Cụ bà 102 tuổi ở Phú Nhuận được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế Singapore (MOH), những người già nằm trong nhóm có khả năng nhiễm virus COVID-19 rất cao, dễ bị bệnh nặng sau khi nhiễm. MOH tính toán sẽ có 10 - 15% trong số họ phải nhập viện và nằm ở ICU (phòng chăm sóc đặc biệt).
Nhiều cụ bách niên đi tiêm
Những cụ già bách niên đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng không quá hiếm trên thế giới. Ở Anh đã có cụ bà 106 tuổi được tiêm, Mỹ có cụ bà 111 tuổi được tiêm, Đức có cụ bà 101 tuổi được tiêm.
Việt Nam tiêm sau các nước khác nên có lợi thế là thông tin về độ an toàn của vắc xin đã có nhiều hơn.
Nhiều người lớn tuổi trên thế giới, vốn tin tưởng ở khoa học và vắc xin, đã chia sẻ lại trải nghiệm đi tiêm vắc xin COVID-19 của mình để động viên những người khác còn ngần ngại. Ông Gary Whitfield, 77 tuổi, ở bang Texas (Mỹ), là một trường hợp như vậy, theo kênh spectrum news 1 của Texas.
Ông Gary cũng được thuyết phục về mặt số liệu rằng người cao niên, độ tuổi từ 75 - 84 như ông có khả năng tử vong do nhiễm COVID-19 gấp 220 lần so với người dưới 30, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tháng 2-2021.
Tại Canada, theo kênh CBC.ca, các bác sĩ và chuyên gia cũng kêu gọi người lớn tuổi, người dễ gặp rủi ro đi tiêm trước và kêu gọi chính phủ ưu tiên tiêm cho họ. "Đó là trách nhiệm, sự tôn trọng và khoa học. Nó phản ánh những giá trị tốt đẹp của xã hội" - bác sĩ Dr. Cara Tannenbaum, giáo sư y khoa của Đại học Montreal, kêu gọi.
Chiến lược cứu nhiều mạng người
Thời điểm tháng 1-2021, khi Mỹ gần như vừa khởi động tiêm vắc xin, tạp chí Science Daily của Mỹ đã dẫn các nghiên cứu cho thấy tăng tốc tiêm vắc xin, ưu tiên người lớn tuổi từ 60 tuổi trở lên là chiến lược bảo vệ nhiều tính mạng nhất.
Cụ thể, nếu tập trung vào nhóm này, Mỹ có thể bảo vệ tính mạng của 65.000 người Mỹ trong vòng 3 tháng. Đây không phải là một gợi ý "khơi khơi" mà nó được các nhà khoa học phân tích bằng mô hình tính toán dựa trên các dữ liệu đầu vào với các kịch bản giả định khác nhau.
Theo CDC, rất nhiều người lớn tuổi, người bị khuyết tật gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi tiếp cận các điểm tiêm chủng. Các trở ngại cụ thể gồm di chuyển khó khăn, không có phương tiện di chuyển hoặc hình thức di chuyển an toàn đến điểm tiêm, không có người thân và mạng lưới hỗ trợ trong cộng đồng để giúp họ tìm thông tin về vắc xin và điểm tiêm chủng.
Đặc biệt, nhiều người lớn tuổi không sử dụng Internet hoặc không biết dùng các nền tảng điện tử để hẹn lịch tiêm. Cũng có thể họ xem nhẹ dịch bệnh do thiếu thông tin hoặc bị các khuyết tật về nghe, nhìn khiến việc tiếp cận thông tin đúng về vắc xin hạn chế…
Tất cả các trở ngại này cần được giải quyết. Một trong những giải pháp là vị trí các điểm tiêm chủng phải thuận lợi, dễ tiếp cận. Điểm tiêm chủng có thể tổ chức theo ngày có các sự kiện cộng đồng, tập trung nhiều người lớn tuổi, ở các nơi cung cấp dịch vụ hoặc câu lạc bộ họ thường sinh hoạt, giao lưu.
Hiện nay, trong nỗ lực để nhiều người được tiêm hơn, nhân viên y tế ở Mỹ thậm chí đã đến từng hộ gia đình để tiêm vắc xin theo chiến lược "gõ cửa từng nhà".
"Tôi tiêm ngừa vì con cháu tôi"
Cụ bà Ho Kham, 101 tuổi, được tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2-7 - Ảnh: KHMER TIMES
"Tôi tiêm ngừa vì tất cả con cháu và mọi người sống chung với tôi đã tiêm. Tôi muốn an toàn" - cụ bà Ho Kham, 101 tuổi, nói với tờ Khmer Times khi đến điểm tiêm ngừa COVID-19 ở Phnom Penh ngày 2-7.
Cụ là người lớn tuổi nhất ở Campuchia và là một trong tám cụ già trên 100 tuổi đã tiêm ngừa đầy đủ. Con trai 65 tuổi của cụ, ông Seng Sarin, cùng mẹ đến chỗ tiêm và cho biết cụ rất háo hức đi tiêm. Cụ không gặp tác dụng phụ gì sau khi tiêm liều đầu tiên.
NGÔ HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận