Tổng thống Ukraine gửi thông điệp tới NATO
Ngày 10-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như gửi một "tối hậu thư" cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong đó nói rằng đa số các nước thành viên liên minh ủng hộ Ukraine và hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius phải xác nhận rằng Ukraine là một thành viên trên thực tế của liên minh này.
Ông Zelensky phát biểu trong bản video hằng đêm là "phần lớn liên minh ủng hộ chúng tôi một cách mạnh mẽ. Khi chúng tôi đăng ký trở thành thành viên của NATO, chúng tôi đã thẳng thắn rằng trên thực tế, Ukraine đã ở trong liên minh.
Vũ khí của chúng tôi là vũ khí của liên minh. Những giá trị chúng tôi tin tưởng cũng là những gì liên minh tin tưởng. (Hội nghị ở) Vilnius phải xác nhận tất cả những điều này".
Ông Zelensky cho biết thêm, việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh.
"Tôi chắc chắn rằng sẽ có tin tốt về vũ khí cho những người lính của chúng tôi từ Vilnius", ông Zelensky nói.
Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ Thụy Điển
Ngày 10-7, Tổng thống Tayyip Erdogan thông báo đồng ý chuyển Quốc hội nước này phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển.
Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO năm ngoái, từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự kéo dài qua hàng thập kỷ, sau chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Ngày 10-7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo trong một cuộc họp báo rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển văn bản gia nhập của Thụy Điển tới Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Ông cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để đảm bảo việc phê chuẩn Thụy Điển vào NATO.
Ông Stoltenberg gọi đây là một cột mốc "lịch sử". Theo Hãng tin Reuters, tổng thư ký NATO đã cùng Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson họp trong vài giờ vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh NATO để nhận được tín hiệu "đèn xanh" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nhiều tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển không hành động đủ để chống lại các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ coi là một tổ chức khủng bố.
Hồi tháng 4, Phần Lan trở thành quốc gia thành viên thứ 31 của NATO. Thụy Điển dù cũng nộp đơn xin gia nhập với Phần Lan nhưng vẫn phải chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi bị tấn công
Ngày 10-7, một cuộc tấn công nhằm vào đội tuần tra của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Đông Bắc Cộng hòa Trung Phi khiến một sĩ quan người Rwanda tử vong.
Theo Liên Hiệp Quốc, ba trong số những người tham gia tấn công đã bị tiêu diệt. Một người bị bắt.
Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc được triển khai tới Cộng hòa Trung Phi năm 2014 để giúp kiềm chế bạo lực bùng lên một năm trước đó.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi cho rằng vụ tấn công do các phần tử vũ trang thực hiện.
Bạo lực đã giảm bớt ở Cộng hòa Trung Phi sau khi hiệp định hòa bình được ký kết vào tháng 2-2019 giữa chính phủ và 14 nhóm vũ trang, nhưng tình hình vẫn không ổn định do nhiều vùng lãnh thổ vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.
Lãnh đạo một tổ chức tư vấn có tiếng ở Mỹ lại đại diện cho lợi ích Trung Quốc
Theo Hãng tin Reuters, ngày 10-7, ông Gal Luft, quốc tịch Mỹ - Israel, lãnh đạo một tổ chức tư vấn của Mỹ, bị buộc tội hoạt động như một đại diện nước ngoài không đăng ký của Trung Quốc.
Các công tố viên liên bang ở Manhattan cho biết ông này đã tìm cách môi giới việc bán dầu của Iran.
Mưa lớn khiến Đông Bắc Mỹ báo động nguy cơ lũ lụt
Ngày 10-7, các trận mưa lớn đổ xuống vùng Đông Bắc Mỹ khiến nguy cơ lũ lụt lớn đe dọa toàn khu vực. Mưa cuốn trôi đường sá, tràn bờ sông buộc nhiều người phải sơ tán.
Dịch vụ thời tiết quốc gia cho biết sau những cơn bão cuối tuần qua khiến hơn 13 triệu người Mỹ rơi vào diện theo dõi và cảnh báo lũ, trải dài từ phía đông bang New York đến Boston và Tây bang Maine ở phía đông bắc.
Mưa lớn trên diện rộng có khả năng gây lũ lớn, tình trạng cuốn trôi đường sá đang diễn ra với mức độ và cường độ tăng lên.
Nga tự tin nền kinh tế được quan tâm nhiều hơn
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của triển lãm công nghiệp quốc tế Innoprom, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết các đối tác nước ngoài vẫn quan tâm đến việc hợp tác với Nga, bất chấp mọi nỗ lực nhằm cắt nước này khỏi chuỗi cung ứng và thanh toán toàn cầu.
"Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đến nền kinh tế Nga không chỉ duy trì mà còn tăng lên, bất chấp các nỗ lực nhằm cắt chúng tôi khỏi chuỗi sản xuất toàn cầu, các tuyến hậu cần và hệ thống thanh toán quốc tế", ông Mishustin nói.
Ông Mishustin cho biết thêm, sản xuất công nghiệp ở Nga đang tăng trưởng, trái với mục tiêu của các biện pháp trừng phạt. Tốc độ tăng trưởng này gần đây đã tăng nhanh.
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un tố máy bay Mỹ xâm phạm
Ngày 11-7, bà Kim Yo Jong - em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - cho biết một máy bay do thám của quân đội Mỹ đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này tám lần trong ngày 10-7.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, bà Kim thề rằng các lực lượng Mỹ sẽ phải đối mặt với một "chuyến bay rất quan trọng" nếu họ tiếp tục "xâm phạm bất hợp pháp".
Trước đó, ngày 10-7, Triều Tiên dọa sẽ bắn các máy bay Mỹ nếu xâm phạm bất hợp pháp không phận của nước này.
Trở lại hang Tham Luang
Các thành viên đội bóng Wild Boards của Thái Lan ngày 10-7 quay trở lại hang động Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai để kỷ niệm tròn 5 năm sự kiện 12 thành viên đội bóng cùng huấn luyện viên được giải cứu khỏi hang động bị ngập lụt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận