Ukraine và Nga tuyên bố khác nhau về Soledar
* Ukraine bác tin mất quyền kiểm soát Soledar. Trong phát biểu bằng băng ghi hình hôm 13-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định các lực lượng Ukraine vẫn chiến đấu với lính Nga tại thị trấn mỏ muối Soledar và các thành phố khác ở miền đông Ukraine. Phía Ukraine bác bỏ thông tin đã mất quyền kiểm soát đối với thị trấn này.
Trước đó, phía Nga khẳng định đã thắng lợi tại Soledar, địa điểm có vai trò quan trọng đối với việc hỗ trợ hậu cần trong các cuộc chiến gần miền đông Ukraine.
Giới quan sát nhận xét rằng nếu đúng như vậy, đây là bước tiến lớn đầu tiên của Nga sau vài tháng nhận tin tức không hay trên chiến trường. Soledar có những đường hầm khai thác mỏ đủ khả năng chứa lính và xe tăng, ảnh hưởng tới cục diện "chiến dịch quân sự đặc biệt".
* Hơn 78% người Nga tin ông Putin. Ngày 13-1, Hãng thông tấn TASS dẫn kết quả khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng toàn Nga cho thấy tỉ lệ người tin tưởng vào Tổng thống Nga Vladimir Putin là 78,4%.
Khảo sát này được thực hiện từ ngày 26-12 tới 30-12 trên 1.600 công dân Nga từ 18 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy, khi được hỏi về niềm tin đặt vào ông Putin, có 78,4% người trả lời "có". Trong khi đó, tỉ lệ tán thành công việc của ông Putin là 74,3%, giữ nguyên so với mức trước đó.
* Thụy Điển khánh thành sân bay vũ trụ mới trị giá 16,3 triệu USD. Ngày 13-1, Thụy Điển đã khánh thành bãi phóng vệ tinh mới trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang cạnh tranh để trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Nga đưa vệ tinh lên quỹ đạo từ lục địa châu Âu.
Tham dự lễ khánh thành sân bay vũ trụ Esrange có Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.
Sân bay vũ trụ Esrange là một phần mở rộng của Trung tâm Vũ trụ Esrange ở Bắc Cực của Thụy Điển, nằm cách thị trấn Kiruna khoảng 40km, được mô tả là tổ hợp phóng vệ tinh đầu tiên của châu Âu.
Với số vốn đầu tư lên tới 15 triệu euro (16,3 triệu USD), sân bay dự kiến sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ trung tâm vũ trụ của châu Âu tại Kourou ở vùng lãnh thổ Guiana thuộc Pháp, hoặc được sử dụng dự phòng khi hợp tác với Nga và sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan bị hạn chế do cuộc xung đột tại Ukraine.
Người phát ngôn của Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển (SSC) - nhà điều hành Esrange, đặt mục tiêu phóng vệ tinh đầu tiên từ sân bay vũ trụ này trong quý 1-2024.
Ngành công nghiệp vệ tinh đang bùng nổ với số lượng vệ tinh đang hoạt động vào năm 2040 dự kiến sẽ đạt 100.000 so với con số 5.000 hiện nay.
Ông Trump bị nói tính dùng hạt nhân với Triều Tiên, chưa thấy phản hồi
* Ông Trump từng đòi dùng hạt nhân tấn công Triều Tiên? Đài NBC của Mỹ dẫn nội dung một cuốn sách mới ra mắt khẳng định rằng vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về ý định sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Triều Tiên, đồng thời nói ông Trump sẽ đổ lỗi cho một quốc gia khác về điều này.
Tác giả cuốn sách này là Michael Schmidt, phóng viên đặc trách Washington của tờ New York Times. Bản thảo trên do NBC đọc được trước khi ra mắt, và lập tức trở thành đề tài nóng của truyền thông Mỹ.
Thông tin về hậu trường thảo luận của chính quyền ông Trump được kể chi tiết trong phần "Donald Trump chống nước Mỹ", trong đó thuật lại hàng loạt cuộc phỏng vấn của tác giả với quan chức chính quyền ông Trump.
Hiện chưa có phản hồi nào từ phía ông Trump về thông tin trên.
* Thụy Điển lên án việc "phá hoại" nỗ lực gia nhập NATO. Hôm 13-1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson lên án cuộc biểu tình của người Kurd tại trung tâm Stockholm, khẳng định việc người biểu tình treo hình nộm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là "hành động phá hoại" đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu lá phiếu quan trọng đối với việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Ankara có quan điểm tiêu cực về người Kurd tại khu vực Trung Đông. Màn biểu tình của người Kurd nêu trên đã nhận phản ứng gay gắt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, được biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận việc ủng hộ Thụy Điển nếu Thụy Điển trấn áp các tay súng người Kurd lưu vong cũng như các nhóm vũ trang mà Ankara cho rằng phương hại tới an ninh quốc gia.
* Ông Biden nhấn mạnh cam kết quốc phòng với Nhật Bản. Hôm 13-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio rằng Mỹ cam kết "hoàn toàn và đầy đủ" đối với quốc phòng của Nhật, đồng thời ủng hộ chính sách an ninh của Tokyo. Ông nhấn mạnh mối quan hệ hai nước chưa bao giờ gần gũi đến vậy.
Phát biểu này được đưa ra khi ông Biden tiếp ông Kishida, người có chuyến thăm tới Washington ngày 13-1. Trước đó, các quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước đã có cuộc gặp 2+2, nhất trí tăng cường hợp tác an ninh Mỹ - Nhật.
Nhật Bản vừa qua đã tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, và được cho đang tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác quốc phòng khác bổ sung cho hợp tác Mỹ - Nhật. Các lựa chọn bổ sung này đều là đồng minh của Mỹ như Canada, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Úc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận