi được biết chữ, được khỏe mạnh đã là niềm hạnh phúc chứ chả ai dám mơ sau này tôi có thể sống tự lập, tự quyết định cuộc đời mình như hiện giờ.
Tuy nhiên từ ngày đó, tôi lại có thêm một "điềm báo" nữa. Mới biết viết, biết đọc, tôi đã có thói quen vô cùng kỳ quặc là thích ký tên mình lên sách vở, thậm chí cả tờ giấy nháp hay tờ lịch xé ra tôi đều thích ký cho bằng được.
Vì cái sở thích này mà nhiều lần tôi bị đánh đòn bởi tật bạ đâu ký đó. Dù lúc đó tôi chả hề mơ sau này sẽ trở thành nhà văn gì cả, tôi chỉ biết tương lai mình rất u ám vì có được học hành gì đâu.
Mãi đến năm 12 hay 13 tuổi gì đó, ngồi xem bộ phim truyền hình của nước ngoài có nhân vật nữ làm nghề bác sĩ tâm lý, tôi thích và ước ao sau này được theo nghề đó.
Tôi hình dung lớn lên mình sẽ mở cái phòng điều trị tâm lý và hằng ngày ngồi tiếp bệnh nhân, nghe họ tâm sự và đưa ra những lời khuyên để giúp họ thoát ra những bế tắc trong cuộc sống.
Và mãi đến giờ, ước mơ đó vẫn còn trong tôi...
TTO - Thời thơ ấu, tôi không hề mơ thành nhà văn. Tôi vẫn ôm giấc mộng bác sĩ tâm lý. Một đứa trẻ 12, 13 tuổi suốt ngày đọc truyện cổ tích sẽ được gieo tiềm thức rằng cứ ước mơ là sẽ làm được.
Cuộc đời bế tắc thì cứ ngồi khóc thể nào cũng có bà tiên hiện ra ban cho điều ước. Và đêm nào tôi cũng nằm khóc, vì một phần ban ngày tôi phải nghe những lời tiêu cực dành cho mình và gia đình sinh ra tôi khuyết tật như vậy.
Từng có những đêm khi gia đình đã chìm vào giấc ngủ, tôi lại bò dậy ngồi khóc. Như trong truyện cổ tích nếu thức đến 12h đêm thể nào cũng được bà tiên giúp. Thậm chí có đêm tôi nhìn bàn thờ Phật và cũng cầu xin Phật ban phép cho tôi thành người bình thường để tôi đi học, đi làm và không còn là gánh nặng cho ba mẹ tôi.
Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng: "Chỉ có chính mình mới là bà tiên của đời mình!". Tôi nghĩ cổ tích không phải bao giờ cũng đúng. Nhất là những chuyện như Tấm Cám, hình ảnh cô gái lúc nào cũng phải ngoan hiền, cam chịu rồi ngồi khóc lóc chờ ai đó đến cứu mình.
Từ nhỏ, tôi đã ý thức sau này mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình lẫn xã hội. Chắc tại tôi sinh trong gia đình nghèo nên "nỗi lo mai này" đến rất sớm, dù ban ngày tôi vẫn "diễn tròn vai" cô bé ngây thơ...
Ba tôi vẫn tiếp tục mua sách báo cho tôi đọc. Mẹ vẫn nuôi tôi ăn uống mỗi ngày và nhìn cơ thể tôi phát triển khiếm khuyết với nỗi lo sợ mơ hồ. Em tôi vẫn phụ mẹ chăm sóc tôi và dạy tôi học.
Còn họ hàng nội ngoại vẫn yêu thương tôi hơn những đứa trẻ khác, vì họ nghĩ tôi sinh ra đã thiệt thòi, như phải gánh hết "nghiệp" cho gia đình.
Tôi bắt đầu oán giận mọi thứ, tôi gào thét vì sự bất công của ông trời dành cho mình, và chỉ cần trong nhà có gì không vừa ý là thế nào tôi cũng đòi tự tử. Tôi còn mắc chứng béo phì vào thời điểm đó vì suốt ngày chỉ ăn và nằm.
Nhưng không hiểu sao tôi vẫn mê mẩn đọc sách báo. Cứ hằng tuần vào ngày thứ hai, ba lúc 14h chiều, tôi ngồi nơi hiên nhà chờ chú bưu tá đưa báo. Bởi ba tôi đã góp tiền để đặt báo hằng quý cho tôi.
Lúc đó tôi đã trân trọng những tờ hóa đơn của ba tôi đặt báo và tự hứa bản thân sau này phải thành công để trả ơn ba. Vậy nên sách báo tôi và em gái tôi giữ gìn rất cẩn thận.
Từ khi biết đọc, tôi đã có thói quen sách báo tuyệt đối không được làm nhăn hay cắt xé lung tung, mà phải xếp ngay ngắn lên kệ mỗi khi đọc xong. Bởi ba tôi thường dạy rằng: "Sách là thầy!".
Nhờ đọc nhiều sách báo, nhất là chuyện những người thành công mà qua năm 16 tuổi, tôi đã tự vạch ra "chiến lược" cho đời mình! Dần dần tôi nghĩ tại sao sau này mình không là nhà văn nổi tiếng để kể lại chuyện đời mình?
Tôi hừng hực khí thế và tự nhủ: "Ta sẽ tự tạo ra phép mầu cho chính cuộc đời mình!". Nhưng thực tế cuộc đời lại tiếp tục cho tôi thêm "cái tát" nữa, bởi thứ bạn tưởng tượng và thứ bạn viết ra giấy là hai thứ khác nhau. Nhất là khi tôi không được đi học và cũng chẳng được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài.
Nhưng lần này tôi không nhìn vào bế tắc, phương án của tôi là cứ đi hỏi, thay vì sợ bị chê cười cho sự ngu dốt của mình.
Lúc đó nhà tôi có chị con của bạn mẹ tôi đang học chuyên văn, lớn hơn tôi 1 tuổi và ở nhờ nhà tôi để đi học cho gần. Thế là tôi "túm" lấy chị để hỏi ngữ pháp, chính tả và cấu trúc bài văn... Toàn bộ sách văn của chị tôi đều được đọc ké.
Nhà không có điều kiện mua máy vi tính, và phải đến năm tôi 19 tuổi ba mới xin được cái PC cũ của Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ba có duyên lái xe phục vụ đoàn trường đại học này vào quê tôi để dạy cán bộ ở quê. Khi nghe chuyện tôi, các thầy đã xin cho tôi cái PC cũ trong khoa họ.
... Cuối cùng, sau mấy tháng vất vả, ngày 2-8-2002 tôi cũng hoàn thành xong tác phẩm đầu đời trong mớ hỗn độn con chữ.
Với tôi, lúc đó viết văn là cách giúp tôi quên đi thực tại khắc nghiệt và mở ra chân trời mới. Và từ lúc 19 tuổi, tôi đã tự kiếm tiền bằng chính công sức của mình, dù ít ỏi cũng đã là niềm vui khi tin rằng sau này mình sẽ không là gánh nặng cho ai.
Tôi cộng tác cho chương trình Tuổi Trăng Tròn của Đài phát thanh Quảng Trị với trung bình bốn bài một tháng, rồi sau cộng tác cho báo Mực Tím, Giác Ngộ, Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, tôi còn học online. Thời mà blog Yahoo vẫn thịnh hành, tôi đã mon men tìm những blogger viết văn, viết báo hay dạy văn để làm quen và rất may tìm được cô gái dạy văn sống cùng Đông Hà. Vậy là tôi add nick Yahoo để trình bày hoàn cảnh với cô.
Thế rồi những tối nào cô không bận việc thì từ 19h-21h, cô tranh thủ dạy tôi học online bằng cách giải đáp những câu hỏi của tôi. Học với nhau mấy tháng trời, tôi mới hẹn cô lên nhà chơi. Khỏi phải nói cô trò gặp nhau ở ngoài xúc động biết nhường nào...
Trong sáu năm, tôi đã hoàn thành tác phẩm Giấc mơ đôi chân thiên thần gồm 20 truyện ngắn. Rồi mất gần hai năm trời tôi đem bản thảo đi chào hàng các nhà xuất bản.
Mỗi lần bị từ chối, thay vì chán nản tôi lại dành thời gian để hoàn thiện bản thảo hơn. Tôi học cách lắng nghe những nhận xét để tự hoàn thiện kỹ năng viết và quyết tâm không từ bỏ mục tiêu của mình.
Đó là khoảng thời gian tôi ra ngoài tự lập được hai năm. Với chiếc xe đẩy hỗ trợ đôi chân khuyết tật, tôi rong ruổi ở Hà Nội để đi tìm nhà xuất bản chịu mua bản thảo của mình.
Mãi đến tháng 6-2009, cuốn sách đầu tay của tôi mới được xuất bản. Tuy nhiên, cuộc đời lại ban tặng tôi thêm "cái tát" đau điếng. Toàn bộ số tiền nhuận bút cho đợt in sách của tôi bị người ta lừa lấy sạch.
Không những vậy, đến khi tổ chức họp báo ra mắt sách tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi được độc giả tặng cho một số tiền cũng "đi" luôn. Sự non nớt của cô gái 23 tuổi khuyết tật, nghèo khổ, mới bước ra đời liền bị hai cú đau đến cùng thời điểm đã cho tôi bài học.
Sau khi họp báo ra mắt sách ở Hà Nội, tôi lên xe trở về Đông Hà. Sáng hôm sau tôi xuống bến xe, nhưng do điện thoại hết pin nên tôi không thể gọi người nhà ra đón mà đành bắt taxi về. Xe đậu trước cổng nhà, tôi mếu máo khóc xin mẹ 20.000 đồng để trả tiền xe.
Khi đó nhà tôi chắc chỉ nghĩ do không có ai ra đón nên tôi dỗi khóc, chứ không ai biết được sự thật của chuyến đi. Một tháng ở nhà sau đó, tôi gần như bị trầm cảm...
Nhưng sách tôi vẫn được độc giả đón nhận, các trang báo hay nhắc đến tôi. Rồi tin vui lại đến khi một tháng sau sách tôi được tái bản.
Lần này tôi chủ động liên hệ trực tiếp với chị giám đốc Nhà xuất bản Dân Trí, kể hết sự thật và nói chị chuyển tiền nhuận bút vào tài khoản của tôi. Tiếp tục đứng dậy, tôi lại chuẩn bị vào Sài Gòn để làm tiếp buổi họp báo ra mắt sách...
TTO - Cuộc đời tôi lại có thêm một "định mệnh" nữa khi 2-8-2002 là ngày tôi bước vào con đường viết văn, thì ngày 2-8-2007 tôi hiện thực hóa giấc mơ "Nam tiến" với chiếc xe đẩy của mình.
Trở lại thời thơ ấu, tôi đã có nhận thức và biết quan sát thế giới xung quanh từ những người họ hàng xa mỗi khi về thăm quê... Gia đình tôi có họ hàng rải khắp Việt Nam. Và mỗi lần có người từ miền Nam cởi mở, thân tình ra, tôi rất thích được ngồi nói chuyện với họ. Cộng với việc ngồi nhà xem các bộ phim truyền hình của miền Nam như Đồng tiền xương máu, Hương phù sa, Người đàn bà yếu đuối đã cho tôi thấy một Sài Gòn hoa lệ, vui vẻ. Từ đó, tôi đã nuôi giấc mơ nhất định lớn lên sẽ vào Sài Gòn lập nghiệp.
Nghe rất nực cười khi một đứa trẻ khuyết tật như tôi đi lại không thể rời chiếc xe đẩy, nói năng không rõ tiếng và chẳng được đi học nhưng đã ôm mộng "Nam tiến".
Ai cũng nghĩ tôi sẽ chấp nhận an phận để làm bà cô già suốt đời ngồi càu nhàu ở góc nhà. Thậm chí người ta còn bảo ba mẹ tôi thử tìm trung tâm bảo trợ hay ngôi chùa nào đó để gửi tôi lúc tôi 20 tuổi. Bởi đó là "tầm nhìn chung hợp lý" cho những gia đình không may sinh ra đứa con khuyết tật nặng như tôi.
Mãi sau này có cơ hội đi học CEO ở Sài Gòn, tôi mới nhận ra một điều rằng khi ai đó có tầm nhìn, có mục tiêu, biết rõ đam mê của mình và dám mơ những giấc mơ lớn thì chắc chắn họ sẽ thành công.
Còn nhớ thuở ở quê, những đêm hè tôi hay nhìn lên bầu trời, nhìn các vì sao, ngắm mặt trăng rồi nhắm mắt hình dung nguồn năng lượng vũ trụ đang hướng về phía mình. Rồi tôi tập trung mường tượng tương lai sau này của mình.
Đến năm 2009 tôi mới được đọc cuốn sách Bí mật người nam châm và thích thú phát hiện ra bấy lâu nay mình đã áp dụng luật hấp dẫn của vũ trụ vào chính đời mình. Bởi tạo hóa sinh ra chúng ta dù dưới bất kỳ hình hài gì thì bản thân bên trong linh hồn chúng ta đều có sức mạnh.
Duy chỉ khác nhau một điểm là do chúng ta cứ mải mê kiếm tìm thế giới bên ngoài, mải mê chỉ lo bồi đắp phần xác thịt, mải mê tìm lời khuyên ở người khác mà quên đi phần nội lực của mình để kết nối với vũ trụ.
Đó là lý do vì sao từ nhỏ tôi đã tin rằng: "Chỉ có chính mình mới là bà tiên cho cuộc đời mình!". Vì tạo hóa sinh ra chúng ta cũng như những tiểu hành tinh nhỏ kết nối với vũ trụ bao la. Và đặc biệt đừng mong chờ phép mầu xảy ra khi cái tiểu vũ trụ bên trong chúng ta chưa đủ mạnh mẽ để chấp nhận trải qua những thử thách số phận.
... Trở lại thời điểm tháng 6-2007, êkip của VTV6 vào làm phóng sự về tôi. Trong phóng sự đó có một bối cảnh ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và đúng lúc đó tôi vô tình được gặp các anh chị phóng viên báo Tuổi Trẻ. Vậy là tôi được làm quen với các anh chị báo Tuổi Trẻtừ đấy.
Ngày hôm sau, tôi rất bất ngờ khi các anh chị tìm đến nhà mình để viết bài và làm bộ phim ngắn về cuộc đời tôi. Bài báo "Trà My trên cát bỏng" của chị Yến Trinh ra ngày 15-7-2007 kèm với một phim tài liệu ngắn do anh Bình và chị Thi Ngôn quay đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến độc giả.
Từ "hữu duyên" này, tôi bắt đầu tâm sự ước mơ muốn vào Sài Gòn và cũng không ngờ điều đó thành hiện thực với một cô gái khuyết tật phải đi nhiều chân (với chiếc xe đẩy) như mình.
Chính xác là sau hai tuần bài báo được độc giả đón nhận, tôi đã thỏa nguyện ước mơ bấy lâu nay được đặt chân lên thành phố hoa lệ miền Nam này. Tôi được các anh chị báo Tuổi Trẻ và quý độc giả ủng hộ số tiền để tôi mua vé máy bay vào Sài Gòn.
Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay, hai chị em tôi đã được một người chị họ ra sân bay đón. Và điều làm tôi bất ngờ xúc động là có cả vài người bạn tôi quen trên blog 360 độ (thời đó trang blog của tôi đã có nhiều bạn bè).
Những người bạn chỉ quen trên Yahoo chat, trên blog giờ được gặp ở ngoài bằng xương bằng thịt làm tôi vô cùng hạnh phúc.
Có lẽ suốt cả cuộc đời này tôi luôn mang ơn báo Tuổi Trẻ và các anh chị phóng viên ngày ấy đã giúp tôi hiện thực hóa giấc mơ "Nam tiến" của mình.
Tôi được chị Yến Trinh, chị Thi Ngôn dẫn lên trung tâm thành phố chơi, được đi mua sắm, đi cà phê, ăn uống, và đó là những thứ mà một cô gái 21 tuổi khuyết tật ở quê nghèo Quảng Trị như tôi lần đầu được trải qua trong đời.
Sau những ngày khám phá Sài Gòn và vui vẻ gặp gỡ bạn bè, tôi được dẫn đến làng Hòa Bình thuộc Bệnh viện Từ Dũ ở để tìm kiếm cơ hội gặp một bác sĩ nào đó chữa giọng nói của mình. Đó là mục đích đầu tiên khi tôi có cơ hội đặt chân vào Sài Gòn.
Nhưng tôi chỉ ở đó nửa năm mà thôi. Dù cuộc sống trong làng Hòa Bình có điều kiện vật chất vô cùng sung sướng so với hoàn cảnh của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều...
Tôi nghĩ bạn bè không may bị khuyết tật thường có hai dạng: một dạng là khuyết tật cả về trí não và cơ thể, dạng thứ hai là khuyết tật về cơ thể còn trí não vẫn bình thường. Và tôi thuộc dạng thứ hai này, nên ngay từ bé đã muốn đi học chỉ với những người bình thường. Tức trong nhận thức của mình, tôi đã tự xem mình là một người bình thường ngay từ nhỏ.
Một con người nhiều ước mơ và tự trọng như tôi thì trong suốt sáu tháng trời ở làng Hòa Bình, tôi luôn tự đấu tranh với câu hỏi đi hay ở?
Tôi vẫn ý thức được sống trong làng Hòa Bình điều kiện vật chất vô cùng sướng, nhưng đó không phải con đường tôi nhắm đến. Tôi vào Sài Gòn là để tìm kiếm cơ hội thử thách bản thân, để vươn lên dù nghịch cảnh thế nào, chứ không phải vào thành phố hoa lệ này để thụ động sống cuộc đời cam chịu, nhờ vả.
Hôm tôi về quê ăn tết cũng là ngày tôi quyết tâm sẽ quay lại Sài Gòn tư cách khác, chứ tôi không thể chôn vùi thanh xuân của mình trong sự sung sướng được cưu mang ở làng Hòa Bình mãi được.
Máy bay cất cánh, tôi nhìn xuống Sài Gòn qua khung cửa sổ máy bay mà bật khóc nức nở. Tôi lo sợ mình khó có cơ hội quay lại. Nhưng rồi tôi tự nhủ nhất định mình phải ở thành phố đáng yêu này...
TTO - Người bình thường vào Sài Gòn lập nghiệp đã khó. Người khuyết tật cao 1,32m, đi không được, nói chẳng rõ tiếng, chẳng có trình độ học vấn, gia đình bên cạnh như tôi thì sự khó khăn có lẽ gấp 200 lần, thậm chí đòi hỏi cả liều mạng...
Trên hành trình tự lập ấy, ban đầu không có tiền thuê nhà trọ, tôi đã có gần 3 năm... xin ở nhờ.
Hồi đó, cứ trước khi vào Sài Gòn, tôi đều viết dòng trạng thái trên mạng xã hội là cần xin một chỗ ở trong vòng vài tháng. Vì lúc ấy công việc của tôi không ổn định, thu nhập không có nhiều, nên tôi chọn phương án đi đi về về chứ chẳng thể bám trụ ở Sài Gòn mãi được.
Sau khi rời làng Hòa Bình xong tôi có gần 2 năm "chinh chiến" ở Hà Nội để tìm nhà xuất bản sách, và trong khoảng thời gian đó tôi nhớ Sài Gòn rất nhiều. Đôi khi chỉ cần vô tình nghe ai đó nói giọng miền Nam cũng đủ làm trái tim tôi nhói lên và chỉ muốn quay lại Sài Gòn.
Thậm chí có những đêm tôi đã khóc vì không biết mình còn cơ hội vào lại đó được không? Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng thấy mình đang ở Sài Gòn, chứ không phải là nơi nào khác.
Tháng 6-2009, tôi quyết tâm quay lại Sài Gòn kiếm tìm người giúp đỡ tổ chức buổi họp báo ra mắt tác phẩm Giấc mơ đôi chân thiên thần tại Sài Gòn.
Lúc đó, tôi đã quen một người bạn đang làm marketing cho trung tâm tiếng Anh. Thật ra, anh biết tôi thông qua bài viết trên báo Tuổi Trẻ 2 năm về trước và trở thành những người bạn trên Yahoo!.
Ngày tôi đặt chân xuống sân bay, anh là người ra đón. Khỏi phải nói tôi vui mừng như thế nào khi được quay lại Sài Gòn. Tôi vẫy vùng trong hạnh phúc như cô cá nhỏ được trở về cái ao của mình!
Tôi được gặp lại những người bạn cũ và quen thêm rất nhiều bạn mới. Tôi mới được sống thật với con người của mình, được tự do cười nói, không sợ phải rào trước đón sau, và tôi cũng chẳng hề có cảm giác mặc cảm giữa những người bình thường khác.
Anh bạn ấy dẫn tôi đến rất nhiều buổi sinh hoạt về sách để tìm đơn vị đứng ra tổ chức họp báo sách cho tôi.
Đi nhiều nơi, cuối cùng chúng tôi đã tìm được Câu lạc bộ Book and Friend. Đây là câu lạc bộ dành cho những bạn trẻ yêu thích đọc sách và cứ đến mỗi chủ nhật hằng tuần đều tổ chức các chương trình liên quan đến sách.
Sau khi làm xong buổi họp báo ra mắt sách, tôi đã xin chị trưởng nhóm cho tôi được làm thành viên của nhóm để nghĩ ra những chủ đề liên quan đến sách.
Và tất nhiên rồi, một lần nữa tôi lại phải chào Sài Gòn ra về sau ba tháng xin ở nhờ nhà trọ một anh bạn nằm trong con hẻm đường Nguyễn Kiệm.
Tôi vẫn nhớ đó là căn nhà trọ được chia ra nhiều phòng và mỗi phòng có rất nhiều người ở. Nhà anh ấy còn có thêm hai cô em gái nữa, nên ba đứa con gái chúng tôi cùng ngủ trên giường, còn anh và một người bạn nữa ngủ ở nền nhà.
Căn phòng trọ bé tí và sáng mở mắt ra mỗi người chia mỗi nẻo đi làm, tối về ai nấy tự ăn ngoài, chỉ có những ngày cuối tuần mới góp tiền lại nấu ăn chung. Rồi thỉnh thoảng người nhà của anh ở quê lên, có những đêm gần 10 người nhét trong căn phòng chưa đầy 16m2.
Tôi bắt đầu thấm cảnh ở nhà trọ từ đó, dù anh và nhiều bạn bè khác khi cho tôi ở nhờ đều không lấy tiền nhà. Thi thoảng, tôi chỉ góp tiền ăn và tiền điện nước.
Những người bạn đặc biệt ấy giờ có những người mà cả gia đình xem tôi như con cái, và những dịp trọng đại đều mời tôi về quê chơi.
Tôi vẫn nhớ những cảm giác khi sống trong căn nhà trọ đầu tiên đó. Nó chật chội, cũ nát và ngột ngạt, nhà vệ sinh thì ở ngoài, nên thường xuyên sống trong cảnh xếp hàng và chỉ có điểm cộng duy nhất là nó ở tầng trệt mà thôi.
Phía trước cổng có cái ghế đá và hằng đêm chúng tôi hay ra đó hóng mát, rồi cùng nhau hát hò tâm sự. Toàn những người xa quê, đi học, đi làm nên chúng tôi ai cũng đồng cảm và yêu thương nhau.
Tôi tiếp tục có thói quen nhìn lên bầu trời và tập trung hướng về nguồn năng lượng từ vũ trụ. Tôi tin rằng nhất định mình sẽ được định cư tại thành phố này, dù tôi biết phía trước tôi là cả bầu trời thử thách từ việc tìm chỗ ở phù hợp, tìm công việc để có tiền trang trải cuộc sống.
Tôi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Book and Friend và đây là câu lạc bộ phi lợi nhuận, mọi người tham gia với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm.
Cá nhân tôi là người không hề biết viết những cái như kịch bản MC, kịch bản chương trình, kế hoạch PR cho sự kiện... Tuy nhiên, tôi là đứa không sợ sai và từ bé đến lớn tôi là chúa tể của những câu hỏi. Tôi cứ mạnh dạn đề xuất, mạnh dạn làm việc và chịu khó học hỏi từ những cái sai của mình.
Đến năm 2010, khi cuốn sách thứ 2 của tôi mang tên Chúng ta chính là mùa xuân được xuất bản, tôi quyết định bám trụ ở Sài Gòn, và rồi những chuỗi ngày thử thách lại đến. Tôi lại xin đi ở nhờ hết quận này đến quận khác.
Tôi từng xin ở nhờ từ công ty dạy yoga của bạn tôi ở Phú Nhuận, rồi xuống quán phở của anh họ tôi ở Thủ Đức, rồi về Gò Vấp xin ở nhà trọ trong căn phòng 12m2 của một chị bạn.
Căn trọ bé xíu nằm sâu trong con hẻm nhỏ và hằng đêm hai chị em bạn tôi leo lên gác xép ngủ, còn tôi không leo được nên đành trải mảnh chiếu nhỏ nằm bên cạnh hai chiếc xe máy.
Phải nói thêm rằng thời đó tôi không dám đi xe ôm một mình, đi taxi thì không thể nào đủ tiền, nên mỗi lần đi đâu tôi vẫn phải nhờ người chở và tôi cũng may mắn khi xung quanh mình gặp vô vàn người tử tế.
Cái cảnh đi đâu cũng phải có người chở, hoặc mỗi lần đến những chỗ đông người tôi đều "thám thính" thử xem có ai ở gần khu mình sống không để lát nữa còn xin về. Tuy nhiên, nhờ cái tính nhanh nhảu chủ động giao tiếp, dù có nhiều người chẳng thể nào nghe rõ tôi phát âm mà tôi vẫn có thêm rất nhiều bạn bè.
Tôi nhớ có lần liên hệ với một anh làm phòng quảng cáo báo để "book" bài quảng cáo cho sếp của mình. Lúc làm việc qua email, anh chẳng hề biết tôi là người thế nào, chỉ thấy cái tên Trà My nên anh biết tôi là con gái.
Tôi chủ động hẹn anh đi cà phê để hỏi kỹ thêm về giá cả. Lúc ra quán cà phê, tôi ngồi trước mặt anh mà anh cứ nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng.
Chắc anh thấy tôi phải nhúc nhắc lê từng bước bằng... 6 chân (2 chân khuyết tật cùng 4 chân của chiếc xe đẩy) và tôi nói chuyện với anh bằng những tiếng ú ớ mà anh không thể nào hiểu hết nổi. Còn tôi vẫn tỏ thái độ bình thường vì đã quá quen thuộc với cảnh này rồi.
Đến một hôm khác, tôi làm việc với một anh bên phòng quảng cáo của báo kia cũng vậy. Thậm chí trong suốt buổi cà phê anh cứ tròn xoe mắt nhìn tôi, nhưng rồi những ngày sau vẫn còn liên lạc lại với tôi...
TTO - Một đứa không có bằng cấp gì nhưng tinh thần ham học hỏi và nhiệt huyết tuổi trẻ khiến tôi quên mất mình là người khuyết tật.
Năm 2011, Công ty H chính thức ra đời và thuê trụ sở tại chung cư HAGL ở quận 7. Tôi chuyển về đó ở, vừa làm việc và ban đêm giữ nhà luôn.
Mọi người ở công ty hay gọi tôi là "mama tổng quản". Bởi ngoài phụ trách mảng truyền thông, trông coi nhà cửa, tôi còn làm kế toán nội bộ, quản lý chi tiêu và kiêm luôn "cái máy chấm công" của công ty.
Tôi sống trong căn bếp của công ty vì những phòng còn lại dành để làm việc. Và hằng ngày sau 17h, khi mọi người về hết, tôi trở về góc bếp nhỏ của mình, nấu mì gói ăn xong lại tiếp tục công việc, hoặc có khi viết văn đến khuya.
Quả thật ai khởi nghiệp mới thấm thía hết sự gian khổ của thời kỳ đầu mới mở công ty. Có thể nhân sự của bạn làm 8 tiếng mỗi ngày rồi về, còn những người nằm trong ban sáng lập phải "cày" gấp đôi. Nhất là đứa không học hành như tôi lại phải nỗ lực gấp đôi mới đủ sức theo với mọi người trong team.
Ban ngày, mọi người trong công ty thay phiên nhau chăm sóc khám bệnh và truyền nước cho tôi, cứ hễ chiều tối mọi người về hết là cơn sốt kéo đến. Có những hôm tôi sốt mê man, vừa nôn ói và vừa bị triệu chứng rối loạn kinh nguyệt.
Ông trời càng thử thách thì tôi càng cố gắng, cuối cùng không biết thế nào mà tôi gặp được hai bạn nữ ở gần chỗ tôi làm, nên mỗi lần tôi sốt về đêm là hai bạn ấy thay phiên nhau qua ngủ với tôi.
Cứ về đêm là người tôi lại lên cơn sốt và có khi tôi chìm vào hôn mê, hai bạn ấy phải thức trắng chườm khăn hay giúp tôi uống nước cho hạ sốt, rồi giúp tôi thay quần áo vì mỗi lần sốt tôi sẽ liên tục nôn ói.
Làm được hơn 1 năm thì công ty gặp sự cố, tôi tiếp tục xin ở nhờ và ráng cầm cự để tự mình tìm công việc khác. Cứ vậy, tôi bươn chải ở cái thành phố đông đúc này. Sài Gòn có 19 quận thì tôi đã ở hết 13 quận rồi.
Tôi phải thành công, phải làm người có giá trị, chứ không thể làm một người khuyết tật ăn bám xã hội.
Và tôi từng trả giá rất đắt cho chính sức khỏe của mình khi không có kiến thức về dinh dưỡng, cộng với việc thu nhập ít ỏi nên chỉ ăn uống qua loa, chủ yếu là thức ăn lề đường và dùng đồ ăn công nghiệp.
Trong suốt 6, 7 năm làm dân văn phòng, tôi thường xuyên nằm bệnh viện đến mức bạn bè phải thốt lên rằng: "Làm được đồng nào lại cúng hết cho bệnh viện đồng đó". Không có kiến thức dinh dưỡng cộng với việc thiếu ngủ trầm trọng, tôi còn phải chiến đấu thêm căn bệnh rối loạn tiền đình và phải thường xuyên đi cấp cứu.
Tuy nhiên, nằm bệnh viện cũng giúp tôi thật sự ý thức hơn về sức khỏe của mình, bởi lên cơn tiền đình thì ngay cả uống ngụm nước nhỏ cũng khiến tôi ói hết. Đó là lý do dù có khó khăn thế nào thì tôi cũng dần phải tự nấu cơm ăn.
Tôi cũng phải học cách tự làm bác sĩ cho mình, bởi nếu không cơ thể tôi rất dễ đột quỵ. Cũng may tôi đã tìm hiểu về thực dưỡng và tập giữ cho tâm mình luôn ở trạng thái cân bằng nhất, đồng nghĩa với việc tôi giảm hẳn đi bệnh viện.
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao, lý do gì mà ba mẹ tôi lại để tôi một mình bươn chải ở Sài Gòn?
Nhiều gia đình Việt Nam nói chung và ngay cả những gia đình không may sinh con bị khuyết tật nói riêng luôn quan niệm rằng con cái sinh ra là "tài sản" của mình, thay vì nghĩ con trên 18 tuổi đã thuộc "tài sản" của xã hội rồi, dĩ nhiên trừ những gia đình không may sinh trẻ khuyết tật nặng về trí não.
Và điều quan trọng là cha mẹ phải gieo vào tiềm thức tự lập của trẻ ngay từ nhỏ.
Ở gia đình tôi, ba mẹ tôi chia ra hai phe rạch ròi về cách dạy con cái. Bản thân tôi chịu ảnh hưởng từ cách dạy của ba tôi, từ việc rèn thói quen đọc sách, rèn tính tự lập và phải tự đứng trên đôi chân của mình. Từ nhỏ, ba tôi đã dạy rằng nếu mình sống đúng thì ra xã hội không việc gì phải sợ ai cả.
Tôi nhớ có lần 2h sáng, sau khi quay cảnh ra sân bay đón anh Nguyễn Sơn Lâm cho bộ phim tài liệu Cuộc đời sau trang sách của chị Phan Huyền Thư, lúc tôi về đến căn nhà xin ở nhờ của một người bạn ở đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 thì cửa nẻo đã đóng kín.
2h sáng, tôi không dám gọi điện thoại nhờ họ mở cổng. Tim tôi đập mạnh khi nhìn thấy hai thanh niên có vẻ nghiện hút đang tiến về phía mình. Tôi tự nhủ nếu mình lấy chìa khóa ra tự mở cổng thì có thể sẽ nguy hiểm.
Cô gái khuyết tật đứng giữa đêm khuya một mình như vậy nhưng bên ngoài tôi vẫn giữ vẻ bình tĩnh. Phát hiện bên kia đường là quán nhậu, tôi ú ớ kêu cứu vợ chồng chủ quán...
Sau khi nhờ họ mở cổng giúp, tôi vội vào trong khóa cổng lại, rồi quan sát hai người như nghiện hút vẫn cứ đứng nhìn vào nhà tôi. Nhưng rồi tôi bật cười với ý nghĩ chắc họ chỉ ngạc nhiên khi nhìn thấy cô gái khuyết tật như mình dám đi về khuya như vậy, chứ họ không hại mình đâu.
Quả thật tôi luôn có những suy nghĩ hài hước ngay cả những lúc nguy hiểm nhất. Nhờ vậy tôi mới có thể dám sống tự lập một mình trên đất Sài Gòn đông đúc này.
...Trải qua những tháng ngày xin ở nhờ, tôi quyết tâm đi tìm nhà trọ để thuê. Việc viết văn của tôi đòi hỏi sự im lặng một mình mới có thể viết được. Đây cũng là lý do nhiều người thắc mắc tôi khuyết tật như vậy nhưng chọn sống một mình. Vì công việc của tôi chỉ cần ồn ào một chút là mọi ý tưởng sáng tạo sẽ bay sạch.
Mà xin mọi người đừng cho tôi là cô gái nghị lực hay mạnh mẽ gì cả! Bởi khi rơi vào hoàn cảnh như tôi thì mọi người cũng sẽ có hai sự lựa chọn buông xuôi hay chiến đấu với... chính bản thân mình. Dù có những đêm tôi phải khóc rất nhiều vì kiệt sức.
Tôi nhớ hồi thuê trọ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Đình Khôi, quận Tân Bình. Một đêm, kẻ trộm lẻn vào nhà kế bên ăn trộm chiếc xe máy, trong khi nhà tôi để cái laptop cạnh cửa sổ, còn cửa chính của tôi chỉ khóa một lớp mà thôi.
Sáng ngủ dậy, tôi đã thấy hàng xóm và công an đứng bu quanh. Tôi tái xanh mặt nghĩ đến cảnh nếu như đêm qua kẻ xấu bẻ khóa nhà trọ của mình thì...
Từ đó, mỗi lần đi tìm nhà trọ tôi phải để ý xem nơi đó có an toàn hay không. Tôi thà chấp nhận bỏ thêm khoản tiền, rồi dù ăn cơm với muối tôi cũng cam lòng.
TTO - Hồi tôi đi học, Sài Gòn đã vào mùa mưa, mà tôi hay bị chứng bệnh sốt siêu vi, nên cứ hễ dầm mưa là hôm sau tôi sốt mê man. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học.
Đang làm ở HELP, một hôm người sáng lập kiêm giám đốc Tạ Minh Tuấn đề nghị tôi đi học khóa marketing hay PR để thêm kiến thức áp dụng công việc. Tôi vừa mừng vừa lo, vì rất thèm đi học nhưng tôi không hề có bằng cấp gì.
Liệu có nơi nào nhận tôi học?
Sau thời gian lên mạng tìm hiểu các trung tâm dạy marketing và thăm dò những bạn đã từng học các khóa như vậy, cuối cùng cậu em làm cùng phòng đã giới thiệu cho tôi về học viện quốc tế BMG.
Hôm đó sau giờ làm việc, cậu Hiếu (chúng tôi coi nhau như chị em vì cùng họ và mẹ Hiếu cùng đồng hương với tôi) chở tôi qua trường để xin gặp thầy hiệu trưởng. Tôi còn nhớ thời đó BMG có trụ sở tại Lê Hồng Phong, quận 10. Còn nơi ở và làm việc của tôi ở quận 7.
Trên đường đi, tôi có cảm giác vừa háo hức lại vừa hồi hộp. Cái cảm giác lâu nay ao ước được đi học làm tôi vô cùng phấn khích, nhưng cũng đầy lo sợ nếu như nhà trường hỏi bằng cấp, rồi cả tiền học phí mấy triệu đồng nữa. Bởi công ty khởi nghiệp thì làm gì có nhiều tiền và tôi thì lại càng không có tiền đóng học phí.
Buổi chiều hôm đó, tôi qua trường và đã thấy thầy Nguyễn Thanh Tân ngồi sẵn ở phòng thư viện đợi tôi. Thầy Tân là thạc sĩ kinh tế, cũng là chủ ngôi trường này. Ấn tượng đầu tiên tôi dành cho thầy đó là người đàn ông phúc hậu, điềm tĩnh và phong thái đầy tự tin của doanh nhân thành đạt.
Ngồi đối diện thầy, lòng tôi vẫn ngổn ngang lo lắng, nhưng bên ngoài tôi vẫn phải giữ sự tự tin vốn có của mình. Cuộc nói chuyện dài hơn một tiếng đồng hồ và kết thúc thầy bảo: "Em cứ đi học. Còn vấn đề học phí không phải lo".
Trên đường về công ty, tôi ngồi sau xe máy mà cứ líu lo như chim non với câu nói ú ớ: "Hiếu ơi, chị sắp được đi học". Tôi vui sướng biết nhường nào khi 25 năm qua tôi cũng chạm đến ước mơ của mình, đó là được đi học như một người bình thường.
Cơ thể bị khuyết tật, nhưng từ nhỏ tôi đã xem mình là người bình thường nên tôi chỉ chọn môi trường sống, môi trường làm việc, học tập với những người bình thường, và kể cả bạn bè tôi chơi đa số đều là những người bình thường. Bởi lẽ cách vượt qua mặc cảm tự ti tốt nhất là hãy chọn những môi trường sống bình thường, hòa nhập và không rào cản.
Hằng này, tôi sẽ xin ai đó làm chung công ty nếu có về qua ngang quận 10 thì cho tôi đi nhờ đến trường BMG.
Cứ vậy cho đến ngày đẹp trời trên Facebook tôi xuất hiện cô bạn đang học năm 2 Trường đại học Hoa Sen và bạn ấy cũng ở quận 7. Sự trùng hợp là các tối thứ ba, năm, bảy bạn đi học tiếng Anh ở quận 10. Thế là các buổi chiều ba, năm, bảy, bạn chạy xe đạp điện qua chở tôi đi học.
Hai chị em vi vu trên chiếc xe đạp điện từ quận 7 qua quận 10 gần cả tiếng đồng hồ. Thậm chí, có những hôm đang đi thì mưa ập đến và xe hết điện, vậy mà cô bạn vẫn cứ đạp băng băng.
Hồi tôi đi học Sài Gòn đã vào mùa mưa mà tôi hay bị chứng bệnh sốt siêu vi, nên cứ hễ dầm mưa là hôm sau tôi sốt mê man. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học. Chỉ khi nào mưa to gió bão và nhà trường thông báo nghỉ học thì tôi mới chịu ở nhà, thậm chí môn nào phải nghỉ học tôi đều ghi lại để chờ học bù ở khóa sau.
Lớp tôi học là lớp chuyên viên PR khóa 22 và nhà trường không có thang máy. Phòng giáo vụ ưu tiên lớp tôi học ở tầng 1, mỗi ngày tôi đi học các bạn phòng giáo vụ hay bạn cùng lớp đều giúp hoặc bế tôi lên cầu thang.
Những kiến thức căn bản về PR tôi đã nắm sẵn từ lâu, vì tôi sớm có thói quen đọc những cuốn sách về các vĩ nhân thế giới hay những doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng. Cộng với việc tôi có gần 2 năm làm marketing cho HEPL nên những kiến thức tôi học ở BMG có cái tôi bỡ ngỡ và cũng có những cái tôi đã từng biết, từng làm rồi, thành ra tôi lại thêm háo hức mỗi khi đến lớp.
Trong thời gian tôi chuẩn bị làm đề án tốt nghiệp cũng là lúc công ty tôi xảy ra biến cố. Bao ý tưởng tôi muốn xây dựng thương hiệu công ty của tôi đưa vào đề án tốt nghiệp bị tiêu tan. Tuy nhiên, tinh thần ham học của tôi vẫn không giảm.
Đến năm 2012, tôi chuyển nhà về quận Tân Phú và may mắn xin vào làm PR part time cho một công ty về trang sức ngọc trai...
Rồi tôi nghe nhà trường mở thêm một lớp về giám đốc PR và mỗi tuần chỉ học một ngày chủ nhật từ sáng đến chiều và học trong 3 tháng. Thế là tôi lại xin thầy Tân cho tôi học tiếp khóa đó.
Trong đầu tôi lại nghĩ đến chuyện tìm một người để đưa tôi đi học mỗi tuần. Và đúng lúc đó tôi lại quen được một cậu em nhà ở Bình Hưng Hòa.
Thế là cứ 7h sáng chủ nhật hằng tuần, cậu ấy lại chở tôi qua Lê Hồng Phong để học và chiều 17h lại đón tôi về. Mãi sau này, Giang (tên cậu em đó) mới kể chuyện vui: "Cứ chủ nhật em xách xe chở chị đi học và cầm hai cái nón bảo hiểm là ba mẹ em tưởng em có bồ".
Lịch học nguyên ngày chủ nhật có lúc khiến tôi muốn xỉu vì mệt. Sáng phải dậy sớm đi học có khi không kịp ăn sáng, trưa chỉ đủ tiền mua cái bánh mì hoặc hộp xôi ăn tạm. Đó là chưa kể nhà trường không có thang máy, nhà vệ sinh thì ở tầng trệt, và tôi ngại nhờ ai đó đưa xuống nhà vệ sinh. Vậy nên, chiêu cuối cùng là tôi hạn chế uống nước.
Tôi vẫn cố gắng học, và lần này tôi cố gắng phải có được bằng tốt nghiệp. Song lại thêm một sự cố xảy ra khi trước mấy ngày thi tốt nghiệp tôi đi siêu thị bị té đập mặt xuống sàn. Ngay dưới đó là mảnh gạch bị vỡ và nó đâm vào cằm tôi, máu tuôn ra như suối khiến tôi phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Tân Phú.
Nằm dưỡng thương ở nhà tôi gần như bật khóc vì trong vòng một tháng vừa lo chuyển nhà, vừa bị mất tiền, vừa phải cấp cứu ở bệnh viện và vừa trúng ngay ngày thi nhận bằng tốt nghiệp. Dường như bao nhiêu cái xui nó dồn lại một cục và ông trời giáng xuống cho tôi vậy.
Thế nhưng, sau khi ổn định xong chỗ ở mới, tôi xin phòng giáo vụ cho được thi lại. Một mình một phòng thi và tôi không thể viết được bằng tay nên phải mượn phòng giáo vụ một cái laptop cũ. Bởi nếu sử dụng laptop của tôi thì ai đảm bảo được tính minh bạch.
Tôi còn nhớ đề thi ra tình huống nếu bạn là giám đốc PR của một thương hiệu bánh trung thu lớn và bị khách hàng tố chất lượng bánh giả thì bạn sẽ xử lý khủng hoảng truyền thông thế nào?
Đọc xong đề thi, 5 phút đầu tôi bối rối không biết làm bài thế nào? Tôi cố gắng nhớ lại kiến thức 3 tháng qua đã được học và vận dụng nó vào làm đề thi. Bởi bản chất của vị trí giám đốc truyền thông là luôn bình tĩnh khi công ty xảy ra khủng hoảng và luôn có sẵn những phương án dự phòng để đối diện với truyền thông, với người tiêu dùng và với cả cổ đông.
Làm xong tôi ra về với một tâm thái an nhiên nhất vì đã cố gắng hết mình. Khóa tôi học 11 học viên còn lại đều có vị trí nhất định trong ngành. Kinh nghiệm và kiến thức của họ hơn tôi rất nhiều, nên tôi nghĩ bài làm của mình sẽ có điểm thấp nhất.
Tuy nhiên, tôi là một trong ba người có điểm cao nhất, đến mức tôi cứ hỏi lui hỏi lại xem liệu có sự nhầm lẫn gì không. Nhưng may quá, nó như một phần thưởng xứng đáng mà cuộc sống đã dành tặng cho tôi.
TTO - Sau khi vượt qua nghịch cảnh của số phận, chúng ta sẽ làm được gì để trả ơn cuộc đời này? Đối với tôi, đó thực sự mới là điều quan trọng chiếm gần hết suy nghĩ của mình.
Năm 2006, một người em họ đang học Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị báo cho tôi biết nhà trường tổ chức cuộc thi văn học và kêu tôi gửi bài dự thi.
Tôi chợt nhớ mình từng sáng tác truyện ngắn "Mặc cảm" kể về cô sinh viên nhà quá nghèo nên phải bỏ học để đi phụ quán cơm và cô luôn bị mặc cảm bởi điều này. Nhưng đến một ngày, cô phát hiện người khách vào ăn cơm chính là cha bạn học mình.
Khi nghe ông tâm sự con trai mình chẳng chịu học hành gì dù nhà rất có điều kiện, lúc đó cô sinh viên nghèo kia mới giảm đi mặc cảm của mình.
Tôi nhờ người bạn nộp bài dự thi và chỉ để tên tác giả là tôi kèm theo số di động của ba tôi. Không mong được giải gì, chẳng qua tôi muốn mình cơ hội được trải nghiệm. Ai ngờ cái tên của tôi lại được ban tổ chức truy lùng khắp các khoa vì họ nghĩ tôi là một trong những sinh viên.
Thầy cô truy không ra, bèn gọi vào số điện thoại tôi ghi bên dưới bài dự thi. Ba tôi đang đi làm nghe điện thoại bất ngờ từ nhà trường cũng giật mình. Thế là ngay ngày hôm đó, cô hiệu phó xuống nhà tôi. Rồi ba dẫn tôi lên trường nhận giải và giao lưu với các bạn sinh viên, thầy cô.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xuất hiện trước công chúng.
Bài dự thi của tôi được giải ba (hình như cuộc thi không có giải nhất). Giấy khen được nhà trường đề tặng là "Sinh viên Trần Trà My", vì nhầm tôi là sinh viên trường. Đối với tôi, điều này mới tạo ra sự công bằng nhất, bởi tôi không thích bất kỳ sự ưu ái nào!
Cả đêm hôm đó tôi mất ngủ vì hạnh phúc, đây là trái ngọt đầu tiên đến với tôi trong cuộc đời viết văn. Tôi quyết định viết bức thư cho chương trình "Ước mơ Việt Nam" để kể về câu chuyện này. Và thay vì gửi thẳng địa chỉ Đài Truyền hình Việt Nam, tôi lại gửi cho chị họ tôi lúc bấy giờ đang là sinh viên để nhờ chị ấy đem đến thẳng đài VTV.
Mấy tháng sau, êkip truyền hình gọi điện thoại cho ba tôi và báo sẽ về Quảng Trị để làm chương trình về tôi.
Thời đó, chương trình này do chị Mộng Hoài làm MC rất nổi tiếng. Ở ngoài chị ấy trẻ trung và thân thiện, nên mới gặp nhau vài phút tôi đã có cảm giác như chị em thân thiết từ lâu. Tôi quan sát cách họ làm việc, cách viết kịch bản và cách khai thác nhân vật, rồi ước gì sau này mình cũng được như họ...
Tâm lý cô gái khuyết tật 20 tuổi lần đầu được lên chương trình truyền hình quốc gia có thời lượng 30 phút làm tôi hồi hộp.
Hôm đó, êkip chương trình đã đến nhà tôi vào lúc 8h sáng để setup mọi thứ. Nhưng đó lại là một ngày mưa gió bão bùng, thành ra không thể thu âm thanh trực tiếp và mãi đến tận trưa mới quay được.
Khi êkip truyền hình ra về, lòng tôi lại trỗi lên khát khao muốn vào Sài Gòn lập nghiệp.
Còn nhớ khi đang quay chương trình "Ước mơ Việt Nam", khi êkip vừa off máy là tôi xin ngay tờ kịch bản chương trình vì muốn học thêm cách viết nội dung kịch bản. Tôi tin rằng sau này mình sẽ không dừng lại ở việc viết văn.
Cho đến khi vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi càng cố gắng làm quen với nhiều người thành công, thành đạt. Cách hay nhất là tham gia nhiều sự kiện quan trọng, qua đó tôi được học hỏi thêm nhiều thứ và xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Một đứa con gái khuyết tật, chỉ có thể nhúc nhắc đi lại bằng xe đẩy, nói không ai nghe rõ, nhưng tôi cố tham dự nhiều sự kiện dành cho giới doanh nhân, nghệ sĩ hay bạn trẻ sinh viên. Đến mức nhiều người ngạc nhiên sao sự kiện nào cũng thấy mặt tôi cả.
Vào chỗ đông người, tôi thường quan sát và cũng chủ động làm quen, trao đổi name card, chứ chẳng hề thụ động ngồi một chỗ. Thậm chí, tôi sẵn sàng đặt câu hỏi với diễn giả hay phản biện vấn đề họ vừa nói. Tất nhiên tôi phải nhờ thêm giấy viết, vì giọng ú ớ của tôi nói thì họ sẽ rất khó nghe được.
Có hôm tôi còn "chạy show" hai, ba sự kiện trong ngày, và tôi quan sát luôn cả êkip tổ chức sự kiện để học hỏi...
Nhờ mạnh dạn đi nhiều như vậy nên kiến thức, mối quan hệ, sự tự tin trong tôi tăng lên rất nhiều. Dù rất mệt và có tình huống bước vào những nơi sang trọng bảo vệ không cho tôi vào, vì họ nghĩ cô gái khuyết tật vào để xin xỏ gì đó. Bởi hồi đó tôi chưa biết trau chuốt ngoại hình, toàn mặc đồ trẻ con, thậm chí giày dép tôi cũng chỉ có thể mua đồ nhỏ của em bé.
Đã vậy, tôi còn toàn xin đi nhờ xe máy, tóc tai bê bết mồ hôi nên nhìn ngoại hình của tôi có lẽ chẳng khác gì "đứa ăn xin", trong khi các sự kiện này đa số dành cho những người thành đạt, nổi tiếng.
Dần dần tôi suy tư nhiều về những khoảnh khắc trong cuộc sống vô tình gặp một người xa lạ nào đó cảm ơn mình, rồi nói rằng nhờ sự cố gắng của mình đã giúp họ thay đổi tương lai hoặc vượt qua được bế tắc cuộc sống.
Có lẽ lúc đó chúng ta mới thấm thía về sự cố gắng của mình không chỉ giúp cho chính cuộc đời mình mà còn tạo niềm hi vọng cho hàng triệu người khác có cơ hội vươn lên.
Và cuộc đời tôi trong suốt mấy năm qua đã gặp được những khoảnh khắc tuyệt vời như vậy! Có rất nhiều người xa lạ ngoài kia đã chạy đến cảm ơn tôi khi vô tình tôi đã giúp họ chiến thắng được số phận.
Thậm chí, có những bạn nữ mà ngay cả ước mơ đơn giản nhất là mặc cái váy hai dây hay mang một đôi giày cao gót đẹp cũng không dám thực hiện. Chỉ tới khi thấy những bức hình "chưng diện" đầy tự tin của cô gái khuyết tật cao 1,32m của tôi trên Facebook, họ mới thêm tự tin hiện thực hóa những mơ ước đơn giản trên.
Mới đây nhất, tôi ngồi xem chương trình "Điều ước thứ 7" trên VTV3 kể về cô bé Hà Phương sinh ra bị mất một tay nhưng có ước mơ thành người mẫu. Và tôi rất xúc động phát hiện ra chi tiết người mẹ của bé vẫn hay sưu tầm những bài báo viết về các tấm gương vượt lên số phận, trong đó có những bài báo viết về tôi.
Đôi khi chỉ cần không bê tha với chính cuộc đời mình cũng là cách "cứu rỗi" được biết bao cuộc đời xa lạ ngoài kia. Tương lai còn dài và tôi cũng còn rất nhiều hoạch định cho bản thân.
Tuy nhiên, tôi không thích đao to búa lớn theo kiểu mình là diễn giả đi truyền nghị lực sống cho ai cả, mà chỉ đơn giản một điều: khi cuộc sống của ai đó bế tắc thì xin hãy nhớ có một người đã từng vô cùng bất hạnh như tôi, nhưng bây giờ tôi đang thực hiện ước mơ lên đến những vì sao...
TTO - Tôi nhớ đó là khoảng năm 2014 khi cuốn Giấc mơ đôi chân thiên thần của tôi tái bản lần thứ 3, và đây cũng là thời gian tôi tập tành bán sách của mình nhằm có thêm thu nhập.
Trong hành trình bán sách của mình, trong lúc cùng chị bạn Thu Anh bắt taxi ở Lotte Mart Hà Nội, tôi đã vô tình gặp một anh.
Đang loay hoay mãi vì anh taxi không chịu bế tôi lên xe (do tôi khuyết tật, rất khó tự lên xe), bỗng dưng anh xuất hiện và bế tôi lên xe. Rồi anh em làm quen, trao đổi số điện thoại và mấy hôm sau hẹn cà phê.
Anh còn giúp tôi đi bán sách và cho tôi cả số điện thoại vài công ty để tôi đem sách đến bán.
Vào một buổi trưa, tự nhiên anh gửi cho tôi một số điện thoại và bảo tôi liên hệ thử vì đây là công ty chuyên đào tạo CEO. Tôi cũng hồn nhiên gọi điện thoại thử, thì đầu dây bên kia bảo họ đang công tác ở Sài Gòn và sẽ gọi lại cho tôi sau.
Cuộc nói chuyện ấy chỉ kéo dài chưa tới một phút, nhưng tôi cứ có một cảm giác là lạ nhói lên! Tôi chỉ biết mỗi cái tên và số điện thoại của người đó mà thôi, thế nhưng tôi bị ấn tượng bởi chất giọng trầm ấm áp kia.
22h đêm hôm đó, người đàn ông kia chủ động liên lạc lại. Cái cảm giác nhói lạ lúc trưa lại hiện về trong tôi!
Hai người nhắn tin nói chuyện đến gần 2h sáng, rồi tôi bảo mình phải đi ngủ, mai 8h tôi về Hưng Yên. Và tôi cũng không quên nhờ anh ấy sáng mai 7h30 gọi điện đánh thức tôi dậy, bởi tôi có tật xấu rất hay ngủ quên.
Sáng hôm sau mới 6h30, điện thoại tôi đã reo và vẫn là giọng ấm áp kia đánh thức tôi dậy. Hóa ra có sự nhầm lẫn nhẹ, anh ấy sau khi đi công tác nước ngoài về quên chỉnh lại thời gian. Tôi nhắn tin lại bảo anh không sao, xem như có thêm thời gian trang điểm.
Ngồi trên taxi, tôi cứ líu lo như con chim non vì những cảm xúc lạ đang ngự trị trong tim! Dòng cảm xúc trong tôi cứ tăng mạnh lên mỗi khi điện thoại reo có tin nhắn. Dường như những ngày tháng đó, tôi chỉ ôm điện thoại để chờ đợi một người.
Đúng là cái cảm giác có tình cảm của một ai đó lần đầu tiên bao giờ cũng thú vị, mặc dù thời gian để hai người ở bên nhau cực kỳ ít. Kẻ Nam người Bắc và ai cũng phải có công việc riêng, tôi chẳng dám đòi hỏi gì nhiều vì tôi biết công việc kinh doanh của anh rất bận.
Nhưng không ngờ giữa anh và tôi lại có rất nhiều người bạn chung, nên những thông tin về anh, tôi đều khéo léo nắm được.
Tôi bị sốc và luôn tự hỏi chính mình rằng ở vị thế của anh có dư điều kiện để quen với những cô chân dài xinh đẹp. Còn tôi ngoài sự ngây thơ cả tin ra, tôi không có gì cả. Tôi liên tục nhắn tin cho anh để hỏi cho ra nhẽ, nhưng có một khoảng thời gian anh đã cắt liên hệ với tôi.
Càng buồn, càng suy sụp tinh thần, thì bệnh mất ngủ trong tôi càng nặng. Đó là khoảng thời gian tôi phải sống trong căn nhà trọ nhỏ xíu và tối tăm trên đường C1, Cộng Hòa.
Tôi bị trầm cảm đến mức rất nhiều đêm tôi cứ nhìn lên một khoảng không vô định. Tuy nhiên, ban ngày tôi lại tỏ ra như không có chuyện gì cả.
Và rồi tôi quyết định bỏ hết công việc đang làm để tìm cách tiếp cận chi nhánh của công ty anh ở Sài Gòn. Ban đầu, tôi chỉ xin vào đó học, rồi tiếp tục xin vào làm việc vì tôi biết chi nhánh đang thiếu vị trí PR.
Tôi phải đối diện với anh để trái tim tôi mới thật sự quên được anh, vì nếu không, lý trí và trái tim tôi suốt ngày "đấu đá" với nhau làm bệnh trầm cảm của tôi thêm nặng.
Hằng ngày cứ đến 10h sáng, tôi đến công ty làm việc, rồi một tuần ba buổi tôi ở lại học CEO đến 22h đêm. Thi thoảng họp hành hay công ty tổ chức những sự kiện lớn cho học viên, anh bay vào làm việc và chúng tôi vẫn phải giáp mặt nhau một cách bình thường.
Tôi bắt đầu rơi vào trạng thái bị đóng băng mọi cảm xúc và lúc nào tôi cũng chỉ ước giá có ai đó cho mình cái tát thật mạnh để mình được bật khóc cho nhẹ trong lòng. Đi làm về, tôi không muốn giao tiếp với ai, không muốn gặp ai...
Tôi mất ngủ, bỏ ăn, nên khuôn mặt tôi chỉ là một cảm xúc trống rỗng. Tôi dừng luôn việc viết tiếp sách "Tin vào điều tử tế", và đỉnh điểm nhất có những ngày ở nhà tôi đã thủ sẵn dao lam.
Phòng trọ tôi ở tầng một, chỉ 12m2 và rất ngột ngạt. Tôi hình dung nếu giờ mình rạch tay, máu chảy lênh láng và chắc phải vài ngày sau ai đó mới phát hiện ra. Tôi luôn hình dung về cái chết của mình vào những ngày tối tăm...
Rồi một lần đi dự hội thảo, tôi vô tình gặp được bạn Nguyễn Phi Vụ đang học tâm lý để sau này chuyên đi đào tạo và điều trị các triệu chứng về tâm lý. Cứ vài tuần, bạn lại qua nhà tôi, nghe tôi kể tất cả những tâm sự, những tổn thương tôi giấu kín trong lòng.
Và tôi cũng kể những dự định sau này sách tôi được xuất bản, tôi muốn đem nó tặng cho các trại giam. Phi Vụ ngồi nghe và ghi chép lại tất cả. Lúc này, tôi bắt đầu thấm mệt vì đã tận mắt chứng kiến và biết thêm nhiều sự thật về người đàn ông kia.
Tôi thực sự muốn xin nghỉ ở công ty đó, nhưng vì lời hứa mà tôi đã tự hứa với người kia trước khi vào đó làm là sẽ giúp họ giải quyết vài sự việc có liên quan đến vấn đề quản trị thương hiệu. Nên tôi đành cố làm thêm vài tháng rồi viết đơn xin nghỉ. Tôi tự thấy trái tim tôi đau vậy đủ rồi!
Chuyển về nhà mới, nhưng bệnh mất ngủ của tôi vẫn kéo dài và tôi không thể làm bất cứ việc gì. Thậm chí, tôi nhận rất nhiều công việc liên quan đến chữ nghĩa, nhưng vẫn không làm nổi.
Tâm trí tôi bế tắc cùng cực nhất thì tự nhiên Nguyễn Thị Vân (NLS) lại hay nhắn tin cho tôi. Đây là người bạn mà tôi hay gọi "sư phụ cua trai".
Đúng, tôi và Vân là những người phụ nữ không may bị khuyết tật, thậm chí Vân còn bị nặng hơn tôi, nhưng chúng tôi luôn tự chủ động trong cả công việc lẫn cuộc sống, luôn biết rõ mục tiêu mình là gì.
Thế nhưng, tôi thừa nhận mình từng là cô gái luôn bị động trong chuyện tình cảm nên dẫn đến những tháng ngày u ám. Còn Vân thì ngược lại. Cô tự tin đến mức chủ động đến và cũng chủ động rút lui với những mối quan hệ không ổn.
Vân hay trêu tôi: "Chị làm vậy phí một đời, vì trai ngoài kia còn đầy...". Còn tôi hay nói đùa với bạn bè mình rằng: "Công nhận từ ngày Vân lấy được chồng, mình cảm thấy hạnh phúc và tự tin hẳn".
Và để có được niềm hạnh phúc như hiện tại, ít ai biết được rằng cô gái bé nhỏ kia đã trải qua... 7 cuộc tình đổ vỡ.
Thú thật là cô gái khuyết tật cơ thể, nhưng không vì vậy mà tôi phải kìm ném đi những cảm xúc thật của mình.
Và cũng chính câu chuyện của Vân đã giúp tôi khỏi bệnh trầm cảm. Hiện giờ, tôi đã đủ tự tin trong mối quan hệ mới và cũng tự tin rút lui nếu nhận thấy không thể là mối quan hệ đường dài...
TTO - Dẫu có phạm tội thế nào, bản thân họ vẫn là một con người và quan trọng hơn hết, bên trong họ luôn tồn tại những vết thương vô hình. Tôi ước mong ngòi bút của mình đổi thay được phận người ở nơi ấy…
Năm 2013, phát hành xong cuốn sách Yêu trên từng ngón tay, tự nhiên tôi có cảm giác muốn làm cái gì đó mới hơn. Bởi bản tính tôi luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự, lúc nào cũng đầy ắp trăn trở về xã hội, về những người yếu thế xung quanh mình.
Tôi luôn đặt ra những câu hỏi khi đất nước xảy ra những biến động, nhất là những gì liên quan đến đạo đức con người.
Đến một ngày cuối tháng 12-2013, tôi tình cờ xem phóng sự của VTV làm về vụ án "cậu Thủy" giả danh nhà ngoại cảm để lừa rất nhiều thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt. Tôi vừa xem vừa khóc tức tưởi.
Tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với những con người như vậy? Sự tử tế của họ đâu rồi khi ngay cả cán bộ địa phương cũng tiếp tay cho kẻ lừa đảo tàn nhẫn kia?
Cũng cùng thời điểm đó, những sự việc như hôi bia ở Biên Hòa, những vụ cướp giật, thảm sát liên tục xảy ra trong xã hội.
Khóc xong, tôi ngồi vào bàn và viết ngay một bài mang tên "Người tử tế đâu rồi?". Ít ngày sau, tôi gửi báo Sài Gòn Giải Phóng, sau khi bài được đăng, có bạn nào đó đưa lên webtretho. Và chưa đến một ngày, bài viết được hơn 5.000 lượt xem và hàng trăm bình luận của độc giả.
Tôi đã đọc hết tất cả bình luận. Đa số độc giả đều kể về những câu chuyện tử tế mà họ từng trải qua trong đời. Từ đó, tôi thầm nghĩ ngoài kia vẫn còn rất nhiều người tử tế.
Thậm chí giọng văn lãng mạn ngôn tình, lê thê của tôi buộc phải biến mất và thay vào đó là giọng văn ngắn gọn, mộc mạc và thẳng thắn. Đây cũng là bản thảo khiến tôi phải sửa, phải bỏ đi rất nhiều, bởi không phải dòng văn học lãng mạn để tôi có thể tự do ngồi tưởng tượng.
Ngay cả việc đi thu thập tư liệu, phỏng vấn nhân vật từ Bắc chí Nam buộc tôi phải dành thì giờ ngồi đọc nhiều thể loại sách khác nhau để thu thập kiến thức và xem cách họ tư duy đa chiều từ một vấn đề nào đó trong xã hội.
Cũng phải thú thật là nhờ viết tác phẩm này mà tôi luyện được tư duy đa chiều, kỹ năng phản biện và cả lòng vị tha khi nhìn sự việc, nhìn con người.
Tuy nhiên, đây cũng là cuốn sách đã lấy đi của tôi rất nhiều mồ hôi lẫn nước mắt. Những chuyến hành trình trong gần 4 năm của một người khuyết tật không hề dễ dàng khi điều kiện hỗ trợ cho người khuyết tật tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Tôi nhớ có lần đặt trước vé máy bay giá rẻ cả mấy tháng trời và đến khi ra sân bay làm xong thủ tục, gửi xong hành lý, tôi leo lên xe lăn để nhân viên hỗ trợ đẩy vào phòng chờ thì cũng là lúc nghe thông báo máy bay bị hoãn 5 tiếng đồng hồ, đến 23h khuya mới cất cánh.
Tôi ngớ người khi nghe thông báo, vì lúc đó cái xe đẩy của tôi đã được gửi hành lý, còn tôi thì không thể nào điều khiển được xe lăn của sân bay.
Năm tiếng đồng hồ ngồi ở phòng chờ với tôi là sự bất tiện khủng khiếp. Tôi nghĩ lúc xuống sân bay Hà Nội vào 1h giờ sáng, và lúc đó một cô gái khuyết tật như tôi không dám bắt taxi về khách sạn bởi quá nguy hiểm.
Tôi lục danh bạ điện thoại cầu cứu người bạn chỉ mới quen trên Facebook. Anh Nguyễn Trung Kiên hồi đó đang công tác tại Hải Phòng, hứa nếu tôi ra Hà Nội sẽ dẫn tôi xuống Hải Phòng.
Nghe tôi trình bày sự việc, anh Kiên bảo chờ ít phút để anh tìm phương án. Vài phút sau, anh gửi cho tôi số điện thoại một bạn học thời cấp ba của mình đang công tác tại sân bay. May mắn hôm đó lại trúng ca trực của anh.
Khi anh ấy đưa tôi về khách sạn thì đã hơn 2h sáng. Sửa soạn xong, hơn 3h tôi mới được ngủ.
Sáng hôm sau, tôi phải dậy sớm đi cùng nhà văn Nguyễn Văn Học lên tận Hòa Bình thăm một người bạn đã mất do bị bệnh xương thủy tinh. Rồi hôm sau tôi lại tự bắt xe về Hải Phòng xin gặp chị Phạm Thị Huệ, người được mệnh danh là "Anh hùng châu Á".
Cứ vậy, tôi đi hết tỉnh này qua thành phố nọ. Thế nhưng không phải đi một mạch được, vì tôi cũng phải cần có công việc làm để đảm bảo thu nhập và có kinh phí di chuyển. Tôi may mắn được gặp nhiều thành phần trong xã hội, được nghe nhiều góc nhìn từ họ để qua đó tôi có thêm chất liệu viết.
Phải thú thật tôi là người không có nền tảng kiến thức để có thể viết sắc sảo hơn. Nhưng đây là một tác phẩm tôi viết bằng chính trách nhiệm công dân của mình, nên có thể vì vậy mà lượng sách bán ra chạy hơn tất cả các tác phẩm trước đây của tôi.
Điều tôi hạnh phúc nhất là khi nhận được sự đồng cảm từ độc giả và tôi được lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành, để sau mỗi lần tái bản tôi có thể ngồi chỉnh sửa. Tôi rất biết ơn độc giả về điều này.
Thậm chí có những bạn giáo viên ở các trường xa xôi cũng liên hệ mua sách, với ước mong làm sao cho học trò của mình tin vào những điều tử tế để làm người tốt.
Còn về lý do vì sao tôi muốn đem sách Tin vào điều tử tế đến tặng các trại giam? Thú thật tôi đã ấp ủ ý định được làm điều gì đó cho nhóm đối tượng phạm nhân từ rất lâu rồi, mà chưa nghĩ ra mình phải làm gì.
Mà nó như một định mệnh khi tự nhiên năm 2009, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lần đầu gặp tôi đã phán một câu rằng: "Số con phải làm cái gì đó liên quan đến nhà tù". Lúc đó, tôi nghĩ thầm có khi nào với cái tính khí quá thẳng thắn của mình mà viết sai gì đó sẽ bị bắt vào tù không?
Đến năm 2012, khi tôi được tham gia khóa học về tư duy, tự nhiên trong đầu tôi có ước nguyện giá mà được đem khóa học này vào dạy cho nhóm đối tượng phạm nhân thì hay biết mấy. Vì đây là chương trình học giúp học viên được chữa lành những vết thương tâm hồn, từ đó họ sẽ sống tử tế hơn và cái ác, cái tham sẽ được tiết chế lại.
Sau khi bán hết sách in đợt 1 chỉ trong 10 ngày, trong thời gian chờ tái bản, tôi bỗng nảy ý tưởng đem cuốn sách này gửi tặng đến các nhà giam, và biết đâu tôi sẽ có cơ hội tiếp cận các bạn phạm nhân để được lắng nghe họ. Bởi quá trình viết cuốn này, tôi cũng mong muốn sẽ phỏng vấn một phạm nhân nào đó để viết bài về họ.
Hành trình mang Tin vào điều tử tế đến các trại giam quả thật không hề dễ dàng. Có những trại giam tưởng chừng đã đồng ý nhận sách của tôi thì đến phút cuối không hiểu sao họ lại từ chối. Hoặc có những trại giam tôi phải chờ vài tháng đến cả năm trời, có dịp thích hợp họ mới đồng ý nhận sách và mời tôi về giao lưu.
Thú thật, mỗi khi vào trại giam, đứng trên sân khấu nhìn xuống những "khán giả đặc biệt", dường như tim tôi nghẹn lại. Tôi chỉ muốn chạy xuống sân khấu để được ôm từng người. Họ dẫu có phạm tội thế nào thì bản thân vẫn là một con người và quan trọng hơn hết, bên trong họ luôn tồn tại những vết thương vô hình...
Tôi ước mong ngòi bút của mình đổi thay được phận người ở nơi ấy, như đêm tối nhất là lúc bình minh sắp lên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận